Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chào đón chúa xuân

Hoàng Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mỗi độ xuân về là một lần đất trời thay áo mới. Chiếc áo dệt nên bởi những rung động (hay tần số) mùa xuân, tạo cho xuân này khác với xuân qua, mùa này khác với mùa trước.

Nắng xuân

Từ giã mùa đông lạnh lẽo, mặt đất đón nhận nhiều hơn các tia nắng ấm bởi quang phổ ánh sáng mặt trời nghiêng về phía các màu nóng, với sự gia tăng đáng kể tỷ lệ tia đỏ và tia hồng ngoại có độ dài sóng trong khoảng 650-1.100 nano-mét (nm).

Một chùm tia sáng màu đỏ 700nm là kết quả của 428.570 tỉ lần dao động điện từ trong mỗi một giây. Màu sắc càng nóng càng ảnh hưởng mạnh đến tâm sinh lý con người, càng kích thích điện đất phát ra nhiều xung động beta (12-25Hz) đánh thức vạn vật thay cho tần số delta (0.5-4Hz) ru giấc ngủ đông.

Sắc xuân

Cây cỏ cảm nhận nắng xuân sớm nhất, tạo nên hiện tượng trăm hoa khoe sắc đón chào năm mới. Một khi đêm dài mùa đông ngắn lại, ngày xuân ấm áp trở về thì trên mỗi ngọn cành của nhiều giống loài sẽ cho hoa mùa xuân. Đặc tính chung của hương thơm các loài hoa xuân là lan tỏa bay xa do có tần số dao động cao, làm cho những vùng không gian rộng lớn tràn ngập hương sắc. Trên thực tế, dao động sóng của hương thơm các loài hoa thiên nhiên cao hơn hoa trồng, và người ta đo được tần số mùi hoa hồng dại lên đến 320 triệu lần mỗi giây.

Tiếng xuân

Không phải đàn én bay về báo hiệu mùa xuân mà chính sự thay đổi trong tiếng kêu ríu rít cho biết mùa đông thực sự đã qua. Người ta thấy khi mùa xuân về, tần số phát ra các tiếng kêu, tiếng gáy hay tiếng hót líu lo của nhiều loài chim đột ngột dâng cao, cùng với thú vui thích hót và sử dụng nhiều hơn các âm điệu mời gọi bạn tình của chúng.

Gần đây, các nhà nghiên cứu nhận ra âm giai của các dòng nhạc hay âm điệu của những vần thơ do con người sáng tác mỗi độ xuân về cũng thay đổi tương tự tiếng chim ca. Người ta đem phân tích, so sánh tiếng gáy của loài gà rừng vốn gần gũi với cuộc sống con người và rất nhạy cảm với các mùa, thì chợt nhận ra chim chóc và con người có cùng chung một “tiếng xuân”.

Chim én

Vào những ngày cuối đông khi tia nắng mặt trời trở nên ấm áp thì tất cả đàn én di cư đâu đó đều mau mau quay trở về tổ. Khi mùa xuân đến ngày trở nên dài, chim chóc tắm mình trong ánh sáng đủ lâu để các tế bào vỏ não khởi động một chuỗi các phản ứng hormone báo cho chúng biết đến lúc phải trở về tổ ấm để kiếm bạn tình.

Cũng như con người, nắng xuân làm chúng háo hức trở về: cả đàn én thay hình đổi dạng để có thể bay không ngủ những chặng đường hàng ngàn cây số với tốc độ nhanh hơn thường nhật đến cả sáu lần. Vì vậy, khi chợt nghe những tiếng lao xao mỗi lúc một gần, chúng ta có thể nhanh mắt nhìn lên bầy chim rợp trời để thấy có những chú én tách đàn sà xuống lao ngay vào tổ.

Hoa mai

Đời sống mỗi loài cây cỏ chịu ảnh hưởng của nóng và lạnh, của độ dài giữa đêm với ngày và các tần số tia nắng mặt trời, thể hiện nên các màu sắc. Hiện tượng ra hoa của mỗi loài tùy theo quang kỳ: các loài cây thích ngày dài sẽ đồng loạt trổ bông khi đêm dần ngắn lại, trong khi các loài thích đêm dài chỉ bắt đầu ra hoa khi mùa thu tới.

Khi mùa xuân về, những loài hoa như mai, đào như thể xuất hiện loại gen báo thức (gọi là florigen), trong đó, thể di truyền FT (flowering locus T) tập trung nhiều lên các đầu ngọn điều khiển tổ hợp tế bào sắp xếp thành các nụ hoa thay vì chồi lá. Và thế là bắt đầu thời kỳ sinh dục, một kiểu dậy thì của các giống loài thực vật.

Hồn xuân

Hòa vào trong các tần số mùa xuân của đất trời, của vạn vật, hồn xuân trong chúng ta cũng rung theo những nhịp đập khác thường làm cho tim ta thêm rộn rã (67-70Hz), đầu óc chan chứa hạnh phúc (72-90Hz) và toàn thân trở nên nồng ấm (62-78Hz) để yêu thương đón nhận yêu thương…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới