(KSTG) - Mấy ngày nay báo chí đưa tin và truyền thông điệp đại khái đến năm 2023, dịch Covid-19 sẽ biến thành một dạng cúm mùa. Ngẫm nghĩ hai năm nữa cũng không phải thời gian ngắn. Rồi sau hai năm đó, liệu thế giới sẽ lại có điều gì khác xảy ra còn tệ hại hơn chăng?
Dạo này, TPHCM đã mở cửa, người và xe đã nườm nượp. Ban đầu còn là sự ngập ngừng sau những ngày dài giãn cách. Giờ thì “bình thường mới” đã lan đến khắp nội, ngoại thành. Người ta đi lại, nói cười, tụ họp thoải mái, dường như đã quên đi một giai đoạn đau thương, khốc liệt vừa mới trải qua, dường như chúng chỉ là một giấc mộng hãi hùng nào đó đã xa lắc.
Ghé vào một quán phở trên đường Trần Quốc Thảo thấy người ra kẻ vào chẳng còn nhìn nhau bằng những ánh mắt nghi ngại như hồi dịch bệnh còn đang hoành hành. Nóng chăng là sự chất vấn trên nghị trường về loạn giá xét nghiệm, về đại án liên quan đến công ty dược VN Pharma, và hàng loạt cán bộ ngành y tế bị khởi tố…
Bên ngoài nghị trường, dư luận cũng bàn tán xôn xao. Trong cùng cực đau thương của dịch dã, một viên thuốc, một chiếc khẩu trang hay một liều vaccine, dù rất nhỏ, nhưng đôi khi giúp ngăn ngừa được bệnh tật, níu lại được hơi thở cho một thể xác trong cơn tuyệt vọng. Những gì mà ngành y tế làm được là vô cùng to lớn. Không có lực lượng y tế xả thân suốt hàng tháng trời thì không biết những điều tệ hại, sự tổn thất sinh mạng còn lớn đến đâu. Nhưng đâu đó, những kiểu trục lợi từ những viên thuốc, những bộ kit test trên nỗi đau của đồng bào lại như những chiếc dằm nhức buốt, nghe đắng đót vô cùng.
Chỉ riêng một cụm từ “loạn giá xét nghiệm” cũng đã khơi dậy bao nhiêu là dấu hỏi, bao sự hoài nghi lởn vởn trong đầu. Và người ta mong muốn nhanh chóng có sự giải trình rõ ràng, minh bạch. Bởi đó cũng là tiền mồ hôi nước mắt của người dân.
Số liệu về dịch Covid-19 được Bộ Y tế công bố gần đây cho thấy số ca nhiễm mỗi ngày vẫn cao, trong đó, các tỉnh, thành phía Nam vẫn chiếm số lượng áp đảo. Trong khi đó, trạng thái xã hội càng dần về cuối năm càng có vẻ “sốt ruột” muốn yên ổn để triển khai các phương thức làm ăn kinh doanh, nhằm vực dậy tình hình tài chính sau những tháng dài thất bát do giãn cách xã hội.
Nhưng sự nóng lòng ấy cũng khiến nhiều người e ngại và mong muốn có những giải pháp quyết liệt để dập tắt sự chập chờn của trận đại dịch nghiệt ngã này. Không có cách nào khác ngoài chuyện phải cấp tập nhập khẩu và tiêm vaccine đồng loạt cho những “vùng lõm vaccine” ở các tỉnh, thành, để không chỉ một hay một vài nơi, mà là nơi nơi đều có thể hoạt động trở lại bình thường, tự tin trước dịch.
Sống trong dịch bệnh, những thông tin giúp tạo sự an tâm cho người dân đó là sự quyết tâm dập dịch, sự nỗ lực có thuốc men và việc xây dựng được phác đồ điều trị hiệu quả cho các ca nhiễm trở nặng hoặc chưa kịp tiêm vaccine. Việc kéo giảm số ca tử vong trong thời gian vừa qua cho thấy những nỗ lực rất lớn, nhưng nếu kéo được về tiệm cận con số 0 thì sự tự tin của xã hội khi tiếp cận công việc bình thường trở lại sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho các mặt hoạt động được suôn sẻ, hanh thông.
Hy vọng trạng thái chập chờn dịch dã rồi sẽ qua và điều mong đợi ấy trong tâm thức của mỗi người sẽ thành hiện thực. Bởi trong cuộc chiến với đại dịch lúc này, sự dốc sức triển khai các chiến lược bài bản, có hiệu quả sẽ tạo ra tâm lý ổn định và niềm tin vững chắc trong mỗi con người.
Dịch sẽ còn dập dềnh một thời gian nữa cho đến khi bình ổn trở lại. Không hốt hoảng mà cũng không chủ quan là tâm thế cần có lúc này. Các nhà quản lý cần phân tích rõ tình hình, dữ liệu khoa học và thực tiễn, đánh giá công khai trên công luận để mọi người hiểu và biết cách thích ứng với đại dịch. Đừng thông tin theo kiểu “bỏ ngỏ” giữa chừng, càng khó làm cho dư luận yên tâm ?