(KTSG) - Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, làm thật tốt công tác chuẩn bị dự án để đưa ra một kế hoạch thực hiện khả thi sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng chất lượng đầu tư công.
- Sai phạm tại các dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí gần 32.000 tỉ đồng
- Giải ngân vốn đầu tư công vẫn bị chậm
Quy trình, thủ tục tiêu tốn nhiều thời gian
KTSG: Năm nay dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, không xảy ra cách ly, giãn cách như năm ngoái, vì sao giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm và thấp hơn thưa ông?
- Ông Phan Đức Hiếu: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hoặc không đạt kế hoạch là vấn đề đã diễn ra nhiều năm. Theo tôi, có nguyên nhân chung và đồng thời mỗi năm có những khó khăn mới và khác ở các địa phương, dự án khác nhau.
Tôi chia sẻ với đánh giá của Chính phủ về nguyên nhân chậm giải ngân năm nay. Ví dụ, năm nay khối lượng vốn đầu tư tăng lên do thực hiện Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng thực chất là năm đầu tiên do kế hoạch này mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7-2021.
Các bộ, địa phương thường cần thời gian hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Tương tự, giải ngân ba chương trình mục tiêu quốc gia rất thấp do đang ở khâu thực hiện các thủ tục, và kết quả này cũng tính vào tỷ lệ giải ngân chung. Ngoài ra, năm nay còn có khó khăn khác nữa đó là sự tăng giá của nguyên vật liệu đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng.
Nhưng tựu trung lại, vẫn có những nguyên nhân chung đã trải dài qua rất nhiều năm.
KTSG: Đó là gì, thưa ông?
- Đó là thời gian để hoàn tất các quy trình, thủ tục, gồm cả giai đoạn chuẩn bị đầu tư, xin chủ trương, ra quyết định đầu tư, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án đầu tư… đang tiêu tốn khá nhiều thời gian và gặp những vướng mắc do có những quy định pháp luật chưa rõ ràng hoặc chưa tương thích.
Nội dung này đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu trong các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội và đã được Chính phủ nhận diện và đề cập trong báo cáo trình Quốc hội - nguyên nhân về thể chế.
Cụ thể, một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công…
KTSG: Vậy tình trạng cán bộ có tâm lý thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử như đại biểu Quốc hội phản ánh liệu có phải cũng là một trong những yếu tố dẫn tới giải ngân đầu tư công chậm không?
- Thực tế này là có và tâm lý này có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Tâm lý này phát sinh một phần có thể là do bối cảnh thay đổi. Trước đây khi gặp những quy định chưa rõ, có cách hiểu khác nhau, cơ quan thực thi có thể vẫn tích cực thực hiện, áp dụng được theo cách hiểu họ cho là hợp lý, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bây giờ, lo lắng rủi ro trong trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm tra có cách hiểu khác, cơ quan này có thể trì hoãn thực hiện hoặc xin ý kiến các cơ quan liên quan dẫn đến kéo dài.
Trường hợp khác là khi hỏi xin ý kiến thì các cơ quan liên quan không có trả lời rõ ràng hoặc lại có ý kiến khác nhau… cũng là nguyên nhân làm trì hoãn, kéo dài hơn thời gian thực hiện dự án. Như vậy, như trên đã trao đổi, để giảm bớt tâm lý này thì nâng cao chất lượng thể chế - rõ ràng, minh bạch là rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân khác khiến giải ngân không theo đúng kế hoạch và có thể giải quyết được ngay nằm ở chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư. Đó chính là chuẩn bị dự án đầu tư chưa kỹ lưỡng, chưa sát thực tế, chưa dự báo hết những khó khăn có thể xảy ra. Điều đáng mừng là Chính phủ cũng đã nhận diện được vấn đề này.
Có tình trạng “đầu tư bằng được”!
KTSG: Ý ông là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt?
- Tôi phân vân, suy nghĩ nhiều về việc có hay không việc chúng ta đầu tư bằng được! Tức là tìm mọi cách để có dự án và khi có dự án thì cố gắng chuẩn bị theo hướng làm nhanh nhất có thể. Nếu như vậy, có thể dẫn đến khả năng không khả thi, chưa sát với thực tế cả về sự cần thiết, tiến độ, và không dự báo hết những khó khăn có thể phát sinh. Bởi thực hiện một dự án có rất nhiều khó khăn chúng ta phải lường trước.
Ví dụ, một dự án giao thông có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu, mỏ đất đã khảo sát rồi nhưng không đủ trữ lượng; hoặc vấn đề thời tiết, sụt lở; hoặc những khó khăn trong chuẩn bị nguồn vốn có thể đột ngột xuất hiện… Điều này dẫn đến chúng ta đưa ra kế hoạch không sát, hoặc phải điều chỉnh dự án nhiều lần, làm chậm đáng kể tiến độ giải ngân, hoàn thành dự án.
KTSG: Theo ông, để cải thiện tiến độ giải ngân và chất lượng đầu tư công, trước mắt cần tập trung vào giải pháp nào?
- Tôi mong muốn sắp tới công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải làm tốt, làm thực chất để đưa ra một kế hoạch thực hiện dự án khả thi, và điều này có thể làm được ngay mà chưa cần phải có thay đổi gì về thể chế. Theo đó, ngoài tính cần thiết của dự án, phải đánh giá kỹ tính khả thi, tính đến các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh.
Thay vì tâm lý cố gắng đưa ra kế hoạch thời gian thực hiện dự án nhanh nhất - nhằm tăng tính thuyết phục của dự án, hãy tính toán thực chất hơn, thậm trí dự tính cả thời gian chúng ta thực hiện thủ tục bởi có thể kéo dài. Chúng ta không thể nói là không tính toán đến rủi ro trong thực hiện thủ tục!
Sớm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua bão giá
KTSG: Ngoài các nguyên nhân này, ở trên ông có nói đến khó khăn khác biệt trong giải ngân đầu tư công năm nay là sự tăng giá nguyên, vật liệu. Vậy gỡ bài toán này như thế nào, thưa ông?
- Đúng là riêng năm nay có một khó khăn là việc tăng giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt là dự án giao thông. Theo phản ánh của một số hiệp hội, giá trị tăng giá rất đáng quan ngại, có thể lên vài chục phần trăm. Đây là bài toán chúng ta phải gỡ vì nhà thầu có thể có tâm lý không thực thi hoặc trì hoãn vì càng làm càng lỗ.
Từ góc độ doanh nghiệp, họ cũng có thể tính toán, nếu phần lỗ khi tiếp tục thi công lớn hơn chi phí chấm dứt hợp đồng, cái nào rẻ hơn họ sẽ chọn.
Theo tôi, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì cần hỗ trợ sớm, kịp thời. Câu chuyện này đã được thảo luận, bàn bạc nhiều tháng nay nhưng đến giờ tôi chưa thấy giải pháp nào đáng kể được thực thi. Tôi cho rằng Chính phủ và cơ quan liên quan phải sớm có giải pháp cụ thể về tình trạng này.
Bên cạnh đó, qua các đợt giám sát, tôi nhận thấy nhiều nhà thầu không đủ năng lực triển khai dự án đúng tiến độ. Ở đây, năng lực được hiểu theo nghĩa doanh nghiệp thực hiện một dự án thì phù hợp nhưng một doanh nghiệp có thể cùng lúc nhận thầu nhiều dự án dẫn đến không thể triển khai đúng tiến độ tất cả các dự án. Trong đấu thầu hình như mình chưa kiểm soát được vấn đề này một cách hiệu quả.
Nếu không bảo đảm tiến độ thì chấm dứt hợp đồng với nhà thầu là giải pháp nhiều người kiến nghị nhưng theo tôi không khả thi, bởi chấm dứt nhà thầu đòi hỏi rất nhiều thời gian, việc tìm kiếm nhà thầu thay thế cũng không đơn giản.
Theo tôi, về lâu dài nên có cơ chế tích điểm cho nhà thầu tốt, có năng lực, lịch sử thi công tốt. Vậy thì lựa chọn nhà thầu, cơ chế lựa chọn nhà thầu rất quan trọng để chọn được nhà thầu có năng lực - không phải năng lực cho một dự án cụ thể mà là năng lực hoạt động chung - tạo ra cơ chế thuận lợi cho nhà thầu có năng lực tham gia thực hiện các dự án.
Nên tách giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án
Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 31-10-2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng Luật Đầu tư công quy định kiểu con gà có trước hay quả trứng có trước, cũng tác động đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần.
Cụ thể, Luật Đầu tư công quy định dự án đầu tư phải được phê duyệt trước ngày 30-10 mới được bố trí vốn đầu tư công. Luật cũng quy định phải bố trí vốn thì mới lập được dự án và thiết kế thi công.
Chưa có vốn thì không lập được dự án, mà nếu chưa có dự án thì không được bố trí vốn. Có vốn rồi, lập được dự án phải mất một năm; đền bù giải phóng mặt bằng mất một năm nữa, như vậy mất đến hai năm chưa giải ngân được.
Giải pháp cho vấn đề này, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần tách giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án (vẫn nằm trong dự án đầu tư - PV) để triển khai trước; phần xây lắp tách thành một dự án riêng. Cách này như với dự án nhóm A vừa rồi Quốc hội đã quyết định.
“Giải phóng mặt bằng xong, nhà thầu sẽ nhận mặt bằng và thi công ngay, như vậy chúng ta vừa có khối lượng, vừa giải ngân được, tránh hiện tượng hiện nay khi ký hợp đồng xong, chưa có mặt bằng để thi công thì tiền chúng ta ứng cho nhà thầu có khi lại vào bất động sản, chứng khoán hoặc vào chỗ khác”, ông Phớc nói.