(KTSG Online) – Theo đuổi giấc mơ phát triển công cụ tìm kiếm nội địa có thể cạnh tranh được với "cỗ máy" khổng lồ Google , nhiều nhà phát triển sản phẩm Việt Nam đã đưa sản phẩm trình làng trong những năm qua. Ghi nhận từ thực tế cho thấy có công cụ còn trụ lại nhưng cũng có không ít trường hợp phải ra đi “không kèn không trống”. Nhưng giấc mơ thì vẫn đang được nối tiếp...
Thêm một startup trên thị trường công cụ tìm kiếm
Weoja là công cụ tìm kiếm Việt mới gia nhập thị trường Việt được hơn nửa năm nay do Công ty TNHH Công Nghệ 44+ phát triển.
Startup Weoja được bắt đầu với 5 thành viên, lên ý tưởng, thiết kế từ năm 2017. Qua nhiều khó khăn, thất bại Weoja mới có thể gia nhập thị trường tìm kiếm Việt. Thời điểm Weoja được đưa vào hoạt động vào tháng 4-2023, startup này có 50 kĩ sư và hoàn toàn là người Việt.
Weoja ra đời khi thị trường tìm kiếm vốn được chiếm lĩnh bởi các công cụ tìm kiếm lớn trên thế giới như Google hay Bing. Bên cạnh đó đã có nhiều công cụ tìm kiếm Việt đã phải lặng lẽ rời bỏ thị trường do không tồn tại được bên cạnh người khổng lồ.
Tuy nhiên, Weoja tin rằng sẽ vẫn sống được bên cạnh Google nếu “đánh” vào thị trường ngách, hãng hướng đến việc phát triển một công cụ tìm kiếm tập trung vào bảo vệ tối đa quyền riêng tư của người dùng.
Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Lê Bắc Nam, một trong những người sáng lập của dự án Weoja cho biết: “Weoja hướng tới nhóm người dùng mong muốn trải nghiệm tìm kiếm một cách tự do, an toàn và quan tâm đến quyền riêng tư, bảo mật thông tin cá nhân”.
Do đó, Weoja không theo dõi, không lưu trữ và không mua bán thông tin cá nhân của người dùng. Công cụ này cũng không hiển thị quảng cáo hay sử dụng các thuật toán tìm kiếm dưới dạng cá nhân hoá.
Weoja cũng đã có kế hoạch mở ra các thị trường nước ngoài, thông qua việc phát triển với nhiều phiên bản khác nhau nhắm tới các thị trường lớn như Mỹ, Hàn, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc… và đang có kế hoạch mở rộng thêm trong tương lai.
Thị trường người đến kẻ đi
Trước khi Weoja xuất hiện, thị trường công cụ tìm kiếm đã xuất hiện khá nhiều thương hiệu do các doanh nghiệp Việt đầu tư. Song đã có khá nhiều thương hiệu đã phải rời bỏ thị trường. Tính đến hiện tại có lẽ Cốc Cốc là thương hiệu tìm kiếm Việt còn tồn tại được hàng chục năm trên thị trường và được nhiều người biết đến và sử dụng. Theo công bố của Công ty TNHH Công nghệ Cốc Cốc, sau 10 năm xây dựng và phát triển tại thị trường Việt Nam (2013 - 2023), công cụ tìm kiếm này đứng thứ 2 tại Việt Nam về thị phần, có hơn 29 triệu người dùng và thu hút hơn 600 triệu lượt truy vấn hàng tháng.
Để đạt được kết quả trên, Cốc Cốc cũng phải khó khăn, chật vật khi sống cạnh những người khổng lồ. Sau 2 năm cung cấp dịch vụ, Cốc Cốc nhận được vốn đầu tư 14 triệu đô la Mỹ của Tập đoàn Hubert Burda Media (Đức) và một số nhà đầu tư. Ngay sau khi nhận được vốn đầu tư, Cốc Cốc đã tuyển dụng nhân sự bằng cách đưa ra mức lương hấp dẫn để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh mới của mình. Cốc Cốc tìm kiếm những chuyên viên kinh nghiệm trong ngành quảng cáo trực tuyến, có trình độ cao về tiếng Anh và là chuyên gia marketing trong lĩnh vực công nghệ số, có mạng lưới quan hệ rộng rãi với các đại lý…
Đứng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường, Cốc Cốc vẫn kỳ vọng vào mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục vụ khoảng 50 triệu người dùng trên nền tảng, theo lời Giám đốc điều hành Vũ Anh.
Trên thực tế, trong vòng hơn 20 năm qua, thị trường tìm kiếm đã ghi nhận khá nhiều cuộc đến và đi. Vào năm 2002, thị trường có Vinaseek của Tinh Vân (sau đó đổi tên thành Xa Lộ), và Hoatieu do Tập đoàn FPT đầu tư.
Sau đó là những cái tên như Baamboo.com do VC Corp đầu tư và được Quỹ IDG Ventures đầu tư 2 triệu đô la Mỹ, rồi đến Zing Search dưới trướng của VinaGame... Một gương mặt startup là Socbay.com từng được Google quan tâm và muốn mua lại.
Những thất bại trong cuộc đưa tranh cùng Google khiến cho các nền tảng tìm kiếm nội địa hiểu ra rằng họ phải đi vào thị trường ngách, nếu muốn tiếp tục ở cạnh "người khổng lồ". Tuy nhiên, mọi nỗ lực cũng không thể giúp các công cụ này trụ lại mà đã phải lặng lẽ rời đi “không kèn không trống”.
Hiện tại, các chuyên gia công nghệ cũng không đưa ra những dự báo cụ thể cho số phận của các công cụ tìm kiếm Việt sinh sau đẻ muộn như Cốc Cốc hay Weoja, bởi để vượt qua những khắc nghiệt của thị trường, không chỉ cần có vốn, nhân lực, sự am hiểu về thị trường mà còn cả những năng lực vượt trội bắt kịp xu hướng chuyển động nhanh chóng của công nghệ.