Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

ChatGPT – dưới góc nhìn của pháp luật sở hữu trí tuệ

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sự chào đời của ChatGPT không chỉ đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu nội dung mà ứng dụng này tạo ra - của chủ sở hữu ChatGPT, của ChatGPT, hay của người đặt ra câu hỏi; mà còn đặt ra câu hỏi liệu bản thân ChatGPT có tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ...

ChatGPT làm cư dân mạng sửng sốt vì khả năng trả lời và tương tác hiệu quả chả kém người thật, với một sự chính xác và nhuần nhuyễn về mặt ngôn ngữ, cũng như khả năng tổng hợp thông tin. Dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT không chỉ có thể đưa ra các câu trả lời, mà còn có thể viết ra nội dung theo chủ đề yêu cầu, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trước những câu hỏi nghiêm túc hay thậm chí... vô nghĩa nhất, ChatGPT làm chúng ta bất ngờ về các câu trả lời, cũng như khả năng “nâng cấp”, cập nhật kiến thức siêu nhanh của ứng dụng AI này. Một số người còn so sánh sự ra đời của ChatGPT với sự ra đời của máy in vào khoảng năm 1430, hay của phát hiện về phân rã hạt nhân vào năm 1938, những sự kiện làm thay đổi vượt bậc mức độ phát triển khoa học kỹ thuật trên thế giới.

Từ khi ra mắt vào cuối tháng 11-2022, ChatGPT không chỉ được sử dụng để viết kịch bản phim, làm thơ, viết tiểu thuyết mà còn giúp phẩm phán xét xử trong một vụ tranh chấp dân sự ở Colombia, hay giúp sinh viên Pháp... gian lận trong thi cử (mà rốt cuộc trường phải tổ chức cho sinh viên thi lại).

Tuy nhiên, ngoài một số bất ngờ thú vị, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng ChatGPT không chỉ mang lại toàn những tác dụng tích cực. Ngoài nguy cơ lạm dụng ChatGPT, thì hạn chế của ứng dụng này cũng đang làm nhiều người lo ngại. Ví dụ như trong một số trường hợp, ChatGPT đưa ra những câu trả lời dựa trên những thông tin hoàn toàn sai lệch, càng làm trầm trọng thêm vấn đề tiếp cận thông tin trong thời đại “hậu sự thật” (post-truth) hiện nay. Cho dù “thông minh”, nhưng ChatGPT không thể phân tích thông tin, ứng xử với thông tin một cách duy lý và biện chứng, vì thế người dùng càng cần phải có những kỹ năng này khi tương tác với ChatGPT. Ứng dụng này vẫn chỉ là một ứng dụng nhằm mục đích đối thoại, chứ không phải để cung cấp những thông tin nghiêm túc và đáng tin cậy.

Ngoài ra, khi sử dụng ChatGPT, một trong những điều mà người dùng ứng dụng này nên biết, đó là giới hạn của việc khai thác nội dung mà ChatGPT cung cấp, dưới góc độ của pháp luật về quyền sở hữu tuệ (SHTT).

Quyền sở hữu nội dung ChatGPT tạo ra thuộc về ai?

Giả sử ChatGPT đưa ra các câu trả lời đáp ứng tiêu chí của pháp luật SHTT, thì nội dung đó sẽ thuộc quyền sử dụng của ai? Của bản thân chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT, của... ChatGPT, hay của người đặt ra câu hỏi?

Câu trả lời từ chính ChatGPT: “Để quyết định rằng nội dung do ChatGPT tạo ra có được bảo vệ bởi luật bản quyền hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các tòa án và chuyên gia pháp lý. Trong khi chờ đợi các quyết định này, người dùng ChatGPT cần phải lường trước được những rắc rối pháp lý mà họ có thể gặp phải, khi sử dụng ChatGPT để tạo ra các nội dung mới”.

Hiện nay, không dễ để trả lời câu hỏi này, vì luật SHTT quốc gia cũng như ở tầm quốc tế đều chưa được cập nhật để giải quyết những tranh chấp liên quan tới AI. Trong khi đó, các quy định hiện hành lại có vẻ như đã lỗi thời và không dễ để áp dụng cho các hoàn cảnh mới mẻ này. Điều này cũng dẫn tới một thực tế là luật mỗi nơi áp dụng một khác, cho dù ngành SHTT là một ngành luật mà các quy định khá tương đồng ở các quốc gia, dưới sự ảnh hưởng của các hiệp ước quốc tế. Ví dụ như trước câu hỏi về việc công nhận quyền SHTT của AI, thì thẩm phán ở Trung Quốc cho rằng AI có thể là “tác giả”, trong khi Cục SHTT của Mỹ lại... chẳng đồng tình với phương án này(1). Luật SHTT vốn nhấn mạnh vào việc “sáng tạo” mà con người tạo ra, vì thế công nhận quyền SHTT của AI cần phải thay đổi một trong những nguyên tắc căn bản của ngành luật này.

Đối với người tương tác với ChatGPT, khó có thể nhìn nhận họ như “tác giả” của nội dung mà ChatGPT tạo ra, cho dù ChatGPT thực hành các mệnh lệnh mà người sử dụng đưa ra. Luật bản quyền ở một số quốc gia có trao quyền sở hữu tác phẩm “đặt hàng” cho người giao kết hợp đồng đặt hàng tác phẩm với tác giả, nhưng áp dụng quy định này vào trường hợp ChatGPT thì khá khiên cưỡng, vì không hề có hợp đồng giao kết nào cả giữa ChatGPT và người sử dụng. Người chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT cũng khó có thể được coi là tác giả, vì không có bất cứ mối liên hệ nào giữa công ty OpenAI đặt tại Mỹ và nội dung mà ChatGPT tạo ra để có thể công nhận quyền sở hữu của công ty OpenAI với các nội dung này.

Một số chuyên gia cho rằng nội dung mà ChatGPT hay bất cứ ứng dụng AI nào khác tạo ra nên thuộc về “công chúng” (public domain). Điều đó có nghĩa là ai cũng có thể sử dụng và khai thác, nhưng với điều kiện phải trích dẫn nguồn hợp lý.

Liệu ChatGPT có vi phạm quyền SHTT?

Sự ra đời của ChatGPT không chỉ đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu nội dung mà ứng dụng này tạo ra, mà còn đặt ra câu hỏi liệu bản thân ChatGPT có tôn trọng quyền SHTT.

Hiện nay, một số nghệ sĩ và tác giả đã khởi kiện OpenAI và một số công ty về AI vì sử dụng bất hợp pháp tác phẩm của họ để phát triển phần mềm như ChatGPT, vốn sử dụng các nội dung hay hình ảnh đã có trước đó để tạo ra nội dung mới.

Năm 2022, một nhóm chủ sở hữu quyền tác giả đã kiện Open AI và Microsoft (công ty sở hữu nền tảng phần mềm GitHub), vì cho rằng Open AI và Microsoft đã vi phạm quyền SHTT của những tác giả phần mềm có trên nền tảng này. Đầu năm 2023, một nhóm nghệ sĩ cũng đã khởi kiện Stability AI, công ty phát triển phần mềm sáng tạo nghệ thuật Stable Diffusion, trên cơ sở vi phạm quyền tác giả. Getty Images, thư viện hình ảnh khá quen thuộc với nhiều người, cũng cho biết sẽ khởi kiện Stable Diffusion vì đã sử dụng hình ảnh của Getty Images mà không có sự cho phép trước đó.

Vậy bản thân ChatGPT nói gì khi được hỏi về quyền SHTT?

Câu trả lời của ChatGPT sau đây rõ ràng là khá chuẩn xác về góc độ pháp lý: “ChatGPT là một công cụ hiệu quả đến mức khó tin mà có thể tạo ra những nội dung giống như con người viết ra, với nhiều loại chủ đề đa dạng. Tuy nhiên, như bất cứ công nghệ nào mà tạo ra nội dung có tính sáng tạo, ChatGPT cũng đặt ra những câu hỏi về quyền tác giả... Để quyết định rằng nội dung do ChatGPT tạo ra có được bảo vệ bởi luật bản quyền hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các tòa án và chuyên gia pháp lý. Trong khi chờ đợi các quyết định này, người dùng ChatGPT cần phải lường trước được những rắc rối pháp lý mà họ có thể gặp phải, khi sử dụng ChatGPT để tạo ra các nội dung mới”.

(1) https://thesaigontimes.vn/khi-tri-tue-nhan-tao-lan-san-vao-nghe-thuat/?fbclid=IwAR1WZJkJ-FKR7ZQg_IOsCteGkJl99ZJkSX2VA1kQbWyMiMsp56z4SXLgXtA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới