Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Á đối phó với lạm phát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Á đối phó với lạm phát

Thủ tướng Thái Lan đi khảo sát giá gạo bán ở chợ để tìm cách hỗ trợ dân nghèo

(TBKTSG) – Khắp châu Á mối đe dọa lạm phát đang quay lại và không chỉ các nhà hoạch định chính sách mới cảm nhận được. Đối mặt với giá nhiên liệu và lương thực leo thang, các chính phủ vừa phấn đấu duy trì mức tăng trưởng kinh tế vừa hạn chế sự lan rộng những xáo trộn xã hội.

Ở Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Indonesia, lạm phát đã lên cao trong nhiều năm khiến các ngân hàng trung ương phải miễn cưỡng tăng lãi suất. Trong lúc đó, chính phủ nhiều nước bắt đầu bãi bỏ việc trợ giá xăng dầu để tránh làm thâm thủng nhiều hơn nữa nguồn ngân sách hạn hẹp song rất thận trọng không để việc tăng giá xăng dầu dẫn tới những rắc rối chính trị.

Khi giá dầu thế giới dao động ở mức cao, áp lực lạm phát gần như chỉ tăng mà không giảm. Nan giải là ở chỗ, làm sao nâng lãi suất tín dụng mà không làm chậm đà tăng trưởng kinh tế. David Cohen, Giám đốc Cơ quan Dự báo kinh tế châu Á tại Singapore, thổ lộ: “Chúng ta đang đối mặt với áp lực lạm phát không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới. Tác động của giá lương thực và giá nhiên liệu cao đang đẩy tốc độ lạm phát lên nhanh”.

Trong bài diễn văn ngày 9-6 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cũng bày tỏ mối quan ngại về áp lực lạm phát do giá dầu – một phát biểu mà giới quan sát coi như dấu hiệu cho thấy FED có thể sắp tăng lãi suất trong tương lai gần. Trong mấy tháng qua, FED đã liên tục giảm lãi suất cơ bản của Mỹ nhằm đối phó với tình trạng đình đốn của nền kinh tế – một động thái mà các nhà xuất khẩu ở châu Á theo dõi rất sát.

Tình hình biến động ở mức khó dự báo được. Sáu tháng trước đây, châu Á đã vật lộn để duy trì tăng trưởng kinh tế trong hoàn cảnh xuất khẩu sang Mỹ bị chậm lại. Vào thời điểm đó, họ hình dung rằng nhu cầu tiêu thụ yếu đi của thị trường Mỹ sẽ ngăn cản đà tăng giá hàng hóa toàn cầu, từ đó làm giảm hóa đơn nhập khẩu của các nước châu Á. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy mà cán cân thương mại ở châu Á càng lúc càng nghiêng về phía nhập siêu do giá dầu và giá lương thực tăng nhanh.

Nhiều kinh tế gia cho rằng, khi kinh tế châu Á chậm lại thì giá nhiên liệu và nguyên liệu toàn cầu sẽ giảm vì châu lục này phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Tuy vậy, giá lương thực cao vẫn còn là một thách thức.

Rải rác đã xảy ra những cuộc bãi công, biểu tình và rối loạn tại nhiều nước và nhiều chính phủ phải ban hành các chương trình trợ cấp xã hội để xoa dịu nỗi bất bình của người dân. Thay vì bù lỗ cho các công ty kinh doanh xăng dầu và lương thực để tránh tăng giá, nhiều nước tìm biện pháp giúp đỡ dân nghèo hữu hiệu hơn.

Ở Thái Lan chẳng hạn, hôm thứ Hai Bộ trưởng Tài chính Surapong Suebwonglee cho biết, bắt đầu từ tháng 7, chính phủ sẽ phát tem phiếu lương thực cho các gia đình thu nhập thấp vì lạm phát đã lên tới mức cao nhất trong thập niên này, ở mức 7,6% hồi tháng 5 vừa qua. Ở Malaysia, Thủ tướng Abdullah Badawi cam kết cắt bỏ bổng lộc của các bộ trưởng trong chính phủ và giảm đến mức tối thiểu các chuyến công cán nước ngoài của họ.

Những đám mây u ám trên nền kinh tế các nước châu Á khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra hơn một thập niên về trước. Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng có những sự khác biệt khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 khó có thể xảy ra lần nữa.

Mười năm trước các nền kinh tế Đông Nam Á bị thâm thủng ngân sách trầm trọng, đồng tiền bị buộc chặt vào đô la Mỹ và niềm tin sụp đổ. Nay, nhiều chính phủ châu Á có thặng dư trong tài khoản vãng lai, có dự trữ ngoại tệ khổng lồ trong khi các đồng tiền bản xứ đã mạnh lên so với đồng đô la Mỹ đang suy yếu. Đó là lý do tại sao ở Thái Lan người ta lo ngại làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào có thể làm tăng giá trị đồng bản tệ, tác hại tới xuất khẩu.

Nhìn chung, mục tiêu hàng đầu mà các nhà hoạch định chính sách ở châu Á hướng tới là kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế và từ đó ổn định xã hội. Cho dù ở một vài nơi, điều đó có nghĩa là hy sinh tốc độ tăng trưởng thần kỳ mà họ gặt hái được trong mấy năm qua.

HUỲNH HOA (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới