(KTSG Online) - Dân số ở khu vực Đông Á đang già đi nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Khi lực lượng lao động trẻ ngày càng thu hẹp, những người lao động lớn tuổi tại đây lại phải làm việc nhiều hơn do lương hưu không đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
- Lo dân số già kìm hãm kinh tế, Trung Quốc cho phép sinh con thứ 3
- Châu Á đối diện với tình trạng dân số già nghiêm trọng hơn
Dù đã 73 tuổi nhưng ông Yoshihito Oonami phải thức dậy lúc 1 giờ 30 sáng mỗi ngày để lái xe đến một khu chợ nông sản tươi sống trên một hòn đảo nhỏ ở Vịnh Tokyo của Nhật Bản. Sau khi khuân các thùng nấm, gừng, khoai lang, củ cải và các loại rau củ khác lên xe, ông chạy đi giao những mặt hàng này cho các nhà hàng ở khắp thủ đô Tokyo tới 10 lần một ngày.
“Miễn là sức khỏe còn cho phép, tôi cần phải tiếp tục làm việc”, Oonami nói.
Với dân số trên khắp các nền kinh tế Đông Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc đang giảm và ít người trẻ tham gia lực lượng lao động, ngày càng có nhiều người lao động trên 70 tuổi như ông Oonami vẫn làm việc cật lực. Các doanh nghiệp rất cần họ và những lao động lớn tuổi cũng rất cần công việc. Tuổi nghỉ hưu sớm theo quy định pháp luật làm tăng quỹ lương hưu, gây khó khăn cho các chính phủ ở châu Á trong việc chi trả đủ tiền cho người về hưu mỗi tháng.
Trong nhiều năm qua, các nhà nhân khẩu học cảnh báo tình trạng dân số già hóa ở các nước giàu là ‘một quả bom hẹn giờ’. Nhật Bản và các nước láng giềng bắt đầu cảm nhận được những tác động của tình trạng này.
Giờ đây, câu hỏi đặt ra cho các nước có dân già hóa này là làm thế nào để thích ứng với thực tế mới để đảm bảo rằng mọi người có thể nghỉ hưu sau cả đời làm việc mà không rơi vào cảnh nghèo đói.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã buộc phải thử nghiệm những thay đổi chính sách, chẳng hạn như trợ cấp cho doanh nghiệp và tăng độ tuổi nghỉ hưu.
Trước khi Oonami bắt đầu hành nghề giao rau củ, ông đã thử các vai trò ở văn phòng và làm tài xế taxi. Cuối cùng, ông thấy cuộc sống của một tài xế xe tải thích hợp với ông hơn.
Là một tài xế xe tải, ông Oonami thường phải khuân nhấc những kiện hàng nặng dù sức khỏe đã giảm sút rõ rệt sau khi bước sang tuổi 50. Bác sĩ nói, việc khuân hàng hóa nặng đã làm mòn sụn ở cột sống của ông. Vì vậy, cách đây 15 năm, ông chuyển sang nhân viên giao rau củ cho một nhà cung cấp nông sản tươi ở Tokyo.
Tuy nhiên, ngay cả khi gần đến tuổi nghỉ hưu truyền thống của Nhật Bản là 60, Oonami vẫn không thể ngừng làm việc. Sau khi làm hầu hết các công việc tự do trong cuộc đời, Oonami chỉ đủ điều kiện nhận mức lương hưu quốc gia cơ bản, khoảng 60.000 yen (455 đô la Mỹ)/tháng, không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Nhật Bản không phải là nền kinh tế duy nhất ở Đông Á, nơi người già cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc. Ở Hàn Quốc, 40% trong số những người từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc.
Ở Hong Kong, cứ 8 người cao tuổi thì có 1 người đi làm. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều người trong số họ phải làm việc vì nhu cầu kinh tế nhưng doanh nghiệp cũng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào lực lượng lao động này khi lao động trẻ suy giảm.
Để ứng phó hiện tượng nhà nhân khẩu học gọi là ‘xã hội siêu già hóa’, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á ban đầu tập trung vào việc các nỗ lực khuyến khích sinh đẻ và nới lỏng luật kiểm soát nhập cư để thu hút lao động nước ngoài. Tuy nhiên, các biện pháp đó đã không giúp ích nhiều cho xu hướng dân số già hóa vì tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm và các kế hoạch cho phép nhập cư quy mô lớn vấp phải sự phản đối.
Điều đó khiến các doanh nghiệp ngày càng thiếu lao động. Tại Nhật Bản, các cuộc khảo sát cho thấy, có tới một nửa số doanh nghiệp ghi nhận tình trạng thiếu nhân viên làm việc toàn thời gian. Do vậy, những nhân viên lớn tuổi trở thành lực lượng để lấp khoảng trống.
Koureisha là một công ty cung ứng nhân sự làm việc tạm thời dành cho người già ở Tokyo. Các công việc mà Koureisha cung cấp quy định ứng viên phải từ 60 tuổi trở lên. Fumio Murazeki, Chủ tịch Koureisha, cho biết các nhà tuyển dụng ngày càng dễ dàng thuê lao động lớn tuổi hơn.
“Nhiều người trên 65 tuổi, thậm chí đến 75 tuổi vẫn rất năng động và khỏe mạnh”, ông nói.
Tokyu Community, một công ty quản lý bất động sản cho các khu chung cư ở Tokyo có gần một nửa số nhân viên từ 65 tuổi trở lên. Với mức lương chỉ 2,3 triệu yen (17.441 đô la) /năm, công việc của công ty này không thu hút những người lao động trẻ tuổi. Trong khi đó, những người lớn tuổi sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để có thêm thu nhập.
Chính phủ Nhật Bản hiện cung cấp các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng lao động lớn tuổi để giúp doanh nghiệp thiết kế nơi làm việc phù hợp với người già như bổ sung tay vịn cho cầu thang hoặc xây khu vực nghỉ ngơi cho người lao động.
Gloria, một công ty ở ngoại ô Tokyo chuyên sản xuất đồng phục cho cảnh sát đã bãi bỏ tuổi nghỉ hưu bắt buộc cách đây 6 năm vì thiếu lao động. Gloria cho biết công ty này muốn trở thành nơi mọi người có thể làm việc cho đến khi người lao động muốn nghỉ hưu.
Người già ở Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc có nhiều khả năng làm các công việc lương thấp như nhân viên lau văn phòng được, nhân viên cửa hàng tạp hóa, tài xế dịch vụ giao hàng hoặc nhân viên bảo vệ
Nhiều lao động lớn tuổi ở Đông Á phải làm những công việc hợp đồng lương thấp, bấp bênh sau khi bị buộc nghỉ việc do tuổi nghỉ hưu thấp. Lương hưu do nhà nước hỗ trợ thường không trang trải đủ các chi phí sinh hoạt cơ bản. Tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, lương hưu trung bình hàng tháng dưới 500 đô la mỗi tháng.
Để giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động và bảo đảm quỹ lương hưu, các chính phủ trong khu vực đang tìm cách nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn. Điều này vấp một số phản đối ngay cả từ người lao động lẫn chủ sở hữu lao động.
Trong khi người lao động muốn được nghỉ hưu sớm thì hệ thống trả lương dựa trên thâm niên phổ biến ở Đông Á khiến các công ty muốn loại bỏ nhân viên lớn tuổi ra khỏi bảng lương chứ không muốn kéo dài thời gian làm việc của những người này.
Theo NY Times