Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Châu Á sẽ là khu vực duy nhất tăng trưởng lương thực tế trong năm 2023

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc là các nước có mức lương thực tế tăng mạnh nhất thế giới trong năm tới, theo báo cáo mới đây của Công ty dữ liệu ECA International (Anh). Báo cáo nhận định khi lạm phát tiếp tục tác động đến các nền kinh tế toàn cầu, châu Á-Thái Bình Dương (APAC) sẽ là khu vực duy nhất chứng kiến mức tăng lương thực tế vào năm 2023.

Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) sẽ là khu vực duy nhất chứng kiến mức tăng lương thực tế vào năm 2023, với Ấn Độ dẫn đầu thế giới về mức tăng lương thực tế. Ảnh: East Coast Daily

Báo cáo xu hướng tiền lương hàng năm của ECA International cho biết mức tăng lương thực tế trung bình (mức tăng lương danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát) của khu vực APAC sẽ tăng 1,3% trong năm tới.

Trong khi đó, các khu vực khác trên thế giới sẽ chứng kiến mức lương thực tế trung bình giảm xuống. Mức giảm dự kiến là 1,5% đối với châu Âu, 0,5% đối với Bắc Mỹ và Nam Mỹ, và 0,1% đối với châu Phi và Trung Đông.

Theo báo cáo, lạm phát toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, khiến mức lương thực tế trên toàn thế giới giảm 3,8% dù mức lương danh nghĩa trung bình tăng 4%.

Trong năm nay, 8 trong số 10 nước có mức tăng lương thực tế cao nhất trên toàn cầu nằm ở khu vực APAC, ECA international cho biết thêm.

Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của ECA International, nói: “Với lạm phát gia tăng đáng kể vào năm 2022, 78% nước được khảo sát ghi nhận mức lương thực tế giảm và không nước châu Âu nào chứng kiến mức tăng lương thực tế. Dù tình hình toàn cầu dự kiến sẽ cải thiện trong năm tới với mức tăng lương danh nghĩa cao hơn và lạm phát trung bình thấp hơn, nhưng lương thực tế vẫn có thể giảm 0,5%”.

Báo cáo của ECA International cho biết chỉ có 37% nước được khảo sát dự báo lương thực tế tăng trong năm tới, dù vậy, tỷ lệ này cải thiện so với 22% trong năm nay.

Báo cáo thường niên của ECA international dựa trên thông tin thu thập từ hơn 360 công ty đa quốc gia tại 68 nước,

Báo cáo cho hay tại khu vực APAC, Ấn Độ sẽ là nước có mức lương thực tế tăng mạnh nhất, 4,6%, tiếp theo là Việt Nam (4%) và Trung Quốc (3,8%).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng hầu hết các địa điểm được khảo sát ở APAC dự kiến sẽ có tốc độ tăng lương thực tế trong năm 2023 “bằng hoặc cao hơn” so với năm 2022.

Mặc dù tốc độ tăng lương danh nghĩa ở Trung Quốc không phải là cao nhất trong khu vực APAC, nhưng với tỷ lệ lạm phát của nước này ở mức thấp, người lao động ở đó sẽ ghi nhận tốc độ tăng lương thực tế ở mức cao.

Ấn Độ được dự đoán là nước có mức tăng lương thực tế lớn nhất trên toàn cầu. Điều này là nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ và “nhu cầu tăng lương để vượt qua tác động của lạm phát”, Lee Quane cho biết.

Ông nói: “Dù tỷ lệ lạm phát ở Ấn Độ trong 2022 tăng mạnh hơn so với năm 2021, nhưng tiền lương danh nghĩa sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn”.

Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Brazil và Saudi Arabia dẫn đầu thế giới về mức tăng lương thực tế trong năm 2023, theo báo cáo của ECA International. Ảnh: CNBC

Ông nói người lao động ở Trung Quốc cũng nằm trong số một nhóm nhỏ các nước trên toàn cầu chứng kiến các mức tăng lương thực tế cao nhất trong năm nay và năm tới. Năm 2022, lương danh nghĩa ở Trung Quốc tăng 5,9% và sẽ tăng 6% vào năm 2023.

Mặc dù lương thực tế ở khu vực APAC được dự báo cải thiện so với các khu vực khác trong năm 2023, nhưng không phải tất cả người lao động ở tất cả các nước trong khu vực đều sẽ được hưởng lợi.

Quane nhận định các nước như Lào và Myanmar sẽ bị “sụt giảm đáng kể” về mức lương thực tế do các vấn đề kinh tế và chính trị trong nước.

Tại Singapore, dù người lao động sẽ được tăng lương 3,8%, nhưng lạm phát sẽ làm giảm thu nhập khả dụng và khiến lương thực tế của họ giảm 1,7% trong năm nay, báo cáo cho hay.

ECA International ước tính tăng trưởng lương thực tế ở Singapore sẽ ở mức 1% trong năm 2023. Quane nói: “Lương thực tế ở Singapore sẽ giảm gần 2% trong năm 2022 nhưng người lao động nước này không đơn độc vì 8 nước khác trong khu vực cũng sẽ chứng kiến sức mua tiền lương sụt giảm trong năm nay”.

Theo CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới