Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Á tiến tới ‘xã hội siêu độc thân’

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các nhà sản xuất và kinh doanh được cảnh báo là cần nghiên cứu để kịp thời chào đón thế hệ người tiêu dùng mới: người độc thân, hộ độc thân khi châu Á tiến tới “xã hội siêu độc thân”. Khuynh hướng độc thân này chắc chắn sẽ tạo ra những tác động kinh tế và xã hội nhất định.

Vietnam@Livestreaming: Tỷ lệ hộ độc thân đang gia tăng ở các thành phố lớn tại Việt Nam như TPHCM và Hà Nội. Hành vi tiêu dùng ở giới trẻ cũng thay đổi.
Ảnh: VNA

Các nhà nghiên cứu đang hết sức lo lắng khi tỷ lệ hộ gia đình một người hay hộ một người hoặc hộ độc thân đang gia tăng mạnh trong các nền kinh tế Đông Bắc Á, với tỷ lệ dao động xung quanh ngưỡng cao trên 35% ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tỷ lệ hộ độc thân hiện chỉ xoay quanh mức 11-12% ở Việt Nam, cao hơn so với Indonesia nhưng thấp hơn so với Thái Lan và Philippines.

Châu Á chuộng tự do và cuộc sống đơn thân

Trả lời phỏng vấn với đài CNBC, nhà nghiên cứu Kazuhisa Arakawa thuộc Công ty quảng cáo Hakuhodo hàng đầu của Nhật Bản, đã nhận định rằng rồi đây các quốc gia trên toàn cầu sẽ đều tiến tới một “xã hội siêu độc thân”. Đó là xã hội với khá nhiều người trẻ tuổi không bao giờ kết hôn và những người già một lần nữa độc thân sau khi góa vợ, góa chồng và phải sống một mình.

Trong cuốn sách kinh tế học về “xã hội siêu độc thân” đã xuất bản, ông Arakawa ước tính rằng 50% dân số từ 15 tuổi trở lên sẽ sống trong các hộ gia đình một người vào năm 2040. “Sẽ không còn thực tế nếu các công ty chỉ chú tâm đến những hộ gia đình nhiều thành viên… Tôi tin rằng thị trường sẽ không phát triển nếu không nắm bắt được những khách hàng đơn lẻ”, nhà nghiên cứu người Nhật nói.

Các cửa hàng tiện lợi chính là điểm sáng nhất trong ngành kinh tế độc thân đang lên tại châu Á, với món ăn và thức uống chế biến sẵn theo khẩu phần chỉ dành cho một người.

Paul Chang, Phó giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard, giải thích rằng xã hội châu Á nói chung đang dần xóa bỏ tâm lý sống với đại gia đình đông đúc và đang hướng tới cuộc sống tự do của một cá nhân. Điều này đã tạo ra tăng trưởng kinh tế từ nhu cầu tiêu dùng cá nhân. “Tỷ lệ hộ gia đình một người lớn đến mức đã trở thành một phần quan trọng của thị trường”.

Chẳng hạn, Niên giám Thống kê Trung Quốc năm 2021 cho thấy đã có hơn 125 triệu hộ gia đình độc thân vào năm 2020, chiếm hơn 25% tổng dân số hộ gia đình. Con số này tăng hơn 4 lần con số dưới 30 triệu hộ độc thân vào năm 2000, tỷ lệ chỉ là 8,3% vào lúc đó. Niên giám Thống kê năm 2023 xuất bản cuối năm ngoái nhấn mạnh lần nữa “xã hội độc thân” đang rất phổ biến ở Trung Quốc. Tỷ lệ chưa kết hôn là 51,3% ở nhóm tuổi 25-29, ở nhóm tuổi 30-34 là 18,4% và nhóm tuổi 35-39 là 8%.

Trong khi đó, số hộ độc thân ở Đài Loan tăng lên 3.320.380 người, chiếm 35,9% tổng số hộ gia đình, mức cao kỷ lục. Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy quy mô hộ gia đình trung bình ở Đài Loan năm ngoái là 2,5 người/hộ, mức thấp kỷ lục.

Năm 2020, số hộ gia đình độc thân ở Nhật Bản đạt hơn 21,15 triệu hộ, chiếm gần 38% tổng số hộ gia đình cả nước. Cơ cấu hộ gia đình Nhật Bản đã dần thay đổi trong những năm gần đây, với tỷ lệ hộ độc thân ngày càng tăng.

Đông Nam Á “thích một mình và không sợ cô đơn”?

Trong bài viết “Sống một mình: Xu hướng hộ gia đình một người ở châu Á” tháng 8-2016, Giáo sư Wei-Jun Jean Yeung thuộc khoa Xã hội học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã lý giải rằng lối sống một mình ở châu Á khác với xã hội phương Tây.

“Người trưởng thành trẻ tuổi độc lập về kinh tế ở phương Tây thường sống một mình, theo đuổi lối sống của tầng lớp trung lưu. Ngược lại, ở châu Á, những người trưởng thành trẻ tuổi trong các hộ gia đình một người có nhiều khả năng là công nhân di cư và tầng lớp lao động. Do chi phí sinh hoạt ở châu Á đang tăng cao, giới trẻ ở thành thị thường sống trong các khu nhà tập thể, không có thành viên gia đình cốt lõi”, Giáo sư Yeung viết.

Thế nhưng, câu chuyện ở các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á lại rất đa dạng.

Indonesia là quốc gia đông dân nhất ở khu vực với khoảng 280 triệu người. Số hộ độc thân của nước này khá thấp, nhất là ở giới trẻ. Theo Statista, đến cuối năm 2023, tỷ lệ chủ hộ chưa lập gia đình ở xứ vạn đảo này là 3,98% ở nam và 1,33% ở nữ. Tình trạng độc thân ở đất nước này là sức ép lên người trẻ, đặc biệt ở nhóm 30-39 tuổi.

Jakarta Post trích dẫn một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Queensland, Úc nói rằng “9/10 người trẻ chịu áp lực của cha mẹ, đại gia đình và bạn bè về tình trạng hôn nhân”.

Tình hình tương đối trái ngược ở Philippines, quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á với hơn 115 triệu người. Tiến sĩ Sidney Christopher Bata, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Ateneo de Manila tại Philippines, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn rằng số người chọn sống độc thân hay buộc phải sống một mình đang gia tăng ở nước này.

Ông nói số hộ gia đình độc thân của Philippines hiện chiếm một nửa khu vực và tăng trưởng ở mức 2,4% mỗi năm. Phụ nữ độc thân đông hơn nam giới. Số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Philippines cho thấy cứ 10 người Philippines thì có 4 người độc thân. Trong cùng thống kê, gần 40% số người Philippines được khảo sát cho biết họ đã kết hôn. Vì không có luật ly hôn ở Philippines, 15% số người Philippines sống chung mà không có chứng nhận hôn nhân hợp pháp.

Một khảo sát của Bain & Co, Meta và DSG Consumer Partners dự kiến ​​​​sự gia tăng số lượng hộ gia đình độc thân ở Philippines sẽ rõ rệt hơn vào năm 2030, ở khoảng 20%.

“Số lượng hộ gia đình độc thân ở Philippines ngày càng tăng, điều này dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước”, Tiến sĩ Bata nói.

Với hơn 71 triệu người, Thái Lan là nước đông dân thứ tư trong khu vực, xếp sau Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia năm 2022, Thái Lan có khoảng 7 triệu hộ gia đình một người trong tổng số hơn 20 triệu hộ dân, chiếm khoảng 35%. Tỷ lệ các gia đình một người ở nước này đã tăng vọt từ 6,4% năm 2012 lên 26,1 trong năm 2022. Trong các báo cáo công bố vào tháng 11-2023, Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC) công bố số liệu phân tích hệ quả của cuộc sống một mình: người trẻ mua 24% số căn hộ, chi tiêu 27,6% để du lịch, chăm sóc cây cảnh và thú cưng, các hộ gia đình một người chiếm đến 68,8% hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Các nhà xã hội học Thái Lan chỉ ra các thách thức của gia đình hiện đại ở nước này. Đó là tình trạng gia đình có cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ đơn thân, người góa bụa, gia đình không con, các bà mẹ ở tuổi vị thành niên, bạo lực gia đình, cuộc sống cô độc một mình khi về già… Trong khi đó, đây là những đối tượng dễ bị tổn thương, nhận rất ít hỗ trợ hoặc không có bất cứ chính sách hỗ trợ nào của chính phủ.

Một báo cáo trong năm 2023 của hãng tư vấn Bain & Co khuyến cáo các doanh nghiệp ASEAN nên thu hút thế hệ gen Z (sinh năm 1997-2012) và các hộ gia đình độc thân, bởi đây là nhóm người tiêu dùng quan trọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng. Báo cáo chung giữa Meta Platforms, Bain & Co và hãng DSG Consumer Partners trong năm 2023 cũng đưa ra khuyến nghị tương tự. “Khi các thị trường tiêu dùng đạt đến điểm bão hòa, phân khúc hộ gia đình độc thân đang nổi lên như động lực tiêu dùng chính. Trong khi các hộ gia đình độc thân chỉ chiếm 12% tổng số hộ gia đình trong khu vực Đông Nam Á, phân khúc này dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 2,4% trong giai đoạn 2023-2030”, báo cáo viết.

Báo cáo cũng chỉ ra xu hướng như số lượng thú cưng tăng lên, sự gia tăng các sản phẩm và suất ăn chế biến sẵn chỉ cho một người và sự gia tăng các hoạt động giải trí, như hát karaoke dành cho một người.

“Doanh nghiệp cần quan tâm phát triển các mô hình kinh doanh gắn kết với người tiêu dùng độc thân, với tư duy đột phá và đổi mới”, báo cáo viết.

Người Việt “chưa kịp giàu đã già”

Cho đến năm 2015, theo ghi nhận của hai tác giả Christophe Z. Guilmoto và Myriam de Loenzien thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD) tại Pháp, chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu độc lập hay riêng lẻ về các hộ gia đình độc thân tại Việt Nam, ở người trẻ lẫn người già, dù rằng tỷ lệ hai nhóm dân số này đang gia tăng đều đặn.

Hầu hết các nghiên cứu trong và ngoài nước đều tập trung đến các vấn đề của người già, chứ không đề cập trực tiếp đến hộ độc thân ở người già và người trẻ.

Thống kê năm 2019 cho thấy cơ cấu hộ 1-3 người có xu hướng tăng, chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 54%. Ngược lại quy mô hộ đại gia đình có từ bảy người trở lên chỉ chiếm gần 5,4%. Chiếm tỷ lệ cao nhất là hộ gia đình có bốn người. Số hộ gia đình có năm người trở lên có mức giảm nhiều nhất.

Tỷ lệ hộ một người tại các đô thị lớn ở Việt Nam đang gia tăng. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ này là 6,23% trong năm 2004, tăng dần lên 7,42% trong năm 2009. Giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ hộ một người ở Việt Nam tăng mạnh nhất, đạt 9,1% trong năm 2014 và 12,47% vào năm 2019.

Tổng cục Thống kê đã tiến hành khảo sát toàn quốc tháng 4-2024. Kết quả của cuộc điều tra này dự kiến sẽ công bố từ tháng 10 sắp tới.

Vào thời điểm này, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trao đổi với Kinh tế Sài Gòn rằng: Kết quả dễ thấy nhất là tỷ lệ hộ độc thân và số người già ở Việt Nam sẽ tăng nhanh. Tuy vậy, Việt Nam sẽ ở mức lưng chừng, gần với tình hình của Indonesia hơn, và cách xa các con số về hộ độc thân ở người trẻ như tại Philippines và Thái Lan.

Tiến sĩ Catherine Earl, giảng viên cấp cao ngành Truyền thông thuộc Đại học RMIT Việt Nam, nói rằng sự thay đổi cấu trúc gia đình có thể làm gián đoạn hệ thống chăm sóc y tế và quan hệ họ hàng trong dài hạn, bằng chứng là các trường hợp các hộ gia đình chỉ có một người.

Còn Tiến sĩ Sidney Christopher Bata từ Đại học Ateneo de Manila nhận định Philippines vẫn được coi là quốc gia có dân số trẻ, so với Trung Quốc hoặc Việt Nam. Nhưng tình hình sẽ thay đổi vào năm 2030, như số liệu thống kê đã dự đoán. “Chăm sóc người cao tuổi sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ và các chính sách trong tương lai ở cả Philippines và Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng hộ độc thân tạo nhiều tác động đến thị trường nhà ở, với nhu cầu tăng cho các căn hộ nhỏ, hợp túi tiền dành cho người độc thân. Hành vi tiêu dùng cũng thay đổi, với sự tập trung hơn vào nhu cầu cá nhân. Mạng lưới an sinh xã hội phải thay đổi khi cấu trúc gia đình truyền thống bị phá vỡ.

“Đặc biệt là khi số người già gia tăng, dẫn đến các vấn đề an sinh xã hội và chăm sóc y tế. Việt Nam chúng ta sẽ già nhanh trước khi kịp giàu, khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, bà Lan cho hay

Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2036, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) dự báo. Trong khi đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao là vào năm 2045.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng thu nhập quốc gia (GNI) tính theo đầu người của Việt Nam trong năm ngoái là 4.180 đô la, thuộc nhóm các nước có thu nhập quốc gia trung bình ở mức thấp. Quốc gia có thu nhập cao phải đạt GNI đầu người là 14.005 đô la trong năm 2023. Theo cách tính của WB, Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng 7% mỗi năm trong suốt 10 năm để quy mô GDP hay GNI của nền kinh tế tăng gấp đôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới