Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu chạy đua tìm phương án giải tỏa ngũ cốc tồn đọng ở Ukraine

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các lãnh đạo châu Âu đang chạy đua tìm phương án vận chuyển lượng ngũ cốc khổng lồ ra khỏi Ukraine, nơi sản lượng ngũ cốc xuất khẩu thường lớn hơn toàn bộ Liên minh châu Âu (EU), trong bổi cảnh cảng Odessa của Ukraine bị Nga phong tỏa.

Đoàn xe tải xếp hàng để đi vào Ukraine thông qua cửa khẩu biên giới Isaccea-Orlivka giữa Romina và Ukraine hồi đầu tháng 5. Ảnh: Bloomberg

Tìm phương án mới khi cảng Odessa bị Nga phong tỏa

Tuần trước, Nga, nước bị Mỹ cáo buộc “vũ khí hóa” an ninh lương thực, tuyên bố sẽ mở các hành lang hàng hải tới các cảng của Ukraine bao gồm cảng Odessa trên Biển Đen nếu các lệnh trừng phạt chống lại nước này liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine được dỡ bỏ. Mỹ và các đồng minh phương Tây không chấp nhận điều kiện đó.

Các nước châu Âu xem xét mọi phương án, từ hộ tống hải quân đến chuyển sang bất kỳ tuyến vận tải trên bộ nào để đưa ngũ cốc từ Ukraine sang các nước vùng Baltic. Lãnh đạo tại các cảng, các công ty hậu cần và trong ngành nông nghiệp cho biết họ đang nghiên cứu kỹ bản đồ để tìm các giải pháp chẳng hạn chuyển hướng sang vận tải đường bộ và phục hồi các liên kết đường sắt như tuyến đường sắt kết nối Ukraine với TP Galati của Romania.

Tuy nhiên, nhiêm vụ này rất phức tạp bởi tình trạng thiếu tài xế xe tải và thực tế là trước đây, Liên Xô, bao gồm Ukraine ngày nay, đã sử dụng khổ đường ray rộng hơn so với tiêu chuẩn châu Âu. Điều đó đã gây ra sự chậm trễ tới 30 ngày tại các biên giới cho các tuyến đường sắt hiện tại do hàng hóa cần được chuyển lên toa tàu lửa tương thích và cơ sở hạ tầng hải quan bị quá tải.

Trong khi đó, các cảng ở Romania và Ba Lan đang bị ách tắc hoặc đã hoạt động hết công suất giữa lúc thiếu nhân lực chuyên trách để xử lý nhu cầu tăng đột biến. Ngay cả khi xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây, các quan chức thương mại cảnh báo tình trạng tắc nghẽn ở các cảng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi phần còn lại của châu Âu bắt đầu thu hoạch lúa mì vào tháng tới.

"Quy mô của vấn đề là rất lớn. Trong 15 năm qua, chúng ta đã phát triển cơ sở hạ tầng theo cách không thể đơn giản thay thế nó bằng một điểm đến khác, một cảng khác”,  Taras Kachka, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Ukraine, nói trong một hội nghị trong tháng này.

Ukraine là nhà cung cấp lớn đối với lúa mì, lúa mạch và bắp, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất toàn cầu. Các vụ mùa trong tương lai ở Ukraine chắc chắn sẽ bị thu hẹp do chiến tranh, nhưng nước này hiện vẫn còn 20 triệu tấn ngũ cốc tồn đọng từ năm ngoái.

Ukraine đang mở rộng năng lực xuất khẩu ở biên giới phía tây và đơn giản hóa các thỏa thuận thương mại với EU. Hôm 24-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cho biết EU đang nỗ lực đưa lượng ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine ra các thị trường toàn cầu bằng cách mở “các làn đường đoàn kết” đến các cảng châu Âu cũng như tài trợ cho các phương thức vận tải khác nhau. Đại sứ Ukraine tại Ba Lan hy vọng Ba Lan sẽ là nơi trung chuyển 80% sản lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine.

Đường sắt là giải pháp thay thế nhưng không dễ dàng

Nhưng trên thực tế, đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine bằng đường sắt là phương án rất phức tạp. Tháng trước, các công ty vận tải của Slovakia đã sử dụng 12 chuyến tàu để vận chuyển 18.000 tấn bắp từ Ukraine. Vấn đề là hàng hóa từ các toa tàu khổ rộng của Ukraine cần phải được chuyển sang các toa tàu có kích thước tiêu chuẩn của châu Âu ở Slovakia.

Ba Lan có tuyến đường sắt khổ rộng dài 400 km kết nối vùng công nghiệp Silesia, phía tây nam nước này với Ukraine. Nó thường được sử dụng chủ yếu để vận chuyển các sản phẩm thép và trong những tuần gần đây tập trung chở người tị nạn. Công ty điều hành mạng lưới đường sắt nhà nước PLK (Ba Lan) đã bắt đầu đầu tư nâng cao năng lực cho tuyến đường sắt này. Hồi tháng 4, Ba Lan và Ukraine đã đồng ý thành lập một công ty vận chuyển hàng hóa chung và đơn giản hóa thủ tục hải quan ở biên giới. Nhưng với tình trạng thiếu toa xe lửa, nhiều người hoài nghi việc liệu Ba Lan có thể sớm tăng lượng nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine lên trên 2 triệu tấn/tháng hay không.

Trong khi đó, tuyến đường sắt kết nối TP Reni, phía nam của Ukraine với TP Galati của Romania thông qua Moldova chỉ một phần tương đối nhỏ trong mạng lưới vận tải xuất khẩu của Ukraine nhưng việc cải tạo nó gặp thách thức lớn.

Chính phủ Romania muốn nâng cấp tuyến đường sắt đến Galati để giảm tình trạng tắc nghẽn ở cảng Constanta của nước này trên Biển Đen. Galati được kết nối đường sắt khổ rộng tương thích với hệ thống đường sắt của Ukraine và có thể giúp chuyển hướng vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine nhanh hơn. Tháng trước, Thủ tướng Romania, Nicolae Ciuca cho biết chính phủ của ông muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng đoạn đường sắt dài 4,6 km còn thiếu trên tuyến này. Nhưng vẫn chưa rõ bên nào đảm trách chi phí xây dựng vì tuyến đường sắt này liên quan đến 3 nước và chịu sự quản lý của 3 công ty điều hành đường sắt khác nhau.

Vận tải đường bộ mất nhiều thời gian

Bất kỳ nguồn cung ngũ cốc nào gia tăng thêm cũng có ý nghĩa lớn khi cuộc chiến ở Ukraine làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Khoảng 3/4 sản lượng ngũ cốc của Ukraina thường được bán ra nước ngoài và nước này là nhà xuất khẩu ngũ cốc chính sang châu Phi, châu Á và Trung Đông cũng như châu Âu.

Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết Ukraine cần xuất khẩu thêm 30-40 triệu tấn ngũ cốc sau vụ thu hoạch vào mùa hè và mùa thu tới. Dù ngũ cốc có thể được tích trữ, nông dân Ukraine cần phải bán nó nhanh chóng để có nguồn tiền đầu tư cho các vụ mùa tiếp theo.

Kees Huizinga, một nông dân Hà Lan sống ở Ukraine, từng có thể thuê một xe tải chở 25 tấn ngũ cốc đến các bến cảng Odessa trên Biển Đen và quay trở lại để vận chuyển chuyến hàng tiếp theo trong ngày. Nhưng các tài xế của ông hiện nay phải mất một tuần đi lại, xếp hàng và làm các thủ tục ở biên giới với Romania, với chi phí tăng ba lần, để giao hàng trên một tuyến đường mới

Để tạo điều thuận lợi cho dòng chảy lương thực từ Ukraine, EU đã miễn trừ giấy chứng nhận thú y hoặc kiểm dịch thực vật cho các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine. Nhưng trong 3 tuần đến giữa tháng 5, Huizinga chỉ xuất khẩu được 150 tấn ngũ cốc. Ông lo một khi Romania bắt đầu thu hoạch sớm các vụ mùa ngũ cốc trong nước sớm, tình trạng tắc nghẽn vận tải đường bộ sẽ tồi tệ hơn.

“Đó sẽ là một thảm họa,” Huizinga, chủ sở hữu một trang trại rộng 15.000 hecta, cách thủ đô Kyiv của Ukraine 200 km về phía nam, cho biết

Lithuania đang dẫn đầu nỗ lực để cố gắng giải phóng ngũ cốc tồn động ở cảng Odessa, nhưng đó là nhiệm vụ khó khăn vì tình hình an ninh bất ổn ở Biển Đen. Lithuania có thể xử lý khoảng 8 triệu tấn hàng hóa mỗi năm thông qua cảng Klaipeda của nước này. Nhưng nước này chỉ có thể  xử lý 1 triệu tấn hàng hóa nhập khẩu bằng các tuyến đường sắt từ Ba Lan. Một chuyến vận chuyển ngũ cốc thử nghiệm bằng đường sắt đi từ Ukraine qua Ba Lan rồi đến Lithuania đã mất đến 3 tuần.

“Không có giải pháp vận tải thay thế cho vận tải hàng hải từ cảng Odessa có thể xử lý hết lượng ngũ cốc mà Ukraine đã tích lũy và sẽ tăng thêm trong mùa hè này”, Gabrielius Landsbergis,  Ngoại trưởng Lithuania, cho biết hôm 26-5.

“Chúng ta cần phải chấp nhận rằng ngũ cốc ở Ukraine sẽ bị thối rữa và một phần của thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, hoặc chúng ta cần phải tìm cách tháo gỡ tình trạng cảng Odessa bị phong tỏa”, Landsbergis kết luận.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới