(KTSG Online) - Hôm 16-3, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), công kế hoạch hành động để đảm bảo ngành công nghiệp của khu vực có thể cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua sản xuất sản phẩm công nghệ sạch và tiếp cận các nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
- Châu Âu quyết đấu trong cuộc chiến ‘trợ cấp xanh’ với Mỹ và Trung Quốc
- Phát hiện mỏ đất hiếm lớn, châu Âu kỳ vọng thoát phụ thuộc vào Trung Quốc
Giảm phụ thuộc nguyên liệu quan trọng từ bên ngoài
Theo đó, EC đề xuất Đạo luật Công nghiệp zero ròng (NZIA) và Đạo luật Nguyên liệu quan trọng (CRMA) như là một phần của Kế hoạch công nghiệp thỏa thuận xanh. Hai đạo luật được thiết kế để đảm bảo khối này không chỉ đi đầu thế giới trong nỗ lực cắt giảm khí thải carbon mà còn đi trước về công nghệ xanh.
Những đạo luật này sẽ giúp thúc đẩy quy trình cấp phép, nâng cao kỹ năng của người lao động để hỗ trợ các công ty công nghệ sạch của khu vực tiếp cận và sản xuất nguyên liệu sử dụng ở tuốc-bin gió, tấm pin mặt trời, xe điện và các công nghệ sạch khác
Thông qua hai đạo luật trên, EC muốn tăng mạnh năng lực sản xuất công nghệ sạch và tăng tỷ lệ khoáng sản chiến lược được khai thác, chế biến và tái chế ở châu Âu. Chẳng hạn, EC đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực tự khai thác 10% nguyên liệu thô quan trọng như lithium, cobalt và đất hiếm mà khu vực này tiêu thụ. Riêng hoạt động tái chế nguyên liệu thô quan trọng đáp ứng thêm 15% nhu cầu. EU cũng sẽ tăng công suất chế biến nguyên liệu thô quan trọng lên mức 40% nhu cầu vào cuối thập niên này.
“Chúng ta có tài nguyên ở châu Âu. Chúng ta phải tìm cách khai thác chúng”, Cao ủy thị trường nội bộ của EU Thierry Breton, nói tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ.
Đối với châu Âu, việc đảm nguồn cung khoáng chất quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh là một thách thức. Hiện nay, Trung Quốc chế biến gần 90% đất hiếm và 60% lithium, một thành phần chính của pin xe điện.
EC cũng đặt mục tiêu không phụ thuộc quá quá 65% nhu cầu đối bất kỳ nguyên liệu thô quan trọng từ một nước thứ ba, sản xuất ít nhất 40% sản phẩm công nghệ sạch mà khu vực cần vào năm 2030 bằng cách đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án xanh và thúc đẩy đầu tư.
Hiện nay, EU mua 98% nguyên liệu đất hiếm, 97% lithium và 93% magiê từ Trung Quốc. Các nguyên liệu thô quan trọng được sử dụng trong mọi thứ, từ tấm pin mặt trời đến máy bơm nhiệt và xe điện.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã giúp EU củng cố bài học kinh nghiệm được rút ra từ tình trạng thiếu vật tư y tế trong đại dịch Covid-19. Đó là EU không thể dựa vào một nhà cung cấp duy nhất cho các nguyên vật liệu thiết yếu.
“Giờ đây, chúng tôi hiểu rằng các lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đưa ra cách đây một thập niên đang gây bất lợi cho châu Âu. Vì vậy, chúng tôi cũng phải đưa ra các quyết định chiến lược của riêng mình ngay bây giờ cho những thập niên tới”, Frans Timmermans, Phó Chủ tịch phụ trách Thỏa thuận xanh của EC, nói.
Trợ cấp và cấp phép nhanh hơn cho dự án công nghệ xanh
EC cũng đề xuất các chương trình trợ cấp nhà nước đơn giản hơn và xem xét giảm thuế để thúc đẩy công nghệ xanh. Đạo luật NZIA xác định tám lĩnh vực có tầm quan trọng “chiến lược” đối với EU trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đó là, năng lượng mặt trời, gió, pin, máy bơm nhiệt và năng lượng địa nhiệt, chất điện phân để sản xuất hydrogen, khí sinh học bền vững và khí mê-tan sinh học, thu hồi và lưu trữ carbon và lưới điện.
EC đề xuất các dự án trong các lĩnh vực chiến lược này nên được cấp phép nhanh hơn, trong vòng 9-12 tháng. Trong trường hợp cần thiết, các dự án này cũng có thể bỏ qua quy trình xem xét lợi ích công cộng liên môi trường, một điều khoản mà các tổ chức bảo vệ môi chỉ trích.
Về thương mại, EU sẽ tìm cách mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác về nguyên liệu thô và các hiệp định thương mại tự do như với Úc, Canada và Chile. Đồng thời, EU sẽ tham gia thiết lập một liên minh nguyên liệu thô toàn cầu.
“Chúng tôi đang tăng cường hợp tác với các đối tác thương mại đáng tin cậy trên toàn cầu để giảm sự phụ thuộc hiện tại của EU vào chỉ một hoặc một số quốc gia”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói.
EC cũng công bố kế hoạch thành lập Ngân hàng Hydrogen châu Âu nhằm hỗ trợ các khoản đầu tư sản xuất hydrogen dựa vào năng lượng tái tạo. EU đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn hydrogen xanh và nhập khẩu 10 triệu triệu tấn khác vào năm 2030. Hiện tại, EU chỉ sản xuất chưa đến 0,3 triệu tấn hydrogen từ năng lượng tái tạo mỗi năm.
“Chúng tôi muốn trở thành những người dẫn đầu trong các ngành công nghiệp xanh của tương lai, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis bình luận về những kế hoạch trên.
Các biện pháp trên cũng là một phần trong phản ứng của EU đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, cung cấp 369 tỉ đô la tín dụng thuế và các khoản chi tiêu và trợ cấp khác cho năng lượng sạch. Đạo luật này làm dấy lo ngại ở châu Âu về việc các công ty có thể chuyển các khoản đầu tư qua Mỹ để được hưởng các ưu đãi.
Giới doanh nghiệp trong khu vực hoan nghênh kế hoạch hành động mới của EC nhưng cho rằng châu Âu cần làm nhiều hơn nữa để thực sự cạnh tranh trên toàn cầu. “Châu Âu sẽ phải tái chế nhiều hơn, nhập khẩu nhiều hơn cũng như khai thác nhiều tài nguyên trong khu vực hơn", Colin Mackey, người đứng đầu các hoạt động tại châu Âu của Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto nói.
Với kế hoạch hành động này, các quan chức EU hy vọng sẽ giành lại một số thị phần sản xuất công nghệ sạch đã chảy sang Trung Quốc trong những năm gần đây. Các công ty Trung Quốc, thường được Bắc Kinh và chính quyền địa phương trợ cấp rất hào phóng, là nguồn cung cấp nguyên liệu thô và sản phẩm công nghệ sạch quan trọng trên toàn cầu. Những công ty này kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu.
Vì còn trải qua nhiều vòng đàm phán với sự tham gia của các đại diện của EC, Nghị viện châu Âu và chính phủ các nươc thành viên EU cho nên nội dung của hai đạo luật trên còn có thể thay đổi trước khi có hiệu lực.
Theo Reuters, WSJ