Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu kêu gọi sản xuất vật liệu chip thay thế sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi các công ty nhôm và kẽm trong khu vực xem xét sản xuất các kim loại bán dẫn chủ chốt sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại quan trọng để sản xuất chip kể từ tháng 8.

Kể từ tháng 8 tới, các công ty ở Trung Quốc muốn xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại quan trọng đối vớ chip bán dẫn, phải xin phép các nhà quản lý. Ảnh: Reuters

Quyết định của Bắc Kinh về việc hạn chế xuất khẩu đối với hai kim loại quan trọng nói trên đã thúc đẩy một cuộc chạy đua giữa Brussels, Washington và Tokyo để tìm nguồn vật liệu thay thế bên ngoài nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Silicon là vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất trong chip bán dẫn và có nguồn cung rất dồi dào. Nhưng gallium và germanium có những đặc tính hiếm và phù hợp với một số ứng dụng thích hợp của chip. Chúng được tích hợp vào vô số thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, tấm pin mặt trời và thiết bị y tế, cũng như các ứng dụng quốc phòng.

EU đã tiếp cận Mytilineos Energy & Metals, một nhà sản xuất nhôm của Hy Lạp, và yêu cầu công ty này xem xét việc sản xuất gallium, một sản phẩm phụ trong quá trình chế biến quặng bauxite thành alumin, nguyên liệu ban đầu để sản xuất nhôm, ở nhà máy của công ty này tại thành phố Agios Nikolaos.

“EU đã liên hệ với chúng tôi để đánh giá xem các nhà máy luyện alumin có thể đóng góp như thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này”, Nick Keramidas, giám đốc phụ trách chính sách EU của Mytilineos Energy & Metals, xác nhận.

Trung Quốc sản xuất 60% germanium và 80% gali của thế giới, theo Liên minh vật liệu thô quan trọng (CRMA) của châu Âu.

EU mua 71% gallium và 45% germanium từ Trung Quốc. Hiện tại, chỉ có một số ít công ty bên ngoài Trung Quốc có khả năng sản xuất hai kim loại này với độ tinh khiết cao để sử dụng trong sản xuất chip, pin mặt trời và sợi quang.

Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh khó khăn của ngành công nghiệp kim loại châu Âu khiến các công ty trong ngành không dám mạo hiểm đầu tư hàng chục triệu euro để sản xuất gallium mà không có sự hỗ trợ của nhà nước để giúp họ ứng phó chi phí năng lượng cao và lạm phát đang gia tăng trong khu vực, vốn khiến nhiều nhà máy luyện kim dừng hoạt động trong thời gian gần đây.

“EU kêu gọi tăng cường sản xuất và các nhà máy luyện alumin có thể xem xét điều đó, nhưng tôi nhận thấy, một nửa trong số các nhà máy này đang gặp khó khăn. Khi bạn không thể sản xuất mặt hàng chính một cách cạnh tranh vì các điều kiện quá khó khăn, thì làm sao bạn có thể ngốc đến mức đầu tư vào một sản phẩm phụ là gallium”, Keramidas phân trần.

Đây không phải là lần đầu tiên Brussels lo lắng về nguồn cung các khoáng sản quan trọng do áp lực từ Trung Quốc. EU đã thực hiện những nỗ lực tương tự để thúc đẩy sản xuất magiê trong khu vực sau khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng vào năm 2021 vì thiếu điện.

Eurometaux, hiệp hội kim loại màu của châu Âu, xác nhận một số công ty kim loại đang xem xét cải thiện nguồn cung trong khu vực đối với gallium và germanium, nhưng cảnh báo cần “một cuộc thảo luận chính sách công nghiệp rộng lớn hơn”.

“Năm ngoái đó là magiê, và chúng tôi không biết kim loại nào sẽ nằm ở vị trí tiếp theo trong tâm điểm địa chính trị”, Eurometaux cho biết.

Việc phát triển sản lượng germanium ở EU càng khó khăn hơn. Chỉ một số nhà máy luyện kẽm sử dụng một quy trình cụ thể có thể giúp thu hồi germanium như một sản phẩm phụ. Rất ít nhà máy bên ngoài Trung Quốc sử dụng quy trình đó và không có nhà máy nào ở châu Âu làm như vậy.

Công ty sản xuất kẽm Nyrstar (Bỉ) thuộc sở hữu của Trafigura nằm trong số những công ty đang đánh giá kế hoạch xây dựng một cơ sở xử lý và thu hồi gallium và germanium có vốn đầu tư 150 triệu đô la tại nhà máy luyện kẽm ở bang Tennessee (Mỹ). Nhà máy này có thể đáp ứng 80% nhu cầu của Mỹ đối với hai kim loại này nhưng sẽ mất ít nhất hai năm để xây dựng.

Umicore, công ty công nghệ vật liệu của Bỉ, cho biết đang phát triển các công nghệ để sản xuất các tấm màng mỏng germanium để giúp tiết kiệm sử dụng vật liệu này.

Theo Fastmarkets, giá gallium đã tăng 28% kể từ lúc Trung Quốc thông báo về kế hoạch hạn chế xuất khẩu đối với kim loại này hồi đầu tháng 7.

Nhưng các lãnh đạo trong ngành công nghiệp kim loại châu Âu cũng nhấn mạnh EU cũng cần phát triển các chính sách đối phó với vấn đề ngược lại: làm thế nào để duy trì tính cạnh tranh nếu Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt hai kim loại này.

Gallium và germanium trong số những kim loại được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược trong một dự thảo luật đang được thảo luận ở EU. Luật này được thiết kế để tăng cường năng lực tự chủ nguồn cung vật liệu quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh của khối.

Các hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Hà Lan theo chân Nhật Bản và Mỹ áp dụng các hạn chế bán thiết bị sản xuất chip cao cấp ra nước ngoài.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, cho biết đang tiến hành “phân tích chi tiết” đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc để xem chúng có phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay không.

”EC lo ngại những hạn chế xuất khẩu này không liên quan đến nhu cầu bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc thực hiện cách tiếp cận, theo đó các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phải dựa trên các suy xét về an ninh có liên quan”, một người phát ngôn của EC nói.

Bộ trưởng Môi trường Hy Lạp Theodoros Skylakakis cho biết, ông hy vọng Hy Lạp có thể trở thành một trung tâm sản xuất các khoáng chất quan trọng của châu Âu, một phần nhờ vào tiềm năng sản xuất gallium từ bauxite của Mytilineos.

Nếu mô hình cạnh tranh mở của EU bị hủy hoại bởi các tình huống địa chính trị cụ thể, thì khối này nên “thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng chúng ta được bảo vệ”, ông nói thêm.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới