Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu khởi động dự án biến lòng biển trở thành ‘nghĩa địa’ của carbon

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm 8-3, Đan Mạch đã khởi động Dự án Greensand để bơm carbon dioxide (CO2) xuống bên dưới một mỏ dầu đã dừng hoạt động Biển Bắc, nơi loại khí nhà kính này sẽ được “chôn” vĩnh viễn và bị cô lập an toàn với bầu khí quyển. Greensand, dự án lưu trữ carbon xuyên biên giới đầu tiên trên thế giới , có thể trở thành một thành phần quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tàu chở carbon đến giàn khoan của mỏ dầu Nini West đã dừng hoạt động ở Biển Bắc để bơm khí thải nhà kính này xuống bể dầu dưới lòng biển. Ảnh: Ineos

“Nhốt” carbon trong bể dầu đã cạn kiệt

Thái tử Đan Mạch Frederik là người đã chủ trì buổi lễ khởi động bơm khí carbon vào bể dầu cạn kiệt của mỏ dầu Nini West ở khu vực Biển Bắc của Đan Mạch. Bể dầu nằm trong lớp sa thạch ở độ sâu 1,8 km dưới đáy biển. Khí carbon được vận chuyển bằng tàu biển từ Bỉ đến đây để bơm xuống bể dầu. Theo thời gian, khí nhà kính này sẽ phản ứng với đá và khoáng hóa, giúp lưu trữ carbon vĩnh viễn dưới dạng chất rắn.

Trong giai đoạn thử nghiệm, khoảng 15.000 tấn carbon sẽ được bơm xuống mỏ dầu Nini West để các nhà điều hành dự án giám sát xem công nghệ này hoạt động hiệu quả như kỳ vọng hay không. Nếu thành công, hãng hóa chất Ineos (Anh) và công ty dầu khí Wintershall của Đức, hai nhà đầu tư chính của dự án Greensand, sẽ quyết định mở rộng đầu tư cho giai đoạn tiếp theo, cho phép mỏ dầu này lưu trữ 1,5 triệu tấn carbon mỗi năm. Mục tiêu của họ chôn khoảng 8 triệu tấn carbon mỗi năm ở dự án Greensand vào cuối thập niên này.

Thái tử Frederik nhấn mạnh dự án sẽ mang lại lợi ích về khí hậu cho Đan Mạch, cho châu Âu và cả hành tinh này.

“Hôm nay, chúng ta mở ra một chương mới, xanh hơn cho Biển Bắc”, ông nói tại lễ khánh thành dự án Greensand ở thị trấn Esbjerg, phía tây Đan Mạch.

“Không có cơ hội nào để chúng ta đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu nếu không có có nơi lưu trữ carbon”, Bộ trưởng Khí hậu và năng lượng Đan Mạch Lars Aagaard nói.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) vẫn chưa được chứng minh về tính hiệu quả và việc tập trung cho công nghệ này có thể làm suy yếu các nỗ lực khử carbon trong ngành năng lượng. Theo tổ chức tư vấn IEEFA của Úc, quy trình CCS thải ra tương đương 21% lượng khí thải thu được. Công nghệ này cũng có rủi ro bao gồm các sự cố rò rỉ tiềm ẩn, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng nếu không sử dụng công nghệ CCS các ngành công nghiệp châu Âu phải đối mặt với chi phí carbon tăng (chi phí mua tín chỉ phát thải carbon đối với các ngành công nghiệp ô nhiễm ) cùng với giá năng lượng cao hơn. Điều đó đe dọa khả năng cạnh tranh của họ và một số tập đoàn sản xuất công nghiêp của châu Âu có thể chuyển đến Mỹ, nơi năng lượng rẻ hơn và cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng cho các dự án thu hồi và lưu trữ carbon thông qua Đạo luật Giảm lạm phát

Các công ty châu Âu đã chịu áp lực rất lớn vì giá khí đốt tự nhiên tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi năm ngoái. Do đó, một số công ty, bao gồm Tập đoàn hóa chat BASF (Đức) , cổ đông lớn nhất của Wintershall Dea, đang cắt giảm vĩnh viễn một số hoạt động ở châu Âu. Các hoạt động nghiệp sẽ suy giảm với tốc độ nhanh hơn  nếu các chính phủ châu Âu không tìm ra một giải pháp để ứng phó chi phí carbon đang tăng nhanh. Giá tín chỉ phát thải carbon (đại diện cho 1 tấn carbon) ở châu Âu chạm mức cao kỷ lục 100 euro hồi tháng 2.

“Châu Âu cần phải tăng tốc. Nếu bạn quyết định đầu tư ngay hôm nay cho một nhà máy hóa chất, bạn sẽ lựa chọn Mỹ vì giá năng lượng ở đó rẻ hơn. Ở Mỹ, bạn đã có sẵn giải pháp cho carbon và khung pháp lý hỗ trợ thu giữ carbon. Vì vậy, có rất ít lập luận thuyết phục để đầu tư xây dựng một nhà máy như vậy ở châu Âu”, Mario Mehren, Giám đốc điều hành của Wintershall Dea nói.

Biển Bắc có thể giúp chôn 200 tỉ tấn carbon

Có khoảng 200 dự án sử dụng các công nghệ CCS đang hoạt động hoặc đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, các dự án này thường được xây dựng sát với khu sản xuất công nghiệp. Đối với dự án Greensand, carbon sẽ được thu giữ ở Bỉ, sau đó, được hóa lỏng và vận chuyển bằng tàu biển đến giàn khoan Nini West ở Đan Mạch để bơm xuống bể dầu ở biển dưới. Carbon cũng có thể được vận chuyển bằng đường ống và chôn ở những hang động dưới lòng đất.

“Chôn carbon ở các mỏ dầu khí đã cạn kiệt có nhiều thuận lợi vì chúng có sẵn hạ tầng để tái sử dụng”, Morten Jeppesen, Giám đốc Trung tâm công nghệ xa bờ thuộc Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, nói.

TotalEnergies, Tập đoàn năng lượng của Pháp, cũng đang thăm dò khả năng chôn carbon dưới một mỏ dầu cạnh dự án Greensand, với mục tiêu thu giữ 5 triệu tấn carbon mỗi năm vào năm 2030.

Biển Bắc, nơi từng cung cấp nguồn dầu khí dồi dào cho châu Âu, có thể cung cấp một “nghĩa địa” rộng rãi để chôn khí thải trong tương lai. Theo Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF), khả năng lưu trữ carbon ở Biển Bắc là hơn 200 tỉ tấn, cao gấp hơn 20 lần tổng lượng khí thải từ ngành công nghiệp trên toàn cầu vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là nếu công nghệ thu giữ carbon dưới đáy biển chứng minh được tính khả thi, Biển Bắc sẽ cung cấp đủ năng lực lưu trữ lương phát thải carbon của châu Âu trong nhiều thập niên tới.

Bình luận về sự kiện khởi động dự án Greensand, Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nói: “Đây là một thời điểm quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu và đối với ngành công nghệ sạch của chúng ta. Dự án này cho thấy chúng ta có thể phát triển ngành công nghiệp của mình thông qua đổi mới và cạnh tranh, đồng thời loại bỏ lượng khí thải carbon ra khỏi khí quyển, thông qua sáng tạo và hợp tác. Điều này rất quan trọng đối với tính bền vững cạnh tranh của châu Âu”.

Bà cho biết thêm, để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5% vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới cần phải xem nỗ lực thu giữ carbon là nhiệm vụ hàng đầu trong các nỗ lực giảm phát thải. Bà nói Liên minh châu Âu (EU) cần thu hồi và lưu trữ khoảng 300 triệu tấn carbon hàng năm vào năm 2050 nếu muốn đạt mục tiêu zero ròng về phát thải.

Theo Bloomberg, AFP

 

 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới