Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chảy đi sông ơi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chảy đi sông ơi!

Gia Hảo

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Con sông nào mà chẳng xuôi về với biển, lác đác ngược dòng sớm muộn cũng teo chìm trong sa mạc mênh mông. Nhanh, chậm, ứ trào, bồi, lở… hay khoan thai về với đại dương lút tận chân trời chính là nhờ người biết be bờ, khơi dòng cho sông được chảy.

Nước từ ao, suối… gom thành sông, từ sông đổ ra biển…cứ vậy, cứ vậy mà tiếp nối khôn nguôi. Nhanh ư? Sông cuốn theo màu mỡ và vẫn cứ bên lở, bên bồi… Lững thững, lờ đờ chăng? Rác rến cứ dồn ứ các con bơn… Sông khựng lại và một khi có lũ đầu nguồn, nước giận dữ, dâng trào, ào ào như thác đổ, nhận chìm tất cả trong cơn hồng thủy trắng đồng…

Những tưởng đất được màu mỡ, cứ ngăn sông, chặn suối, cứ đào sâu thêm các đầm sẵn có và tạo ra nhiều hồ mới nhằm hứng trọn nước vốn sinh dòng của các con sông, nhánh suối, vậy là phù sa màu mỡ sẽ lắng lại để rồi ban phát, sẻ chia, điều tiết cái lộc trời, khắc giữ được cái uy của kẻ trông kè, mở cống…

Vậy thì còn gì dòng chảy, nước đổ vào cả các đầm, hồ vốn rệu rạo chưa được hàn thổ, be bờ, đáy còn ẩn chứa biết bao hang động của hiện tượng địa chất (karst) điển hình của nền đất nhiều vùng thuộc xứ mình… Nước cứ đổ vào các đầm, hồ để rồi tuôn vào các hang không đáy, thẩm thấu qua hằng hà sa số những kẽ hở ngay cả trên thân bờ kè chưa được đập đất, nén bờ cho chặt… và cứ thế tránh sao khỏi “lỗ hà ra lỗ hổng”.

Dòng chảy lừ đừ tưởng như dừng lại, màu mỡ tự nhiên của chính từng con sông, nhánh suối gom lại nay lại là của “xin-cho” mà đâu còn đủ… Rồi, thêm tàn phá thiên nhiên, hủy hoại môi trường đang giết chết nhiều dòng sông. Biển giận dữ những đợt triều cường dồn dập với tần suất cứ cao dần… Đất lấn biển một thời, nay biển ngoạm dần vào đất… Cứ vậy, cứ vậy, màu mỡ cứ vơi dần…, sao tránh khỏi “sa mạc hóa” nhiều vùng, trọc hóa những khu rừng từng ngút ngàn xanh tốt…

Xin hãy giữ cho được các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, phủ xanh các đồi trọc để giữ lấy nước nguồn, xin bớt bê tông hóa để đất còn được thở, ngưng làm cạn đi những mạch nước ngầm góp phần nuôi lại đất, xin khơi dòng và điều tiết nước các ao, hồ chính từ các dòng sông, con suối miệt mài gom lại và rồi, nhờ bàn tay của chính người gác kè, mở cống ấy biết trông trời, ngóng biển sao cho mưa vẫn thuận, gió vẫn hòa…, nước làm trọn được việc nuôi, tưới đất suốt đôi bờ trên đường sông suối khoan thai về với biển.

Chảy đi sông ơi, đại dương đang vẫy gọi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới