Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chạy theo con virus

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đà Nẵng gần như mỗi ngày qua đều phải xoay xở những biện pháp mới để đối phó với nhiều vấn đề phát sinh trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiển hiện.

Ngày 31-8, Đà Nẵng triển khai sử dụng rộng rãi flycam (thiết bị bay để chụp/quay hình được điều khiển từ xa) sau những ngày thử nghiệm đầu tiên nhằm kiểm soát việc người dân chấp hành phòng chống dịch, đặc biệt tại các kiệt, ngõ, hẻm. Bên cạnh đó, công an sẽ lắp thêm camera để giám sát.

Hành động này được đưa ra sau nhiều ca lây nhiễm nghiêm trọng được ghi nhận tại kiệt, hẻm.

Đầu tiên là việc có 65 F0 và 26 ca F1 được phát hiện tại kiệt 524 Hoàng Diệu (quận Hải Châu) - chỉ rộng có 1 m, dài hơn 150 m với 44 hộ và 206 nhân khẩu. Theo thông tin vào ngày 24-8, những ca này lây nhiễm sau một vụ xung đột giữa những người dân trong hẻm, và nhiều người dân tiếp xúc, bàn tán về vụ xung đột.

Sau đó, chỉ trong tối 26 và sáng 27-8, qua hoạt động lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa có F0, đã ghi nhận hơn 40 ca mắc Covid-19, tập trung tại hàng loạt kiệt dọc theo trục đường Trần Cao Vân như K236, K158, K254, K268… Những ngày sau đó, khu vực này thành điểm nóng khi hàng chục ca lây nhiễm được phát hiện.

Bên cạnh đó, có một số ca lây nhiễm được ghi nhận rải rác tại các kiệt, hẻm khắp thành phố.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu siết chặt tình trạng lỏng lẻo trong quản lý, giám sát các kiệt, hẻm, các khu vực phong tỏa dẫn đến việc lây nhiễm chéo vẫn diễn ra tại các khu dân cư. Dùng flycam và camera là một trong những giải pháp bên cạnh việc tăng cường an ninh.

Những người “trong nghề” cho rằng sử dụng flycam và camera trong nội thành khó khả thi vì có nhiều cây cối và dây điện cản trở, khó quan sát hết các kiệt, hẻm, chưa kể tốn nhiều flycam và pin.

Một số ý khiến khác cho rằng hành động này chỉ có tác dụng răn đe, cảnh báo người dân vì họ sẽ sợ khi thấy có máy quay trên trời.

Có người cũng đặt câu hỏi: Lực lượng an ninh tại các khu phố (công an, dân phòng, ban điều hành phòng chống dịch…) ở đâu? Trách nhiệm họ ở đâu? Từ sự cố nói trên liệu có nên xem xét lại việc giám sát các kiệt, hẻm và khu phố như hiện nay - chỉ dựng rào và ngồi bên ngoài?

Đây là minh chứng mới nhất cho những biện pháp được gọi là cấp thời được đưa ra hầu như là hằng ngày tại Đà Nẵng để ứng phó với những diễn biến mới của dịch cũng như công tác an sinh xã hội trong phòng chống dịch.

Từ ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (ngày 16-8), thành phố đã giao việc đi chợ cho các khu phố khi shipper (người giao hàng) và nhân viên siêu thị không được trực tiếp vận chuyển hàng hóa. Khi nhận thấy tình hình đi chợ giúp người dân khó khăn, Đà Nẵng tăng cường thêm chợ lưu động, và công an, bộ đội đi chợ giùm, cũng như ứng dụng theo dõi hàng hóa tạo các cửa hàng, siêu thị dành cho các người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những tiếng than thở từ người dân tại các khu dân cư khi họ vẫn phải nhờ tổ trưởng và chờ 3 ngày mới có hàng hóa.

Trong những ngày này, Đà Nẵng cũng triển khai ưu tiên tiêm vaccine gấp kèm với xét nghiệm cho shipper, nhân viên siêu thị và các tiểu thương để tổ chức lại việc bán và giao hàng tại siêu thị và một số chợ truyền thống để tăng cường kênh phân phối.

Các nghi vấn được đặt ra từ những biện pháp nói trên. Một trong số đó là việc tiêm vaccine. Liệu có đủ lượng vaccine để tiêm cho những nhóm shipper, tiểu thương, nhân viên siêu thị vừa nêu. Bởi còn những nhóm khác như báo chí, lực lượng y tế, người lao động tại các doanh nghiệp vốn cũng là đối tượng ưu tiên nhưng vẫn chưa được tiêm đầy đủ vaccine do thiếu nguồn phân bổ.

Thêm nữa, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang “bối rối” trong việc tiêm ngừa cho giáo viên và học sinh, cùng với chương trình giảng dạy trong bối cảnh mới mà điển hình là phụ huynh học sinh đang loay hoay tìm cách mua sách vở phù hợp cho con em mình.

Đà Nẵng đang có những cơn mưa hằng đêm, báo hiệu mùa mưa sắp bắt đầu. Lực lượng phòng chống dịch sẽ hoạt động khó khăn hơn trong điều kiện không thuận lợi.

Rất nhiều người dân và doanh nghiệp phản ánh lên lãnh đạo thành phố qua các kênh khác nhau, đề nghị có những biện pháp nới lỏng trong an toàn sau ngày 5-9 (thời điểm kết thúc “ai ở đâu thì ở đó” theo kế hoạch) chứ không thể “phong tỏa” mãi. Người dân cần ra ngoài đường kiếm tiền. Doanh nghiệp cần mở rộng kinh doanh.

Và như vậy, Đà Nẵng có thể sắp tới sẽ phải tiếp tục đưa ra những biện pháp mới vừa phù hợp với tình hình thực tế vừa vẫn đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Thành phố miền Trung này sẽ “chạy theo con virus” đến khi nào? Câu hỏi này khó giải đáp trong bối cảnh hiện nay. “Xin” thêm vaccine để tiêm cho các đối tượng khác nhau để mạnh dạn nới lỏng các hoạt động có thể là giải pháp chủ động và mang tính căn cơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới