Chè Cầu Đất, Đà Lạt - Đậm, nhạt tùy thời
![]() |
Cơ ngơi sở trà Cầu Đất vào những năm 1960-1975. |
(TBKTSG) - Cho dù lịch sử có biến đổi như thế nào đi chăng nữa thì cuộc sống của người dân thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, vẫn có mối liên hệ sâu đậm với cây chè.
Đã 81 năm qua, cây chè giúp những người công nhân đến với nhau rồi nên duyên chồng vợ; cây chè chứng kiến những đứa trẻ ra đời, trưởng thành; cây chè đưa tiễn những người từng chăm bón chúng về với đất. 81 năm với hơn mười đời lãnh đạo, cây chè Cầu Đất xem ra vẫn còn lắm truân chuyên…
Chung tay góp sức
Sáng hôm sau là đại hội cổ đông thường niên năm 2008 của Công ty cổ phần Chè Cầu Đất - Đà Lạt nhưng đêm hôm trước ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc, vẫn không thể nào chợp mắt được. Nhiệt độ bên ngoài khoảng 18 độ C, hơi lạnh đọng lại trên khung cửa kính. Nơi ông Khanh ở là căn nhà công vụ nằm trong khuôn viên của công ty. Đã năm năm nay ông sống và làm việc ở đây, thỉnh thoảng những ngày nghỉ phép ông lại về thăm gia đình ở thị xã Bảo Lộc.
Bên tách trà nghi ngút khói, một lần nữa ông Khanh rà soát lại điều mình sẽ phát biểu vào sáng mai. Đó là quyết định thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT sau ba năm đảm nhiệm, điều này có nghĩa ông sẽ chia sẻ gánh nặng để người khác cùng “chung lưng đấu cật” trước những dự án kinh doanh mới của công ty. Từ giữa tháng 5-2008, ông là thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty Chè Cầu Đất.
Sau 30 năm (1975-2005) hoạt động sản xuất theo cơ chế “xin-cho”, trực thuộc Công ty Chè Lâm Đồng, Công ty Chè Cầu Đất chính thức được cổ phần hóa.
Thời điểm này vốn điều lệ của công ty chỉ có 6 tỉ đồng - con số quá khiêm tốn để có thể nghĩ tới những kế hoạch táo bạo. Chưa bao giờ thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ mới đặt nặng trên vai những người làm công tác quản lý, điều hành công ty như bấy giờ.
Một năm, hai năm, rồi đến năm thứ ba vốn điều lệ của công ty dần nhích lên được hơn gấp đôi, nhiều ý tưởng mới thúc đẩy Chè Cầu Đất phát triển thêm từ đó. Hai cổ đông chính của Chè Cầu Đất hiện nay là Công ty cổ phần Giấy Viễn Đông và Sacombank.
Năm ngoái, trong dịp tham quan Nhà máy chế biến chè Cầu Đất, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng U&I, rất hào hứng với việc đầu tư vào đây. Ông Tín cho rằng tiềm năng và giá trị của Công ty Chè Cầu Đất là rất lớn, có rất nhiều việc để làm chứ không chỉ là việc trồng chè. Cuối tháng 6-2008, khi liên lạc lại, tuy từ chối tiết lộ thông tin cụ thể nhưng ông Tín cho biết, kế hoạch đầu tư dài hạn vào Chè Cầu Đất mà U&I theo đuổi bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực.
Những cột mốc lịch sử - 1927: Những người chủ Pháp thành lập Sở trà Cầu Đất. Diện tích trồng và khai thác chè trên 600 héc ta. - 1960-1975: Các thương gia người Hoa quản lý Sở trà Cầu Đất. - 1975-2005: Trực thuộc Công ty Chè Lâm Đồng. - Tháng 2-2005: Chuyển thành Công ty cổ phần Chè Cầu Đất-Đà Lạt. Do nhiều nguyên nhân, hiện nay diện tích trồng chè giảm xuống còn 230 héc ta, trong đó 200 héc ta trà xanh TB14, trà đen (OTD); 30 héc ta trà Oolong giống Đài Loan. |
Đa dạng hóa sản phẩm
Vì nằm ở độ cao 1.600 mét nên khí hậu, thổ nhưỡng vùng Cầu Đất rất thích hợp cho cây chè. Nhiệt độ ban ngày từ 20-24 độ C, ban đêm là 16-19 độ C, sương mù bao phủ dày… Lượng mưa trong năm rất ít, mùa khô kéo dài nên sản lượng chè thu hoạch không nhiều. Tuy nhiên, hàm lượng chất kết tinh trong lá chè rất cao, hương vị đậm đà. Trong thời bao cấp, nhờ những lợi thế trên nên chè được trồng ở đây bao giờ bán cho “công ty mẹ” cũng được giá cao hơn 10-15% so với những công ty khác.
“Chè Cầu Đất cho năng suất không cao, tổng sản lượng hàng năm chỉ đạt khoảng 300 tấn. Trong khi đó, với diện tích tương tự, cây chè trồng ở Bảo Lộc cho năng suất cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi”, ông Khanh cho biết. Chính vì thế trong thời gian qua, công ty đã từ chối khá nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài ở Pháp, Cộng hòa Séc. Hiện nay 30% sản phẩm chè của Cầu Đất tiêu thụ nội địa, phần còn lại được xuất khẩu thông qua một đối tác trong nước.
Từ diện tích trồng chè của nhà máy Cầu Đất cuối thập niên 1920 là trên 600 héc ta nay chỉ còn 230 héc ta. Về công nghệ chế biến, những chiếc máy vò chè, sàn tơi, sấy, sàn liên hợp… được sản xuất từ thập niên 1930 đến nay vẫn còn hoạt động. Trong tổng số 230 héc ta lại có tới 50 héc ta chè cổ thụ 60-70 tuổi vẫn còn được thu hoạch. Chính vì thế gần đây HĐQT đã đề ra mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, cây trồng và đầu tư vào mảng du lịch, nghỉ dưỡng.
Khó khăn nhất của công ty hiện nay, theo ông Khanh, chính là sự cạnh tranh. Tất cả chi phí đầu vào đều tăng nhưng giá bán chè lại không thể tăng… Tuy nhiên, không vì thế mà Chè Cầu Đất dậm chân tại chỗ. Trong ba năm qua, Chè Cầu Đất đã trồng thêm 30 héc ta chè Oolong Kim Tuyên giống Đài Loan, trồng cà phê, sản xuất thêm rượu vang Cầu Đất (các nhãn hàng Shiraz, Cadalat và Dran) và đầu tư hệ thống tưới nước, máy móc… với chi phí khoảng 10 tỉ đồng.
Bà Trần Dư Cẩm Ly, Giám đốc Công ty An Lộc Thủy, quận Phú Nhuận, TPHCM, từng có ý định hợp tác với Công ty Chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên, để phân phối chè ở phía Nam. Tuy nhiên, qua lời giới thiệu của một người bạn, bà Ly đã đến tham quan Nhà máy chè Cầu Đất.
“Chứng kiến những chiếc máy chế biến trà thuộc loại “xưa nay hiếm” và hàng ngàn gốc trà cổ thụ, đặc biệt được tiếp xúc với những gia đình trải qua 3-4 đời làm việc tại nhà máy, tôi đã quyết định hợp tác với doanh nghiệp này bởi giá trị lịch sử, cảm xúc ở đây mang lại rất lớn”, bà Ly kể.
![]() |
Trụ sở hiện nay của Công ty cổ phần Chè Cầu Đất - Đà Lạt. |
Từ tháng 9 năm ngoái, An Lộc Thủy chính thức trở thành một trong những nhà phân phối lớn của Chè Cầu Đất với nhiều nhãn hàng tại thị trường Thái Lan và trong nước. Theo bà Ly, bên cạnh bề dày lịch sử, văn hóa mà chè Cầu Đất đang sở hữu, công ty cần phải cải tiến nhiều hơn trong quy trình và công nghệ chế biến, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để An Lộc Thủy có thể xuất khẩu sang Nhật, châu Âu.
Với bề dày lịch sử lâu đời trong ngành chè Việt Nam, thời gian gần đây Nhà máy chè Cầu Đất cũng trở thành điểm đến của các đoàn tham quan, nghiên cứu, sinh viên… “Rất nhiều công ty du lịch trên cả nước đặt vấn đề hợp tác dài hạn với Chè Cầu Đất để mở tour tham quan nhà máy, nhưng chúng tôi đã từ chối vì chưa chuẩn bị kịp các khâu dịch vụ, vệ sinh, chỗ nghỉ qua đêm”, ông Khanh nói.
“Tuy chưa mở tour chính thức nhưng Chè Cầu Đất vẫn sẵn sàng đón tiếp các đoàn tham quan, phục vụ ăn uống cho vài trăm du khách/ngày nếu được báo trước”, ông Khanh cho biết thêm.
Để thực hiện được mục tiêu mở rộng kinh doanh, ông Khanh cho biết Chè Cầu Đất đang cần sự hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thế mạnh về tài chính. “Chè Cầu Đất chấp nhận giảm diện tích trồng chè để trồng dược liệu, phát triển các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng như đầu tư vào khu du lịch, nghỉ dưỡng... Trong tương lai, sản phẩm Chè Cầu Đất có thể chỉ phục vụ cho khách du lịch mà thôi”, ông Khanh nói về định hướng của công ty.
Ký ức một thời
Âm Linh tự, nơi an nghỉ của nhân viên Sở trà Cầu Đất
Nằm trên ngọn đồi cao nhất trong khuôn viên 230 héc ta của Công ty cổ phần Chè Cầu Đất - Đà Lạt, Âm Linh tự và khu nghĩa trang có diện tích khoảng 2 héc ta. Cụ bà Nguyễn Thị Luyến (80 tuổi), có hơn 40 năm làm công nhân sở trà Cầu Đất, cho biết Âm Linh tự được những người phu đầu tiên ở đây thành lập (khoảng năm 1943) trong đó có cha bà là cụ Nguyễn Hữu Tấn. Nằm tại vị trí thoáng đãng nhất giữa ngọn đồi, Âm Linh tự là nơi để hành lễ tế cúng, cầu siêu cho người quá cố xa quê. Mặt tiền chùa hướng về những đồi chè xanh thăm thẳm, những phố thị mờ ẩn trong sương và ngàn thông. Hơn 60 năm qua đã có trên 1.000 lao động sở trà Cầu Đất an nghỉ nơi đây. Cụ Luyến cho biết các cụ cùng thế hệ với cụ khi qua đời chắc chắn sẽ được chôn cất tại đây cùng những người thân. Những cụ già như cụ Luyến ở thôn Trường Thọ, bây giờ thử đếm cũng không quá mười ngón tay! |
Vào lúc thành lập nhà máy (1927)trên 1.000 phu được người Pháp tuyển từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến vùng đất mới lập nghiệp. Năm 1931 trà đen Cầu Đất chính thức được xuất khẩu sang Đức, Pháp và Hà Lan.
Cụ bà Phan Thị Đừng, 79 tuổi, kể: “Cả đời cha mẹ tôi làm việc Sở trà Cầu Đất. Năm 16 tuổi tôi được nhận vào làm việc ở đây. Mỗi ngày làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, cơm nước tự lo. Buổi sáng những người cai gõ kẻng tập trung tất cả nông phu tại sân banh để điểm danh theo số thứ tự (không đọc tên), trước khi bắt đầu công việc hái chè, sấy chè... Người nào nghỉ việc không có lý do, sau khi điểm danh, cai sẽ đạp xe xuống tận nhà để xử lý! Rồi ông ta sẽ thông báo cho chủ các cửa hàng thực phẩm (người Pháp) ngày hôm đó sẽ không bán hàng cho gia đình có người nghỉ việc vô cớ”.
Sau thời Pháp, đến giai đoạn 1960-1975 các thương gia người Hoa quản lý Sở trà Cầu Đất. Cụ Đừng kể tiếp: “Do làm ăn thua lỗ, các ông chủ người Hoa lần lượt bỏ trốn. Tất cả công nhân chỉ còn biết bám vào cây chè để mưu sinh. Trên diện tích chè được giao chăm sóc trước đây, chúng tôi canh ngày hái đọt, rồi sấy khô, quẩy gánh đi bán dạo. Tuy đời sống có những lúc rơi vào khủng hoảng nhưng rất hiếm người bỏ Cầu Đất để đi tìm vùng đất mới…”.
Cụ Đừng lập gia đình, sinh được tám người con, mỗi lần sinh con bà đều đánh dấu lên cây chè để kỷ niệm. Năm 1983 cụ Đừng nghỉ hưu, ba người con gái và một con rể vẫn đang làm việc trong công ty. Nhìn lại chặng đường 39 năm làm công nhân, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cụ cho rằng làm việc thời Pháp là khổ nhất. “Lương người phu thời đó chỉ đủ để sống qua ngày. Ban đêm muốn có ánh sáng trong nhà, chúng tôi phải dùng hạt bưởi sấy khô, xiên qua cây tre đốt lên”, cụ Đừng kể.
Có một kỷ niệm đẹp có lẽ mãi mãi không bao giờ quên trong cuộc đời cụ Đừng, cũng như thế hệ con cháu của cụ, đó là tấm ảnh người chủ Pháp chụp “cô Đừng sấy trà” - đến bây giờ vẫn được treo tại khu vực tư liệu ảnh của công ty.
Cụ bà Nguyễn Thị Luyến, 80 tuổi, cho biết ba đời gia đình cụ đã gắn bó với cây chè Cầu Đất. Cụ nói rằng cả thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường này bao đời qua, từ chuyện sinh đến chuyện tử cũng đều có mối liên hệ với cây chè. Cây chè giúp những người công nhân đến với nhau rồi nên duyên vợ chồng. Cây chè chứng kiến những đứa trẻ ra đời và đưa tiễn những người từng chăm bón chúng về với suối vàng trên đồi Âm Linh Tự.
Những cư dân khác sinh sống ba bốn thế hệ ở đây đều cho rằng nghề trồng chè không giúp họ giàu lên, nhưng cũng nhờ có nó mà người dân cả xã Xuân Trường mới lo cho con cháu ăn học tới nơi tới chốn, có nhà cửa đàng hoàng.
UYÊN VIỄN
Từ công nhân đến cấp quản lý
Đó là trường hợp của anh Nguyễn Hữu Phước, quê ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. “Năm tôi 18 tuổi (1980), một ngày nọ Công ty Chè Lâm Đồng đưa xe đến tận quê tôi để tuyển công nhân. Nghe người ta bảo là làm việc trên Đà Lạt, tôi liền liên tưởng đến những hình ảnh thơ mộng từng được thấy trên truyền hình, trên những tờ lịch như hồ Xuân Hương, đồi Cù, rừng thông, phố thị mờ ẩn trong sương… nên háo hức đăng ký ngay. Đợt đó tôi là một trong số 80 người cùng quê được tuyển dụng. Lên tới Nhà máy chè Cầu Đất lúc đó mới thấm thía không khí buồn tẻ, lạnh lẽo, khỏi phải nói cảm giác trong tôi lúc đó như thế nào”, anh Phước nhớ lại. Sáu năm đầu anh Phước làm công nhân. Từ năm 1987-2003, anh lần lượt công tác ở bộ phận thống kê, tổng hợp trong công ty. Năm năm trở lại đây anh Phước làm quản lý và điều hành đội 2. “Tôi được công ty giao quản lý 43 héc ta trà TB14 và 30 héc ta trà Oolong. Công việc của tôi là điều hành khoảng 200 công nhân và nông dân nhận hợp đồng khoán chăm sóc, thu hoạch chè”, anh Phước cho biết. Công ty Chè Cầu Đất sẽ giao cho công nhân diện tích cây chè để chăm sóc, lương được hưởng theo năng suất (bình quân từ 1,5-1,8 triệu đồng/tháng). Thời gian hái chè là 45 ngày/lần. “Nếu một lao động được giao chăm sóc 1 héc ta chè, chỉ tiêu thu hoạch là 5 tấn/năm, phần họ được hưởng là 82%, 18% còn lại thuộc về công ty lo chi phí quản lý, khấu hao, thuế. Trường hợp người lao động thu hoạch chè vượt mức quy định, phần dư ra họ được hưởng 100%, nếu thu hoạch không đạt chỉ tiêu họ vẫn phải chịu mức chia lãi 18% cho công ty”, anh Phước giải thích. Qua 28 năm gắn bó với Công ty Chè Cầu Đất, anh Phước cho rằng chính tình cảm giữa những người con xa quê đã gắn kết họ lại với nhau như một đại gia đình. Công nhân độc thân thì lãnh đạo hỗ trợ ở nhà tập thể, 30 người/phòng; những ai lập gia đình sẽ được công ty cấp đất cất nhà hoặc được ưu tiên mua nhà với giá rẻ. Hiện nay trong khuôn viên công ty có khoảng 150 hộ sinh sống (thuộc thôn Trường Thọ). “Ngoài thời gian làm việc, chúng tôi luôn hỗ trợ nhau những lúc tối lửa tắt đèn. Có lẽ ít có doanh nghiệp chè nào xây dựng được “tình làng nghĩa xóm” như ở nơi đây”, anh Phước nói. |