Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chê dân trí thấp: Từ người đại diện bỗng chốc thành người giám hộ cho cả dân tộc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chê dân trí thấp: Từ người đại diện bỗng chốc thành người giám hộ cho cả dân tộc

Võ Trí Hảo – Khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM

Chê dân trí thấp: Từ người đại diện bỗng chốc thành người giám hộ cho cả dân tộc
Hiến pháp 2013 đã bổ sung quyền dân chủ trực tiếp vào Điều 6 nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân khi quyết định những vấn đề liên quan vận mệnh quốc gia. Ảnh minh họa: Lễ ký chứng thực Hiến pháp 2013

(TBKTSG Online) – Sau Đổi mới, Hiến pháp 1992 đã minh định nguồn gốc quyền lực nhà nước: “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Mọi quyền lực nhà nước đều do dân trao cho. Người thực thi quyền lực thay vì vỗ ngực xưng “ta là quan”, thì khiêm tốn nhận mình là “công bộc” của nhân dân. Dù với tư cách đại biểu, đại diện, công bộc hay luật sư của dân thì họ đều phải hành xử theo dân nguyện, và người dân có thể thu hồi sự ủy quyền này, nếu không còn tin tưởng vào sự trung thực hay sáng suốt của họ nữa.

Trong các thảo luận gần đây, đặc biệt là cuộc thảo luận về dự thảo Luật Trưng cầu dân ý, không ít ý kiến cần được xem xét lại dưới góc nhìn nguồn gốc quyền lực của nhà nước, quyền lực của các “công bộc” và quyền lực của nhân dân.

Quyền dân chủ trực tiếp dùng để làm gì?

Một trong những bổ sung quan trọng của Hiến pháp 2013 là bổ sung quyền dân chủ trực tiếp vào Điều 6 Hiến pháp. Sự bổ sung này nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; bảo đảm kênh kiểm soát dự phòng khi dân chủ gián tiếp (thông qua bầu cử) gặp trục trặc, không hiệu quả hoặc không đáng tin tưởng để quyết định những vấn đề liên quan vận mệnh quốc gia.

Tại sao các nền dân chủ hiện đại đều cần đến kênh dự phòng này? Bởi các đại biểu, các nghị sĩ cũng là con người, họ có đam mê, tham vọng và xác suất mắc lỗi lầm của loài người nói chung. Khi nắm giữ trong tay quyền lực của thiên hạ, họ càng có nguy cơ bị tha hóa, phản bội lại lợi ích của cử tri, tư lợi, hay đơn giản là “xa dân lâu ngày dễ sinh cái nhìn phiến diện, quan liêu”. Lúc này kênh dân chủ trực tiếp (trưng cầu ý dân) cần được kích hoạt để người dân trực tiếp thực hiện quyền lực của “ông chủ”, thay vì trông chờ vào “sự anh minh trở lại” hay sự bớt tham lam của các “công bộc”.

Chối bỏ hay trì hoãn kênh trưng cầu dân ý, dân chủ trực tiếp là chối bỏ kênh dự phòng này, là sự trì hoãn thực hiện nghĩa vụ hiến pháp (đối với nhà nước) tại Điều 6 Hiến pháp 2013. Nếu xem hiến pháp là khế ước xã hội của toàn dân, thì sự trì hoãn là việc chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng từ phía nhà nước.

Nên thực thi dân chủ trực tiếp ở mức độ nào?

Bản chất của kênh dân chủ trực tiếp dùng để ngăn ngừa sự lạm quyền của nhà nước, nên việc sử dụng kênh dân chủ trực tiếp ở tần suất nào, ở vấn đề gì (*) , phụ thuộc nhiều vào mức độ tin tưởng giữa “ông chủ“ (nhân dân) và các “công bộc“; và quan trọng là sở thích của “ông chủ“. Ở những đất nước có dân trí và quan trí đều cao, ít tham nhũng như Thụy Sĩ người ta vẫn thường dùng dân chủ trực tiếp. Ngược lại ở những đất nước lắm giải Nobel như Hoa Kỳ, nhờ có thể chế chính trị hoạt động theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, thì người ta tin tưởng vào sự trung thực của “công bộc“, mà chuyên tâm vào việc làm ăn, ít có nhu cầu trưng cầu dân ý.

Nếu nhìn từ góc nhìn giữa cổ đông và hội đồng quan trị công ty cổ phần hay quan hệ giữa thân chủ và luật sư thì ta sẽ rõ hơn phạm vi và nhu cầu của trưng cầu dân ý phụ thuộc lớn vào mức độ tin tưởng.

Một hội đồng quản trị gồm các thành viên tài năng, nhưng có tì vết về tham nhũng thì đại hội đồng cổ đông phải giành lấy quyền quyết định những vấn đề quan trọng của công ty. Khi công ty làm ăn yên ổn, thì chỉ cần tiến hành đại hội đồng cổ đông mỗi năm một lần là đã đủ sức kiểm soát, nhưng nếu gặp trục trặc thì các phiên đại hội đồng cổ đông bất thường cần phải được kích hoạt, tựa như kích hoạt trưng cầu dân ý vậy.

Tương tự, phạm vi mà thân chủ ủy quyền cho luật sư phụ thuộc vào mức độ tin tưởng; chứ không phải là trình độ của thân chủ càng thấp thì bắt buộc phải ủy quyền cho luật sư càng nhiều; càng không có chuyện, trình độ thân chủ thấp, thì đương nhiên quyền quyết định sẽ thuộc về luật sư. Thân chủ dù thông thái hay ngu dốt thì họ mới là chủ; luật sư chỉ là người làm thuê, hoạt động trong phạm vi ủy quyền mà thôi; thân chủ chưa hiểu thì phải ra sức thuyết phục.

Qua một chuỗi vụ việc từ PMU18, Vinalines, chặt cây xanh ở Hà Nội… người dân đang dần mất niềm tin (**). Các văn kiện Đảng cũng thừa nhận một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất. Điều này có nghĩa, nhu cầu triển khai kênh dân chủ trực tiếp tại Điều 6 Hiến pháp là đúng đắn và cần thiết. Sự trì hoãn, càng có thêm thời gian cho bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất có thêm thời gian thao túng.

Chưa trải qua một cuộc trưng cầu dân ý thực sự, thì ai cũng có thể đưa ra tuyên bố rằng “toàn dân đã nhất trí“ hay “toàn dân đã tin tưởng tuyệt đối“. Và mọi tuyên bố này đều là cảm tính, chưa có cơ sở chắc chắn.

Đại diện theo ủy quyền bỗng chốc thành giám hộ?

Khi ra ứng cử, ứng viên cam kết trung thành với dân nguyện, bất kể trình độ của cử tri ra sao. Và Quốc hội là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân“ (Điều 69 Hiến pháp), chứ không phải là cơ quan giám hộ cao nhất của nhân dân. Vì vậy, đại biểu là người đại diện theo ủy quyền, chứ không phải là người giám hộ của nhân dân để đương nhiên có quyền nói hộ tất cả mọi thứ.

Hãy nhìn vào tình trạng tham nhũng để thấy được nhu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước. Hãy nhìn vào lịch sử hơn 2000 năm, chứ không phải vào lịch sử 100 năm, để thấy rằng dân tộc Việt Nam có thể tự tìm đường đi cho mình, mà không nhất thiết phải đặt dưới sự giám hộ của một lực lượng nào.

Sự thông thái có nghiễm nhiên trở thành ông chủ?

Trong các xã hội chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, thì Khổng Minh trở thành hình tượng cho sự thông thái và Ấu Chúa (con trai Lưu Bị) trở thành hình tượng cho sự non nớt. Nhưng Khổng Minh đã không nhân danh sự thông thái của mình và sự non nớt của Ấu Chúa để hạn chế quyền quyết định của Ấu Chúa; mà ngược lại kẻ có đạo đức phải ra sức thuyết phục Ấu Chúa điều hay lẽ phải. Nếu tài thuyết phục chưa đủ cao, Ấu Chúa không nghe lời, thì vẫn phải tuân lệnh Ấu Chúa. Đơn giản – Ấu Chúa mới là chủ nhân, chứ không phải là quân sư.

 

(*) Dĩ nhiên: Ở đây đang bàn mối quan hệ giữa Nhân dân và Nhà nước; còn trong quan hệ giữa nhóm đa số và thiểu số, thì nhóm đa số không thể thông qua trưng cầu dân ý để tước đoạt nhân quyền của nhóm thiểu số. Hay nói cách khác, vấn đề nhân quyền, công lý không thể dùng trưng cầu dân ý để quyết định.

(**) http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-can-bo-2d-con-rat-nhieu-860700.tpo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới