Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chế tài nào đối với việc sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép?

Nguyễn Triệu Xuân Nhi(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một số người có ảnh bị đăng trên các nền tảng mạng xã hội mà không được hỏi ý kiến thường chọn cách xử lý tình huống kiểu dĩ hòa vi quý: “gửi yêu cầu gỡ bỏ ảnh”. Nhưng cách ứng xử này vô hình trung khiến tình trạng “một tấm ảnh cả nhà dùng” trái phép đã khó càng khó giải quyết hơn.

Hiện nay, tình trạng lạm dụng hình ảnh cá nhân diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Có những nhãn hàng dùng hình ảnh các nghệ sĩ và người nổi tiếng vào mục đích quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng mà chưa nhận được sự đồng ý của họ. Thậm chí, những bài đăng hoặc “dòng trạng thái” chứa nội dung bôi nhọ, tố cáo, kèm theo hình ảnh một người cụ thể có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến.

Những “nạn nhân”, đặc biệt là người nổi tiếng, vì sợ phiền toái nên thường chọn cách im lặng hoặc chỉ yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh mà không muốn tiến hành các biện pháp pháp lý như khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều này vô hình trung khiến tình trạng không được giải quyết một cách triệt để.

Ranh giới giữa trái phép và không trái phép

Theo Hiến pháp 2013, mọi người đều có “quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín” (điều 21.1). Đây là quy định có phạm vi bảo vệ bao quát. Đối với việc sử dụng hình ảnh của cá nhân cũng như quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, pháp luật đã cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật chuyên ngành như Bộ luật Dân sự, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng và Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Bên cạnh đó, nếu việc sử dụng hình ảnh người khác có phát sinh mục đích thương mại thì người sử dụng hình ảnh phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Người nào sử dụng hình ảnh của người khác không theo các quy định của pháp luật đồng nghĩa với sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép và buộc phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại.

Tại các trường hợp sử dụng hình ảnh của cá nhân cho mục đích quảng cáo, sự chấp thuận từ người có hình ảnh cũng đóng vai trò tương tự trong việc xác định một hành vi sử dụng hình ảnh là có trái phép hay không, theo Luật Quảng cáo.

Như vậy, chỉ cần sử dụng hình ảnh người khác mà không có sự đồng ý của họ, người sử dụng hình ảnh đã vi phạm pháp luật, chưa cần phải xét đến hành vi đó có xâm hại đến danh dự, uy tín cũng như đời sống riêng tư, bí mật cá nhân hay không.

Ngoài phải bồi thường thiệt hại, người sử dụng hình ảnh trái phép còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là truy tố hình sự. Xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, mức phạt tiền có thể dao động từ 20-40 triệu đồng (Nghị định 38/2021).

Ngoài ra, người sử dụng hình ảnh trái phép có thể bị phạt từ 10-30 triệu đồng nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và/hoặc xâm phạm đời sống cá nhân, bí mật đời tư của người khác trên mạng xã hội (Nghị định 15/2020). Còn với xử phạt hình sự, “thủ phạm” sử dụng hình ảnh người khác trái phép có thể bị cấu thành tội làm nhục người khác.

Tuy nhiên, cần lưu ý không phải trong mọi trường hợp, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không xin phép đều là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 32.2 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép một số trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó, cụ thể là trong các trường hợp: sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

“Việc dân sự cốt ở đôi bên”: khi “nạn nhân” từ bỏ quyền bảo vệ hình ảnh của mình

Trong quan hệ pháp luật dân sự, nguyên tắc hòa giải giữa các bên luôn được ưu tiên và khuyến khích, chỉ khi giữa các bên không thể có tiếng nói chung, thủ tục tố tụng mới được xét đến.

Trong thực tế, với tốc độ lan truyền nhanh chóng hình ảnh trên mạng xã hội, hầu như rất khó tìm ra “thủ phạm” của các vụ sử dụng, phát tán hình ảnh cá nhân trái phép. Nếu “nạn nhân” muốn tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết như khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, họ vấp phải khó khăn khi phải xác định ai là người phát tán hình ảnh của họ và phải chứng minh có thiệt hại phát sinh.

Điều này khiến các cá nhân bị lan truyền, sử dụng hình ảnh trái phép không chủ động trong việc bảo vệ hình ảnh của mình, mà có khuynh hướng “bỏ qua cho xong chuyện”. Trường hợp này, khó có thể nói là pháp luật đã không bảo vệ “nạn nhân”.

Pháp luật chưa theo kịp

Dù đã có những quy định về việc bảo vệ hình ảnh cá nhân và xử lý đối với các hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, pháp luật hiện hành vẫn tồn tại một số bất cập cần bổ sung các quy định để sớm khắc phục.

Thứ nhất, pháp luật chưa quy định rõ ràng các trường hợp sử dụng hình ảnh không cần phải xin phép. Cụ thể, như thế nào là lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc hoạt động công cộng? Nếu vẫn không quy định rõ thì khi có tranh chấp, không thể xác định liệu hành vi sử dụng hình ảnh có vi phạm pháp luật hay không.

Thứ hai là quy định về các hoạt động công cộng có tính tương đối. Như đã đề cập, theo Bộ luật Dân sự 2015, hình ảnh từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật có thể được người khác sử dụng mà không cần có sự chấp thuận của người có hình ảnh.

Tuy nhiên, đối với nhiều người (có mặt trong hình ảnh được sử dụng), điều này đã xâm phạm quyền riêng tư của họ. Bởi ở khía cạnh cá nhân, mỗi người có thể có góc nhìn khác nhau về thông tin có liên quan đến họ, có người muốn giữ kín, có người không.

Thứ ba là về quy định mức bồi thường thiệt hại. Khi có tranh chấp xảy ra, khoản bồi thường thiệt hại phải được căn cứ dựa trên quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015 (theo điều 592.2).

Tuy nhiên, trong môi trường mạng xã hội vốn không phân biệt không gian và thời gian, việc xác định mức thiệt hại là không dễ dàng. Không chỉ vậy, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống người vi phạm là vi phạm thứ cấp nếu như họ mở rộng mạng lưới chia sẻ hình ảnh “nạn nhân” một cách gián tiếp. Đối với trường hợp này, cơ chế chịu trách nhiệm cho họ là gì, họ có phải bồi thường thiệt hại không, nếu có thì ở mức nào là hợp lý?

Gần đây, vào ngày 7-2-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP, thông qua hồ sơ của việc xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tại dự thảo của nghị định này, hình ảnh cá nhân sẽ được bảo vệ dưới dạng dữ liệu cá nhân, bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Dự thảo còn quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu bao gồm: quyền đồng ý; quyền truy cập; quyền rút lại sự đồng ý; quyền xóa dữ liệu; quyền hạn chế xử lý dữ liệu; quyền cung cấp dữ liệu; quyền phản đối xử lý dữ liệu; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; quyền tự bảo vệ, cùng với các nghĩa vụ tương ứng.

Hy vọng trong tương lai, với sự ban hành nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan, pháp luật Việt Nam sẽ tăng cường cơ chế bảo vệ hình ảnh cá nhân trên môi trường kỹ thuật số nói chung và mạng xã hội nói riêng.

(* )Công ty Luật Phuoc & Partners

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới