Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chế tạo thiết bị cho dự án nhiệt điện: Đừng để “chết yểu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chế tạo thiết bị cho dự án nhiệt điện: Đừng để “chết yểu”

Ngọc Lan

Một góc Nhà máy Uông Bí mở rộng 1, dự án nhiệt điện hiếm hoi do doanh nghiệp nội địa là Lifama làm tổng thầu EPC. Ảnh: TTXVN.

(TBKTSG) – Sự chậm trễ của các dự án nhiệt điện, tình hình nhập siêu từ Trung Quốc mà phần lớn do các hợp đồng tổng thầu EPC nước này đã và đang thực hiện trong các ngành năng lượng, khai khoáng… ở Việt Nam khiến nhiều người đặt câu hỏi về chương trình cơ khí trọng điểm của nước ta, trong đó có “dự án nghiên cứu chế tạo thiết bị đồng bộ nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 300 MW” đã được Chính phủ chỉ đạo hơn hai năm nay.

Dự án nói trên, hay gọi tắt là dự án thí điểm EPC cho các nhà máy nhiệt điện 300 MW được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009, sau nâng lên EPC cho dự án nhiệt điện 600 MW (vì quy hoạch Tổng sơ đồ điện VI không còn dự án nhiệt điện 300 MW) và chỉ định áp dụng kết quả nghiên cứu, thiết kế vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3 (công suất 600 MW), Long Phú 2 (600 MW) hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Mục đích của chương trình này xuất phát từ nhu cầu cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện chạy than là rất lớn. Đến năm 2015, tổng công suất lắp đặt các nhà máy chạy than khoảng 106.000 MW trên tổng công suất nguồn 170.000 MW (chiếm khoảng 62%). Nếu chủ động được việc thiết kế, cung cấp thiết bị, Việt Nam cũng chủ động được tiến độ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm nhập siêu. Với các dự án thủy điện, giá trị thiết bị và lắp đặt thường chỉ chiếm 20-30% tổng đầu tư và công nghệ ít biến đổi, nhưng ở các dự án nhiệt điện, chi phí thiết bị và công nghệ thường chiếm tỷ lệ rất cao (75-80%), công nghệ lại biến đổi nhanh. Đảm nhận tổng thầu EPC nhiệt điện than phức tạp nhưng đổi lại có doanh thu lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, hiện có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang làm tổng thẩu EPC hoặc là đối tác đầu tư cho 41 dự án lớn ở Việt Nam mà chủ yếu là dự án nhiệt điện. “98% công nghệ cũng là của họ luôn”, ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), bổ sung. Do cơ chế đấu thầu dự án của Việt Nam cho phép giá chào thầu là giá mua nên các doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam không có cửa so với các nhà thầu Trung Quốc.

Khi chưa sửa được Luật Đấu thầu, việc cho phép thí điểm chế tạo và áp dụng vào hai dự án nhiệt điện nêu trên cũng có thể là một lối thoát mở đường cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Nhưng ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cho biết việc thí điểm EPC ở hai dự án nêu trên đến nay đã không còn. Cách đây một năm Chính phủ đã chỉ đạo chuyển việc thí điểm sử dụng thiết bị nội sang dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I – Nghệ An (2X 600 MW). Dự án này cũng chỉ ở giai đoạn chuẩn bị triển khai. Trong khi đó, nếu việc thí điểm EPC được thực hiện đến nơi ở dự án Nhiệt điện Hải Phòng 3 thì gói thầu EPC trị giá 500 triệu đô la Mỹ/650 triệu đô la tổng vốn đầu tư cho dự án có thể đã không về tay liên danh nhà thầu Dongfang (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản).

Sự teo tóp của dự án thí điểm (từ hai dự án xuống còn một dự án) đã nói lên phần nào sự chuẩn bị thiếu đầy đủ của các bên được giao thực hiện, trong đó đầu mối là Bộ Công Thương. Tuy nhiên, dự án Quỳnh Lập I đến nay cũng mới ở giai đoạn lập báo cáo khả thi (FS) và chưa biết đến khi nào mới có thể triển khai thực tế, theo lời ông Trụ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thụ, thất bại trong hai dự án thí điểm xuất phát từ thực tế là khâu tổ chức điều hành dự án, năng lực thiết kế tư vấn các gói thầu EPC nhiệt điện của Việt Nam rất yếu. Vì vậy việc liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu để tổ chức lại lực lượng, tận dụng khả năng của đối tác là tất yếu.

Chính phủ đã có cơ chế chính sách tháo gỡ cho các nhà thầu cơ khí trong nước bằng cách ban hành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (0%) đối với các thiết bị, vật tư nhập khẩu để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong đó có các dự án nhiệt điện. Việc chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC cũng đã được chỉ thị rõ ràng theo hướng các chủ đầu tư khi mời thầu phải chia nhỏ các gói thầu riêng biệt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia. Thậm chí, gói thầu EPC mà nhà thầu trong nước có thể đảm nhiệm được trên 50% thì chỉ tổ chức đấu thầu trong nước.

Vấn đề còn lại là sự theo đuổi của các doanh nghiệp cơ khí trong nước và sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ. Các dự án chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng… góp phần rất lớn làm giảm nhập siêu không thể để “chết yểu” một cách dễ dàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới