Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chết dở vì Trifluralin!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chết dở vì Trifluralin!

Hồ Hùng

Chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL – Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL… đang rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở”, mà lỗi không hoàn toàn thuộc về họ.

“Riêng tại Sóc Trăng, có sáu nhà máy chế biến tôm lớn thì bốn nhà máy đã nằm trong danh sách “đen”, trong đó có hai nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động xuất khẩu vào Nhật nếu căn cứ theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT)”, ông Hồ Quốc Lực, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nói vậy. Riêng nhà máy của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nơi ông Lực làm Tổng giám đốc, cũng ngừng hoạt động xuất khẩu sang Nhật từ giữa tháng 11 này. “Nhà máy nào có xuất thủy sản sang Nhật đều bị đình đốn”, ông nói thêm.

Nguyên do, theo ông Lực, trong vòng sáu tháng, nếu một doanh nghiệp cùng mắc lỗi tương tự hai lần ở một thị trường nào đó thì sẽ phải bị ngưng hoạt động sáu tháng để khắc phục. Và vừa qua, không ít doanh nghiệp đã bị phía Nhật kiểm tra, phát hiện dư lượng Trifluralin, cloramphenicol vượt mức giới hạn cho phép…

Chính vì vậy, gần đây Công ty TNHH Việt Nam Northern Viking đã phải có công văn, kiến nghị Bộ NN&PTNT, xem xét lại các biện pháp gần như “cấm cửa” các doanh nghiệp xuất hàng đi Nhật. Bởi nếu doanh nghiệp nào chỉ trông cậy vào thị trường này sẽ buộc phải giải thể hoặc phá sản mà không có cơ hội khắc phục. Thị trường Nhật là một trong ba thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu hàng năm.

Doanh nghiệp khó lường!

Nếu nông dân đã quen dùng những loại thuốc có chứa chất Trifluralin, lẽ ra điều cần làm ngay là Bộ NN&PTNT phải công bố những sản phẩm thay thế có công năng tương tự. Nhưng đó là điều vẫn còn phải… chờ!

Sau khi phát hiện ba lô hàng của Việt Nam có dư lượng Trifluralin, cloramphenicol vượt mức giới hạn cho phép, từ ngày 21-10, Nhật đã quyết định kiểm tra 100% các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Mới đây, theo ông Lực, cả thị trường Mỹ, EU cũng đang “hăm he” áp dụng cách thức trên. “Nếu vậy thì rất kẹt! Không ít con tôm nuôi ở ĐBSCL hiện đang bị nhiễm chất này từ thuốc diệt cỏ, diệt tảo… có xuất xứ từ Thái Lan”, ông nói.

Theo một số doanh nghiệp, ngay sau đó các nhà nhập khẩu của Nhật đã “răn đe”, sẽ hoàn trả toàn bộ lô hàng, thậm chí thu hồi các sản phẩm tôm Việt Nam đang lưu hành tại Nhật, nếu phát hiện có chất Trifluralin. Trước mắt, nhiều lô hàng xuất khẩu sang thị trường này đang bị ép giảm giá.

Trifluralin là loại chất có thể thẩm thấu qua da, đường tiêu hóa… của con tôm nuôi, nếu môi trường nước bị nhiễm chất này. Trong sản xuất nông nghiệp, khi sử dụng các loại nông dược có hàm lượng Trifluralin, nếu dư thừa và ngấm vào nguồn nước thì rất dễ ảnh hưởng đến các khu vực nuôi thủy sản lân cận.

Sau khi phát sinh sự cố, ngày 12- 11-2010, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã gửi công văn tới các doanh nghiệp và các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng, hướng dẫn triển khai Quyết định số 2985/QĐ-BNN-QLCL về việc áp dụng biện pháp kiểm soát dư lượng Trifluralin đối với các lô hàng tôm nuôi và cá tra, ba sa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Những doanh nghiệp từng bị phát hiện hàng lỗi, sẽ phải chịu kiểm tra 100% các lô hàng rồi mới cấp chứng nhận cho xuất. Theo đó, NAFIQAD cũng yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung kiểm soát mối nguy Trifluralin trong kế hoạch thực hiện HACCP của các sản phẩm tôm nuôi và cá tra, ba sa sản xuất tại cơ sở, chủ động lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu Trifluralin đối với nguyên liệu tại cơ sở nuôi trước khi mua, lấy mẫu thẩm tra đối với thành phẩm…

Tuy nhiên, theo Công ty TNHH Việt Nam Northern Viking, nguyên nhân nhiễm Trifluralin phát sinh từ ngay khâu nuôi, nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hải Triều, Tổng giám đốc công ty này, cho rằng không một doanh nghiệp nào có thể tự xét nghiệm, kiểm tra hết các hóa chất, kháng sinh cấm nhằm loại trừ các lô nguyên liệu không an toàn.

Còn nếu phía NAFIQAD kiểm tra, sẽ khiến tăng chi phí, thời gian của các doanh nghiệp. Trong khi cách giải quyết căn cơ và hữu hiệu nhất là loại trừ những sản phẩm có chứa chất này ra khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, lại không được thực hiện kiên quyết!

Quá chậm

Năm 2009, EU từng cảnh báo phía Việt Nam về một số lô hàng bị nhiễm loại chất này. Và ở thị trường Nhật, lô

hàng thứ nhất bị phát hiện ngay từ hồi đầu năm. Nhưng mãi đến ngày 2-4-2010, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư số 20, có hiệu lực sau 45 ngày, bổ sung Trifluralin vào danh mục các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Nhưng theo ông Lực, điều lạ là một số chế phẩm có chứa chất này vẫn được phép lưu hành!

Và đến ngày 4-11, sau “sự cố” thị trường Nhật và phản ứng quyết liệu từ phía VASEP, cũng như một số công văn “khẩn cầu” của các doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư số 64, loại hẳn các loại thuốc có chứa Trifluralin và chỉ đạo các địa phương kiểm tra. Nhưng do kiểm tra thị trường hời hợt, nên theo ông Lực: “Hiện cũng không khó để tìm mua các loại thuốc này ngay tại Sóc Trăng”.

Nếu nông dân đã quen dùng những loại thuốc có chứa chất Trifluralin, lẽ ra điều cần làm ngay là Bộ NN&PTNT phải công bố những sản phẩm thay thế có công năng tương tự. Nhưng đó là điều vẫn còn phải… chờ!Hiện giờ, mọi thứ có lẽ đều trút lên đầu doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới