(KTSG) - Trong tháng 8 và 11 năm nay, mì ăn liền của hai công ty Việt Nam tiếp tục bị thu hồi vì có chứa chất cấm ethylene oxide (EO), lần này là từ các lô hàng xuất khẩu sang Đài Loan (TFDA). Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp “báo cáo gấp” - tương tự như sau khi xảy ra vụ thu hồi mì ăn liền ở Ireland cách đây một năm. Không rõ các giải pháp đã được triển khai ra sao mà tình trạng nhiễm EO tiếp tục tái diễn ngày càng nhiều hơn?
- Hành trình đi đến kỷ lục 30 tỉ gói mì của Hảo Hảo
- Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng sự việc mì Hảo Hảo có chất cấm
Cách đây hơn một năm, vào tháng 9-2021, sau khi một số lô mì ăn liền Hảo Hảo, miến Good và mì khô Thiên Hương của Việt Nam xuất sang Ireland bị thu hồi do có chứa chất EO, Chính phủ đã chỉ đạo khẩn yêu cầu các bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.
Trong văn bản do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế căn cứ quy định tại điều 62 Luật An toàn thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất EO bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương rà soát, cập nhật và thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Có thể thấy chỉ đạo của Chính phủ rất cụ thể và đầy đủ, thế nhưng sau một năm, tình trạng mì ăn liền xuất khẩu bị phát hiện nhiễm EO của Việt Nam vẫn tiếp diễn. Mới đây nhất, hôm 15-11-2022, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (TFDA) công bố lô hàng 945 ki lô gam mì ăn liền hiệu Gấu Đỏ có hàm lượng EO trong cả gói gia vị (3,438 mi li gam/ki lô gam) lẫn trong vắt mì (0,107 mi li gam/ki lô gam). Trước đó, cũng tại Đài Loan, một lô 1,4 tấn mì ăn liền hiệu Omachi nhập khẩu từ Việt Nam được công bố có hàm lượng EO là 0,195 mi li gam/ki lô gam trong gói gia vị.
EO có tác dụng khử trùng, thường được dùng để diệt các loại vi khuẩn gây ẩm mốc. Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng sẽ có thể còn tồn dư lại một lượng EO. Hiện chưa có nghiên cứu hàm lượng EO bao nhiêu thì gây hại nhưng theo các nhà y học, việc EO tích lũy dần trong cơ thể con người có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều nước trên thế giới có quy định khác nhau về EO trong thực phẩm, có nước mức cho phép rất thấp, có nước lại không cấm dùng EO (trong đó có Việt Nam).
Việc thực phẩm nhiễm chất EO tất nhiên trách nhiệm đầu tiên là thuộc về doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, việc khắc phục tình trạng này còn phụ thuộc vào các quy định của Việt Nam. Hiện nay tại Việt Nam, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo Tuổi Trẻ Online ngày 25-7-2022, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và ngưỡng EO tại Việt Nam cho nhóm thực phẩm khô như mì, miến… Tuy nhiên, cho đến nay bộ này vẫn còn nghiên cứu cơ sở khoa học và sau đó còn phải thống nhất ý kiến với Bộ Y tế nên chưa rõ khi nào Việt Nam mới có quy định ngưỡng giới hạn cho phép chất EO.
Thực phẩm nhiễm EO không chỉ gây thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu sản phẩm Việt Nam mà còn khiến người tiêu dùng trong nước hoang mang, lo sợ.
Sự lo ngại của người dân là có cơ sở vì nhiều nước đã thắt chặt kiểm soát chất EO trong thực phẩm, kể cả nước láng giềng Campuchia. Với các loại chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe như EO thì trong khi chờ quy chuẩn chính thức, cơ quan chức năng nên có quy định tạm thời về kiểm soát định lượng EO để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, không thể để tình trạng lơ lửng kéo dài hàng năm như hiện nay.
--------------
(*) https://tuoitre.vn/chua-ro-khi-nao-co-quy-dinh-ve-chat-eo-20220725004103445.htm
Không có gì lạ. Câu chuyện này xảy ra như cơm bữa ở ta. Thế nên mới có chuyện, người giục, người đủng đỉnh, cuối cùng chỉ có người tiêu dùng là lãnh đủ. Chưa kể, có những chuyện lúc đầu chỉ đạo có vẻ rầm rộ, sau đó tự dưng dần biến mất trên công luận.