Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chỉ dấu tích cực dòng vốn ngoại vào Việt Nam

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam đang từng bước khởi sắc sau một thời gian dài suy giảm cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của nền kinh tế gần 100 triệu dân tiếp tục tăng lên.

Không có con số thống kê cụ thể nhưng các chuyên gia kinh tế, nhà tư vấn đầu tư và nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho rằng Việt Nam ngày càng hưởng lợi trong xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong xu hướng Trung Quốc + 1 tiếp diễn với các doanh nghiệp toàn cầu.

Sau thời gian dài bị sụt giảm, vốn FDI 2 tháng gần đây đã tăng trở lại. Ảnh minh họa: TL

Dòng vốn tăng trở lại

Liên tục sụt giảm trong 6 tháng đầu năm nhưng vốn FDI vào Việt Nam đã phục hồi trở lại trong 2 tháng vừa qua. Đáng kể nhất là dự án tăng vốn thêm 1 tỉ đô la Mỹ của LG Innotek đã giúp vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng trở lại đạt gần 16,24 tỉ đô la trong 7 tháng đầu năm, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Bước sang tháng 8, dù không có dự án tỉ đô la nhưng cũng có dự án nhà máy Innovation Precision tại VSIP Nghệ An của Greenwich Management Limited được cấp phép đầu tư và sẽ dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10-2024.

Do 2 tháng gần đây có sự gia tăng vốn đầu tư trở lại cũng như sự góp mặt của một vài dự án quy mô lớn được cấp phép dẫn đến tính chung trong 8 tháng đầu năm nay (đến ngày 20-8-2023), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỉ đô la, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này được xem là một chỉ dấu tích cực để có thể đánh giá dòng vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu gia tăng trở lại.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng cả nước có 1.924 dự án đầu tư mới, tăng 69,5%, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỉ đô la, tăng 39,7%; số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn cũng tăng gần 23%, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỉ đô la; đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 4,47 tỉ đô la, tăng gần 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ vào các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ, vị trí địa lý chiến lược cùng với chi phí vận hành ưu đãi… thị trường Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là điểm đến được các nhà đầu tư cân nhắc và lựa chọn nơi lý tưởng để đầu tư.

Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế có kim ngạch ngoại thương lớn nhất thế giới, là một trong những địa điểm được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đang được thực thi, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát hiệu quả; môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện...

Dòng vốn sẽ tiếp tục tăng nhờ...

Chia sẻ về lợi thế trong thu hút đầu tư của Việt Nam tại diễn đàn bất động sản công nghiệp diễn ra mới đây tại TPHCM, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, cho rằng Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục như thế này, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn. Hiện các nhà đầu tư đang nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong chính sách đầu tư và nhiều hỗ trợ rất cụ thể từ phía chính quyền địa phương.

Theo ông Bruno Jaspaert, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các FTA. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế (CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...) đã mang lại lợi thế thương mại đáng kể, giúp gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư.

Giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. "Xu hướng Trung Quốc+1 cũng đang trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, chiếm khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất rời khỏi Trung Quốc", ông nói.

Các nhà cho thuê bất động sản công nghiệp và tư vấn đầu tư đánh giá Việt Nam đang hưởng lợi về sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn quốc tế và xu thế "Trung Quốc + 1" tiếp diễn. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Tương tự, nói về đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các tập đoàn, theo ông Tom Over, Giám đốc hậu cần và khu công nghiệp, Công ty JLL khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được các nhà đầu tư quan tâm khi tìm kiếm địa điểm cho sự chuyển dịch. Và Việt Nam đang là điểm đến được hưởng lợi trong xu thế này.

“Xét tính bền bỉ của chuỗi cung ứng và những gì đang diễn ra tại Đông Nam Á thì Việt Nam liên tục đứng thứ nhất, thứ hai về các chỉ số đầu tư”, ông Tom Over nói, và cho rằng: "Tương lai của bất động sản khu công nghiệp ở Việt Nam rất nhiều triển vọng. Trong khoảng 7 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng không ngừng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp”.

Ông Paul Fisher, Giám đốc quốc gia của JLL Việt Nam, chia sẻ rằng công ty nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, trong đó một số nhà đầu tư đã bắt đầu tiến hành 'chốt" các giao dịch tại thị trường Việt Nam. Kỳ vọng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.

“Hiện tại, giới đầu tư đang xem xét các khoản đầu tư đa dạng trên khắp Đông Nam Á. Một số nhà đầu tư đang định vị địa điểm để đặt văn phòng làm việc và như vậy, nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam có thể được “chốt” cuối năm nay”, ông Paul Fisher nhấn mạnh.

Không chỉ những ý kiến trên mà đánh giá chung của các tổ chức quốc tế đều có những nhận định tương tự rằng cơ hội thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam rất lớn.

Trong báo cáo thường kỳ “ASEAN Next” được HSBC công bố vào cuối tháng 6 vừa qua, ngân hàng này đã có phần đánh giá chi tiết về sự bùng nổ vốn FDI vào khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình.

“Khi nghĩ đến những câu chuyện thành công về các nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI, Việt Nam là một ví dụ nổi bật: Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng”, báo cáo của HSBC viết.

Nhận định của các chuyên gia HSBC cũng cho rằng Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.

"Chúng tôi tin rằng chiến lược thu hút FDI cạnh tranh và những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI chất lượng, yếu tố chính giúp nền kinh tế tiến lên trong chuỗi giá trị”, HSBC đánh giá.

Nhưng cần tiếp tục cải thiện hơn nữa

Tuy nhiên cùng với cơ hội thì không ít thách thức với nền kinh tế gần 100 triệu dân khi mà các nước trong khu vực ngày càng cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư.

Cùng với cơ hội thì không ít thách thức với nền kinh tế gần 100 triệu dân khi mà các nước trong khu vực ngày càng cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư.. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Nhận diện các dòng vốn mới, ông Paul Wee, Giám đốc tài chính Công ty BW Industrial, cho rằng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây và Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nhất.

Để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, ông kiến nghị Việt Nam cải thiện 3 vấn đề. Đó là cơ sở hạ tầng cần có thêm các tuyến cao tốc. "Các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn thấy sự đảm bảo cam kết thời gian hoàn thành đúng hạn. Khi các dự án hạ tầng trọng điểm được đảm bảo tiến độ thì sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt, nhưng hiện đang có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm bị trễ hẹn”, ông Paul Wee nói.

Với những nhà đầu tư lớn, họ cũng cần sự đảm bảo về việc cung cấp năng lượng. “Họ sẽ không chấp nhận việc được thông báo cắt điện trước 3 ngày và nhà máy của họ bị cắt điện 24 giờ gây thiệt hại trong sản xuất”, ông Paul Wee lưu ý.

Mặt khác, nếu muốn thu hút nhà đầu tư công nghệ, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thì vấn đề đào tạo là rất quan trọng. Những tập đoàn quốc tế luôn cần có nguồn nhân lực lành nghề từ nước sở tại. “Chúng ta có mục tiêu muốn đưa Việt Nam trở thành số 1 ở Đông Nam Á thì phải thay đổi. Ba yếu tố tôi vừa nói sẽ là thách thức có thể làm nhà đầu tư ngần ngại”, ông Paul Wee nói.

Tương tự, ông Bruno Jaspaert của DEEP C, lưu ý Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số nên sẽ có ít lao động hơn trong tương lai cũng như nhiều người sẽ không đồng ý làm việc với mức lương thấp. Bên cạnh đó, dự đoán trong vòng 5 năm tới có thể sẽ thiếu điện sản xuất khi có quá nhiều nhà đầu tư, nên cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ bây giờ.

Trong báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng thời điểm áp dụng thuế tổi thiểu toàn cầu (GMT) đang ngày càng tới gần, sẽ làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy định thuế mới này. Để thích ứng với GMT, các quốc gia trong khu vực đang dần áp dụng thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn, Việt Nam vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh và phải chờ tới kỳ họp Quốc hội tiếp theo trong tháng 10-2023.

Một điểm đáng chú ý khác đó là các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo nên nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Theo ông Bruno Jaspaert, do các nước áp dụng thuế carbon nên các nhà sản xuất quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo. Do vậy, các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn lao động. Điều này giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho các khu công nghiệp đang định hướng trở thành khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới