Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chi hàng trăm triệu đô la nhập máy móc chế biến gỗ mỗi năm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để sản xuất chế biến gỗ đáp ứng nhu cầu của các thị trường nhập khẩu, mỗi năm doanh nghiệp trong nước ngành này bỏ ra khoảng 240 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu máy móc, thiết bị.

Nhiều máy móc, công nghệ chế biến gỗ hiện đại của các nước mang đến giới thiệu tại VietnamWood 2023. Ảnh: L. Hoàng

Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết như trên tại buổi khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về máy móc và thiết bị công nghiệp ngành chế biến gỗ 2023 (VietnamWood 2023) tại SECC, TPHCM, ngày 20-9.

Mặt khác, số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cũng cho thấy các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đang nhập rất nhiều máy móc, thiết bị, với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong đó nhiều nhất là máy móc công nghệ đến từ Trung Quốc. Số còn lại là từ thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng còn thấp.

Theo ông Phùng Quốc Mẫn, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ năm trên thế giới với nhu cầu đáng kể về máy móc và linh kiện chế biến gỗ. Triển lãm VietnamWood 2023 diễn ra đúng thời điểm khi ngành gỗ đang có dấu hiệu cho sự phục hồi trở lại, chuẩn bị bắt nhịp vào một chu kỳ mới sau thời gian dài thách thức trước biến động kinh tế.

Cụ thể, theo vị đại diện của HAWA, một số tín hiệu được ghi nhận ở thị trường quốc tế cho thấy, lạm phát ở Mỹ đang giảm dần, chỉ số tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại, hàng tồn kho nội thất giảm, ngành xây dựng đang trải qua sự gia tăng về cầu...

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, từ đầu quí 3/2023 tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng đã có những tín hiệu phục hồi khả quan. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 vừa qua đã đạt trên 1,1 tỉ đô la sau thời gian dài sụt giảm.

Đại diện HAWA cho rằng đây là tín hiệu tốt để các nhà gia công, sản xuất đồ gỗ trong nước có bước chuẩn bị đầu tư máy móc công nghệ khi thị trường từng bước phục hồi.

Những công nghệ chế biến gỗ tiên tiến trên thế giới, những giải pháp nhà máy thông minh, nhiều ứng dụng mới về nguyên vật liệu, phụ kiện từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự tại VietnamWood 2023 sẽ là cơ hội để các nhà sản xuất, chế biến đồ gỗ tìm hiểu đầu tư.

Điểm đáng chú ý, theo Ban tổ chức, ngoài những nhà cung cấp công nghệ khu vực châu Á vốn chiếm đa số, VietnamWood 2023 còn thu hút khá nhiều máy móc công nghệ hiện đại của doanh nghiệp khu vực châu Âu.

Đơn cử như Ý có 7 doanh nghiệp tham gia sự kiện lần này, trong đó có 6 doanh nghiệp tìm kiếm nhà phân phối ở Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp công nghệ chế biến đồ gỗ nước này đánh giá Việt Nam đang là đất nước có tiềm năng phát triển ngành sản xuất và chế biến đồ gỗ lớn trên thế giới và đang thu hút các nhà mua hàng quốc tế về mặt hàng này nên sẽ có nhu cầu lớn về máy móc thiệt bị công nghệ hiện đại cho sản xuất.

Ông Cao Duy Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vĩ Đại (VETTA), đơn vị phân phối máy móc, công nghệ chế biến đồ gỗ, cho rằng thời gian qua nhu cầu mua máy móc công nghệ của các doanh nghiệp gỗ sụt giảm do thị trường đồ gỗ thế giới sụt giảm.

Tuy nhiên, ông Tâm dự báo nhu cầu mua sắm máy móc, công nghệ của các nhà sản xuất ngành đồ gỗ sẽ tăng lên trong thời gian tới khi mà tình hình thị trường đồ gỗ thế giới đang có dấu hiệu ấm lên. "Khi nhu cầu thị trường tăng trở lại thì các doanh nghiệp sản xuất sẽ gia tăng đầu tư máy móc thiết bị để đáp ứng thị trường", ông Tâm nhận định, và cho biết Việt Nam là điểm đến của nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, trong bối cảnh sức ép đơn hàng lớn nhưng lượng công nhân có xu hướng giảm dần, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã ưu tiên đầu tư máy móc tương đối nhiều vào những năm gần đây. Tuy nhiên, với tiềm năng của ngành cũng như so với các quốc gia xuất khẩu gỗ khác, việc đầu tư máy móc thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Do đó, việc tìm kiếm thông tin về thiết bị máy móc tiến tiến trong ngành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đang được nhiều doanh nghiệp gỗ lưu ý.

Theo dự báo của đại diện HAWA, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỉ đô la, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 -14,5 tỉ đô la.

Như vậy, nếu đúng như dự báo của HAWA thì kim ngạch xuất khẩu năm 2023 khó có thể đạt mục tiêu 17 tỉ đô la như đã đề ra hồi đầu năm.

Ở chiều ngược lại, từ tháng 5-2023 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập về bình quân tăng 5 – 10%/tháng. “Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp gỗ đang tích cực chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm”, ông Phương cho biết.

VietnamWood 2023 thu hút hơn 320 nhà triển lãm của hơn 600 gian hàng đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ; giới thiệu các dòng sản phẩm chế biến gỗ mới nhất, và tham gia vào các sự kiện, hoạt động được tổ chức một cách chuyên nghiệp.

Song song đó, Triển lãm quốc tế về thiết bị nội thất, ngũ kim và công cụ ngành công nghiệp gỗ 2023 (Furnitec 2023) cũng được tổ chức kết hợp.

Cả hai sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 20 đến 23-9-2023.

HAWA cùng với Ban tổ chức sẽ mang đến chuỗi hội thảo tập trung vào các vấn đề nổi trội của ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện nay bao gồm: Sản xuất chủ động - Vận hành giản đơn, Nhà máy xanh hướng tới trung hòa carbon, Sức khỏe thiết bị - Bảo trì thông minh, EUDR và chuỗi cung ứng xanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới