Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ là những vở kịch đúng luật, đúng quy trình!

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ba ngày sau khi Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam những người có liên quan đến xì căng đan mua bán kít xét nghiệm giữa Công ty Việt Á và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương), Bộ Y tế đã ban hành một thông báo dài để giải thích những câu hỏi của công luận đặt ra, trong đó nhấn mạnh “việc nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh”.

Thật ra, vấn đề không phải ở chỗ Việt Á “nâng khống” giá bộ kít xét nghiệm, vì công bố giá bán như thế nào, bất kể là cao bao nhiêu, là quyền của doanh nghiệp. Điều bất thường là ở quyết định của người mua và những động cơ ở phía sau để một nhà cung cấp như Việt Á có thể “tự tin” chào sản phẩm với cái giá cao ngất so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Giá kít xét nghiệm của Việt Á cao hơn nhiều đối thủ cạnh tranh khác từ 57-160% nhưng vẫn được CDC Hải Dương chọn mua và đồng thời cũng được các cơ quan y tế ở 62 trong 63 tỉnh thành của cả nước chọn.

Việt Á chỉ là một trong số hàng chục nhà cung cấp hợp pháp kít xét nghiệm ở Việt Nam, nhưng sao lại được đồng loạt các cơ quan y tế và bệnh viện công ở nhiều địa phương “tín nhiệm” đến như vậy. Hơn nữa giá cả của các hợp đồng, dù qua các đợt đấu thầu hoặc xét chọn thầu khác nhau, nhưng lại “thống nhất” một cách kỳ lạ.

Theo các thông tin từ ngành y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật của các địa phương, cho đến nay, ngoại trừ CDC TPHCM đã từ chối mua kít xét nghiệm của Việt Á vì giá cao, còn lại hầu hết các địa phương khác chỉ nói rằng việc mua sắm là “bài bản”, “đúng quy trình” và đúng theo Luật Đấu thầu… mà hầu như không ai giải thích vì sao không chọn nhà cung cấp có giá chào thấp hơn. Chắc chắn lý do bỏ thấp mua cao không liên quan tới chất lượng kít xét nghiệm, vì tất cả đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Việc Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị bắt vì đã nhận “lại quả” gần 30 tỉ đồng cho các hợp đồng trị giá khoảng 150 tỉ đồng mua bán với Việt Á có lẽ là lời giải cho những động cơ đằng sau các quyết định khó hiểu này.

Đáng nói hơn, những khuất tất trong việc mua bán kít xét nghiệm tại CDC Hải Dương, và có thể ở nhiều nơi khác nữa, diễn ra giữa lúc hoạt động chống tham nhũng trong ngành y tế đang ở cao trào. Phải chăng những vụ truy tố, những bản án đã không đủ sức để răn đe.

Trong vụ án này Bộ Y tế cũng chưa hoàn thành trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, điều mà lãnh đạo bộ thường xuyên nói đến trong hơn một năm qua. Với chức trách của mình, lẽ ra Bộ Y tế phải sớm phát hiện ra bất thường khi cùng lúc có quá nhiều cơ quan y tế địa phương trở thành khách hàng của một doanh nghiệp và mua với cái giá “hào phóng” như vậy.

Sau cùng, vụ án kít xét nghiệm một lần nữa cho thấy các quy định, thủ tục đầu tư và chi tiêu công đã không đủ để ngăn ngừa tham nhũng. Nhiều cuộc đấu thầu, chọn thầu dù đúng quy trình, đúng luật nhưng cũng chỉ là một vở kịch. Chừng nào các thông tin liên quan trực tiếp đến hoạt động này vẫn còn bị giữ “kín như bưng”, thì khi ấy vẫn còn những vở kịch đấu thầu đúng quy trình và đúng luật.

2 BÌNH LUẬN

  1. Trước khi đảm bảo “đúng quy trình” thì đòi hỏi phải có “quy trình đúng”. Tuy nhiên mọi quy trình sẽ là vô nghĩa nếu không có một đội ngũ “đúng quy tắc”. Quy tắc là chuẩn mực duy nhất để chi phối sự hoạt động của bộ máy, công ra công, tư ra tư, mỗi sân chơi đều có luật lệ riêng của nó.

  2. TINH là chuẩn mực của lĩnh vực Công, bao gồm: Tinh gọn/ Tinh hoa/ Tinh tấn/ Tinh tường/ Tinh tế. ĐA là chuẩn mực của lĩnh vực Tư, bao gồm: Đa hệ/ Đa năng/ Đa cảm/ Đa mưu/ Đa đoan. Nếu hai bên biết kết nối với nhau vì Việc chung và Nghĩa lớn thì sẽ là hồng phúc cho đất nước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới