Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chi phí loại bỏ trực tiếp carbon từ khí quyển còn quá đắt đỏ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để loại bỏ 1 tấn khí carbon từ khí quyển, các cỗ máy hút carbon hiện nay cần chi phí lên đến gần cả 1.000 đô la Mỹ. Mức chi phí này khó giảm về 100 đô la, mức được xem là con số lý tưởng để công nghệ thu giữ carbon trực tiếp từ không khí có thể cạnh tranh và triển khai rộng rãi.

Phối cảnh nhà máy thu giữ khí carbon trực tiếp thế hệ 3 của Climeworks với công nghệ dựa trên vật liệu hấp thụ có cấu trúc mới được đặt trong các khối mô-đun. Ảnh: Climeworks

Công ty khởi nghiệp (startup) Climeworks (Thụy Sĩ) từng tuyên bố cỗ máy hút carbon của công ty có thể cắt giảm tới 50% chi phí để loại bỏ một tấn carbon khỏi bầu khí quyển. Đây xem là một bước nhảy vọt lớn đối với công ty và ngành công nghiệp thu giữ carbon nói chung. Tuy nhiên, chi phí hút carbon của Climeworks hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của ngành để có thể áp dụng rộng rãi.

Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu và nhà sáng lập của các startup cho biết, mức chi phí 100 đô la Mỹ/tấn là mục tiêu quan trọng để các cỗ máy hút carbon từ không khí xung quanh trở nên cạnh tranh. Giờ đây, các startup bắt đầu điều chỉnh mục tiêu này vì nhận thấy khó có thể đạt được. Điều đó có nguy cơ làm suy giảm niềm tin vào một ngành công nghiệp mới mà thế giới sẽ cần để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Vào năm 2017, Christoph Gebald, đồng CEO của Climeworks khẳng định, công ty có thể giảm chi phí hút carbon xuống 100 đô la/tấn. Trong cùng năm đó, David Keith, doanh nhân công nghệ tiên phong trong lĩnh vực hút carbon trực tiếp từ không khí và là người sáng lập Carbon Engineering (Canada) cũng đề xuất một lộ trình để đạt mức chi phí thu giữ carbon dưới 100 đô la/ tấn. Đến hiện tại, Jan Wurzbacher, đồng CEO của Climeworks thừa nhận, mức giá thấp như vậy sẽ không thể đạt được do lạm phát.

Climeworks cho biết, công nghệ mới của công ty có giúp thể thu hồi carbon từ không khí với giá 250-350 đô la/tấn vào năm 2030. Nhưng Wurzbacher tiết lộ, chi phí hút carbon hiện tại của công ty là gần 1.000 đô la/ tấn. Các ước tính mới nhất cho thấy, khách hàng đang trả trung bình 715 đô la/tấn để các công ty như Climeworks sử dụng máy móc để làm sạch carbon từ bầu trời bằng quy trình được gọi là thu giữ khí carbon trực tiếp (DAC).

Trên thực tế, kể từ những tuyên bố táo bạo ban đầu đó, các nhà khoa học và ngành công nghiệp thu giữ carbon đã âm thầm hạ thấp tham vọng. Có khả năng các startup như Climeworks và Carbon Engineering sẽ không bao giờ đạt được chi phí mục tiêu là 100 đô la cho mỗi tấn carbon thu giữ rồi chôn cất, được coi là “chén thánh” của công nghệ DAC, dù công nghệ này phát triển đến mức nào.

“Đó là mục tiêu viển vông”, Howard Herzog, kỹ sư nghiên cứu cao cấp của Sáng kiến ​​năng lượng tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nói và cho biết, carbon trong khí quyển không có nồng độ đủ cao để giúp công nghệ DAC đạt được chi phí thấp.

Quan điểm hoài nghi đối với công nghệ DAC ngày càng phổ biến hơn. Hồi tháng 3, các nhà nghiên cứu của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) công bố một nghiên cứu so sánh chi phí loại bỏ lượng lớn carbon khỏi không khí bằng ba phương pháp khác nhau. Họ ước tính rằng phương pháp DAC của Carbon Engineering sẽ có giá khoảng từ 230-540 đô la Mỹ/tấn trên quy mô lớn.

Climeworks cũng đã điều chỉnh các ước tính và hiện dự đoán, tổng chi phí thu giữ và loại bỏ một tấn carbon sẽ ở mức 400-600 đô la vào năm 2030. Mức giá đó dựa trên chi phí năng lượng, xây dựng nhà máy và các chính sách hỗ trợ cho trợ ngành này, bao gồm chi phí lưu trữ carbon.

Trong bài thuyết trình trước các nhà đầu tư hồi tháng 2, Công ty dầu khí Occidental Petroleum (Mỹ) cho biết, có thể thu hồi carbon ở quy mô lớn với giá từ 125 -200 đô la /tấn. Tuy nhiên, con số này dựa trên một số giả định về chính sách và công nghệ có thể không xảy ra. Năm ngoái, Occidental Petroleum đã mua lại Carbon Engineering với giá 1,1 tỉ đô la.

Sự khác biệt chi phí giữa 100 đô la và 200 đô la là rất nhỏ nếu chỉ xét đến một tấn carbon. Thế nhưng, thế giới có thể sẽ cần phải loại bỏ hàng nghìn tỉ tấn carbon mỗi năm vào giữa thế kỷ này. Nếu chi phí hút carbon cao gấp đôi so với mức mục tiêu lý tưởng 100 đô la/tấn, điều này có thể khiến các chính phủ và tập đoàn không sẵn sàng trả tiền để loại bỏ carbon trực tiếp nhằm chống biến đổi khí hậu.

Kỹ sư Howard Herzog cho rằng, khi quảng bá các mức chi phí thấp không thực tế, ngành công nghiệp thu giữ carbon từ khí quyền có khả năng bị tổn hại uy tín.

Tuy nhiên, Jan Wurzbacher, đồng CEO của Climeworks, tin rằng công ty có thể cắt giảm chi phí hơn nữa. Ông thường xuyên so sánh tương lai của công nghệ DAC với những bước nhảy vọt về hiệu quả và giảm chi phí trong ngành công nghiệp điện gió và mặt trời.

Thời gian sẽ trả lời liệu sự so sánh đó có phù hợp hay không. Chi phí pin mặt trời giảm 35% mỗi khi công suất lắp đặt điện mặt trời trên toàn cầu tăng gấp đôi. Theo Brenna Casey, nhà phân tích công nghệ thu giữ carbon của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg, ngành công nghiệp DAC khó có thể giảm mạnh chi phí theo kiểu như vậy.

Tuy nhiên, ngay cả khi DAC không bao giờ đạt được mục giảm mạnh chi phí, công nghệ này vẫn có thể đóng một vai trò giá trị trong việc giúp làm sạch carbon đã có trong khí quyển. Lợi thế lớn nhất của công nghệ DAC là khả năng đo lường cụ thể từng tấn carbon được hút khỏi khí quyển. Đó có thể là điều cho phép công nghệ này tiếp tục tồn tại ngay cả khi không đạt được mức chi phí hút carbon chuẩn 100 đô la/tấn.

“Bạn thực sự có thể đo được số tấn carbon mà bạn trả tiền để hút khỏi khí quyển. Nếu đặt số carbon dưới lòng đất, bạn có thể cất giữ hàng thiên niên kỷ. Vì vậy, đây thực sự là phương pháp loại bỏ carbon chất lượng cao”, Herzog nói về phương pháp thu giữ carbon dựa trên các cỗ máy.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới