Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chi phí năng lượng tàn phá ngành thời trang châu Âu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các nhà máy thép và lò luyện nhôm đóng cửa trên khắp châu Âu và giờ đây đang lan sang ngành công nghiệp thời trang của lục địa này với một số công ty dệt may đang kiệt quệ vì hóa đơn khí đốt mỗi tháng tăng lên mức gần 10 lần so với năm ngoái.

Một nhà máy nhuộm vải ở  Vaiano, Ý. Ảnh: WSJ

Giá khí đốt tăng vọt, nhà sản xuất dệt may khốn đốn

Hàng nghìn nhà máy và xưởng sản xuất nhỏ cung cấp cho thương hiệu như Gucci và H&M đã chứng kiến ​​mô hình kinh doanh của họ bị xé nát  trong bối cảnh giá điện và khí đốt tăng cao do Nga bóp nghẹt dòng khí đốt đến châu Âu kể từ sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.

Chi phí năng lượng trong tổng chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp dệt may ở châu Âu đã tăng từ 5% lên khoảng 25%, bào mòn gần như tất cả suất lợi nhuận của họ, theo dữ liệu của Hiệp hội dệt may châu Âu (Euratex).

Lo ngại không được thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích và các công ty năng lượng khác đang yêu cầu các công ty dệt may phải có bảo lãnh ngân hàng hoặc ứng trước tiền mặt để trang trải các hóa đơn năng lượng dự kiến ​​trong nhiều tháng. Tại Ý, nhiều nhà sản xuất hàng dệt may cho biết họ không còn có thể thực hiện các thỏa thuận mua năng lượng mà trước đây đã giúp họ tránh khỏi những biến động giá trong ngắn hạn.

Ý và một số nước Nam Âu khác đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) áp đặt giới hạn giá khí đốt bán buôn ở tất cả các nước thành viên, một biện pháp mà Đức và Hà Lan phản đối. Hôm 11-10, Ủy ban châu Âu (EC), cơ hành pháp của EU, đã công bố các đề xuất tìm kiếm quyền lực áp đặt giới hạn khẩn cấp đối với giá khí đốt trên sàn giao dịch thương mại chính của khối.

Hiện tại, tổn thương đang ập đến chuỗi cung ứng, từ các công ty sợi, công ty dệt, những khách hàng tiêu thụ nhiều điện để biến những kiện len thành sợi, cho đến những công ty nhuộm vải sử dụng bồn nước nóng và máy sấy công nghiệp.

Rất khó để nhà sản xuất vải chuyển chi phí năng lượng tăng thêm sang người mua. Đó là chưa kể nhiều nhà sản xuất phải có nghĩa vụ phải giao hàng theo giá đã thỏa thuận từ nhiều tháng trước đó. Giá vải cao hơn có thể sẽ thúc đẩy nhiều công ty thời trang và nhà bán lẻ chuyển hoạt động kinh doanh của họ ra bên ngoài châu Âu.

Thực trạng này đang đe dọa 1,3 triệu việc làm của ngành sản xuất dệt may trên khắp EU.

Alberto Paccanelli, người điều hành một công ty sản xuất hàng dệt may ở miền bắc nước Ý, đã vô cùng sốc khi hóa đơn khí đốt trong tháng 7 của công ty ông tăng vọt lên 660.000 euro so với 90.000 euro vào một năm trước đó.

Paccanelli nói: “Với tình hình này, toàn bộ ngành công nghiệp dệt may châu Âu này có nguy cơ phải dừng kinh doanh”.

Theo các nhà cung cấp, một số thương hiệu thời trang đã chuyển sản xuất sang các nước khác, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chi phí sản xuất thấp hơn thay vì phải chịu thêm chi phí ở các nước như Ý. Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt và dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Enrico Gatti, nhà sản xuất len ​​cung cấp cho Zara, H&M và các thương hiệu khác, cho biết đơn đặt hàng đã giảm 50% trong năm nay đối với công ty ông và các nhà sản xuất dệt khác xung quanh thị trấn Prato, một trung tâm dệt may lớn của Ý.

Lo không được ưu tiên hỗ trợ

Các vấn đề của ngành đang làm lộ ra sự chia rẽ mới giữa châu Âu khi một số thành viên EU nỗ lực dùng ngân sách để bảo vệ các ngành công nghiệp chống chọi chi phí khí đốt tăng cao và một số thành viên khác không đủ khả năng làm như vậy. Đức đã công bố các biện pháp cứu trợ năng lượng trị giá gần 300 tỉ đô để giới hạn giá điện và khí đốt. Pháp có kế hoạch chi 100 tỉ euro cho các biện pháp chống khủng hoảng năng lượng.

Riêng Ý không có tiềm lực tài chính cho các biện pháp tương tự vì đang gánh khoản nợ công tương đương 150% GDP và Giorgia Meloni, thủ tướng sắp tới của đất nước, đã cam kết sẽ hạn chế chi tiêu công.

Michael Engelhardt, người đứng đầu chính sách năng lượng của Hiệp hội thời trang và dệt may Textil + Mode, có trụ sở tại Berlin, cho biết các công ty dệt may và thời trang của Đức sẽ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của nhà nước nhiều hơn so với các công ty cùng ngành ở một số nước châu Âu khác. Tuy nhiên, họ vẫn phải cạnh tranh nguồn hỗ trợ tài chính của nhà nước với các ngành công nghiệp khác ở trong nước.

Các nhà sản xuất vải lo ngại họ sẽ ở vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên hỗ trợ nếu các nước châu Âu hạn chế sử dụng khí đốt vào mùa đông này. Lý do là sản phẩm của họ được coi là ít thiết yếu hơn so với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng khác như thủy tinh và kim loại.

“Nếu bạn thiếu những chiếc áo sơ mi mới, đó không phải là ngày tận thế, đúng không?” Dirk Vantyghem, Tổng giám đốc Euratext , nói.

Nhưng Vantyghem và các đại diện ngành công nghiệp dệt may khác cho rằng ngành thời trang liên quan chặt chẽ với hoạt động sản xuất các sản phẩm dệt may y tế và kỹ thuật được sử dụng cho khớp nhân tạo, bộ lọc không khí, cánh quạt tuốc-bin gió và lốp ô tô.

Nguồn cung cấp khí đốt rẻ tiền ổn định của Nga cho phép các nhà sản xuất hàng dệt may trên khắp châu Âu vẫn kinh doanh tốt trong nhiều thập niên ngay cả khi cạnh tranh ở nước ngoài gia tăng. Theo dữ liệu gần đây nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị phần xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu của châu Âu đã giảm trong 20 năm qua, trong khi thị phần của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần lên hơn 40% vào năm 2020, cao hơn gấp đôi so với thị phần của EU vào năm đó.

Nhờ tạo dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà thiết kế và tích lũy chuyên môn qua nhiều thế hệ, các công ty quy mô vừa và nhỏ đã thống trị ngành công nghiệp dệt may ở châu Âu. Họ sẵn sàng cạnh tranh về giá và chất lượng với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất vải cho các thương hiệu thời trang toàn cầu.

Khi giá năng lượng bắt đầu tăng cách đây một năm, nhiều công ty nhỏ không kham nổi các chi phí phụ trội. Giá khí đốt tự nhiên trên khắp châu Âu đã tăng gần 10 lần trong hơn một năm và đạt đỉnh vào cuối tháng 8.

Maurizio Sarti, một nhà sản xuất len xa xỉ ở Tuscany (Ý), cho biết công ty ông đã chạy đua để hoàn thành các đơn đặt hàng trong thời gian hai tháng nhưng không thể vì giá khí đốt tăng quá nhanh.  “Sau khi ấn định giá cho đơn hàng, chi phí khí đốt  tăng gấp đôi. Nhưng tôi không thể chuyển chi phí tăng thêm đó cho khách hàng”.

Vincenzo Cangioli, một nhà sản xuất len cao cấp khác ở Prato của Ý, không còn có thể gia hạn hợp đồng mua khí đốt dài hạn với bất kỳ giá nào. Điều này ông phải bắt đầu mua khí đốt hàng tháng. Hóa đơn khí đốt của ông tháng 7-2022 là 340.000 euro, gần bằng 450.000 euro trong cả năm 2021.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới