(KTSG Online) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra còn chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% và lạm phát cơ bản tăng 2,71%.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 5 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm, TTXVN đưa tin.
Nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đã có mức tăng đáng kể 5,2% so với năm trước, đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung của CPI.
Việc EVN điều chỉnh tăng giá điện bình quân cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng cao đã khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68%, góp phần làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, nhu cầu thuê nhà tăng đã đẩy chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,6%, tác động làm CPI tăng thêm 0,48 điểm phần trăm.
Các chính sách điều chỉnh giá dịch vụ y tế và tăng học phí tại một số địa phương đã tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16% và nhóm giáo dục tăng 5,37%. Bên cạnh đó, sự tăng giá của dịch vụ giao thông cũng góp phần làm CPI chung tăng 0,76%.
Mặc dù CPI chung tăng 3,63% trong năm 2024, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,71%. Điều này cho thấy, khi loại trừ các yếu tố ảnh hưởng bởi chính sách và biến động theo mùa như giá lương thực, thực phẩm, điện, giáo dục và y tế, áp lực lạm phát cơ bản đã được kiểm soát tốt hơn.
Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT), chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa, năm 2024 tăng 3,15%, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của các nhóm hàng như cao su, máy vi tính, thủy sản và rau quả. Tuy nhiên, giá của các nhóm hàng khác như gỗ, sản phẩm gỗ và xăng dầu giảm đã phần nào hạn chế mức tăng này.
Theo Tổng cục Thống kê, sự tăng trưởng của TOT năm 2024 cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có sức cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, nhờ vào việc giá xuất khẩu tăng trong khi giá nhập khẩu lại giảm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm qua ước tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo có đóng góp lớn nhất, tăng 9,6%, đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm còn khai khoáng giảm 6,5%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trong quí 4-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,68 triệu tỉ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, tính chung cả năm 2024 ước đạt 6,39 triệu tỉ đồng, tăng 9% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9%.
Lũy kế năm 2024, Việt Nam đón gần 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và bằng 97,6% năm 2019. Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong năm qua cũng đạt 5,3 triệu lượt người, tăng 5,5% so với năm trước.