(KTSG Online) - Hoạt động sản xuất công nghiệp tại TPHCM tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng đến 9,7% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 11 tháng đạt mức tăng trưởng 7,1%.
Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số IIP tháng 11 ghi nhận mức tăng 1,7% so với tháng trước và 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng qua, chỉ số này ước tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy chủ yếu bởi các ngành khai khoáng tăng 43,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,0% và sản xuất, phân phối điện tăng 5,6%. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ, 0,4%.
Mặc dù thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024 nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước trên địa bàn ước giảm 3,3% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 11 đạt 5.704,3 tỉ đồng, tăng 17,8% so với tháng trước nhưng giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng qua, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 40.655,4 tỉ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ. Đến hết ngày 29-11, tổng số vốn đã giải ngân là 19.723,4 tỉ đồng, đạt 24,9% kế hoạch vốn năm 2024.
Nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TPHCM trong tháng vừa qua đã tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 111.653 tỉ đồng. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ tăng 10,4% so với cùng kỳ, đạt 1 triệu tỉ đồng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của TPHCM đã tăng 0,51% so với tháng trước với 9/11 nhóm hàng ghi nhận mức tăng. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,29%. Ngược lại, nhóm bưu chính viễn thông lại giảm tới 1,49%.
Tính chúng 11 tháng, chỉ số CPI tại thành phố đã tăng 3,19%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không đồng đều giữa các nhóm hàng. Cụ thể, 10/11 nhóm hàng ghi nhận mức tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng mạnh nhất với 8,16%, tiếp theo là nhóm thuốc, dịch vụ y tế với 7,87% còn nhóm bưu chính viễn thông giảm 2,69%.