Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số tiêu dùng cá nhân tại Mỹ tăng chậm lại

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong tháng 8, chỉ số tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng dưới mức 4% lần đầu tiên trong hơn hai năm qua. Đây là tin tức vui mừng đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vì các nhà hoạch định chính sách xem chỉ số PCE cốt lõi là thước đó lạm phát đáng tin cậy hơn.

Chỉ số PCE cốt lõi của Mỹ hạ nhiệt rõ rệt trong tháng 8. Ảnh: Yahoo Finance

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29-9 cho thấy trong tháng 8, chỉ số PCE tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên giảm xuống dưới 4% kể  6-2021. Mức tăng này cũng chậm lại đáng kể so với mức tăng 4,3% trong tháng 7.

Trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, chi tiêu tiêu dùng đang có dấu hiệu trì trệ. Kết hợp với áp lực giá cơ bản đã hạ nhiệt, điều này làm tăng hy vọng rằng, Fed sẽ không tăng lãi suất vào tháng 11.

“Báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát đang có tiến triển tốt. Tôi nghĩ các quan chức Fed đang ở thời điểm chuyển trọng tâm sang việc sẽ giữ lãi suất ở mức cao hiện tai trong bao lâu, thay vì phải tăng lãi suất lên bao nhiêu”, Conrad DeQuadros, cố vấn kinh tế cấp cao của Brean Capital ở New York, nhận định.

Nếu so với tháng 7, chỉ số PCE cốt lõi tăng 0,1%, thấp nhất kể từ tháng 11- 2020.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sử dụng định nghĩa hẹp hơn về chi tiêu tiêu dùng, chỉ xem xét chi tiêu ở các klhu vực đô thị do người tiêu dùng trực tiếp thực hiện. Ngược lại, PCE xem xét các khoản chi tiêu của người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn cũng như các khoản chi tiêu do bên thứ ba thay mặt họ thực hiện.

Triển vọng lạm phát cũng được củng cố bởi một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy, kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống 3,2% trong tháng này, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2021, từ mức 3,5% trong tháng 8. Kỳ vọng lạm phát dài hạn của người tiêu dùng cũng giảm xuống 2,8% từ mức 3,% trong tháng trước.

Tuy nhiên, đà tăng giá dầu đang đang đẩy chi phí xăng dầu lên cao, cho thấy con đường để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Fed còn xa.

David Russell, người đứng đầu chiến lược thị trường toàn cầu của TradeStation, nhận định chỉ số PCE cốt lõi hàng năm tăng dưới 4% có thể là một chiến thắng tâm lý lớn đối với nhà đầu tư chứng khoán và giúp kìm hãm đà tăng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Trong cuộc họp tuần trước, Fed giữ nguyên lãi suất nhưng cảnh báo có thể xem xét tăng thêm lãi suất trước cuối năm nay nếu lạm phát dai dẳng. Kể từ tháng 3 - 2022, Fed tăng lãi suất thêm 525 điểm cơ bản lên biên độ 5,25-5,5%. Thị trường tài chính hiện kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách vào đầu tháng 11 tới.

Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, tăng 0,4% trong tháng trước sau khi tăng 0,9% trong tháng 7, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Điều đó phần nào phản ánh doanh số bán hàng tại các trạm xăng cao hơn do giá xăng tăng. Khi được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 0,1% trong tháng 8 sau khi tăng 0,6% trong tháng 7.

Các hộ gia đình cũng bắt đầu cạn kiệt tiền tiết kiệm, với tỷ lệ tiết kiệm so với thu nhập khả dụng giảm xuống 3,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, từ mức 4,1% trong tháng 7.  Giá xăng tăng, tiền tiết kiệm giảm và việc nối lại thanh toán các khoản vay sinh viên có thể hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong những tháng tới.

Theo Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của BMO Capital Markets, có dấu hiệu căng thẳng ngày càng tăng khi người tiêu dùng ngày đối mặt giá năng lượng tăng, chi phí vay cao và thu thập tăng trưởng chậm lại.

PCE cốt lõi tăng chậm lại hơn dự kiến là dấu hiệu đáng khích lệ mới nhất đối với các nhà hoạch định chính sách của Fed, những người đã phát động chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên để hạ nhiệt giá cả. Trong khi động lực kinh tế của Mỹ duy trì tốt hơn dự báo, thị trường nhà ở kém sôi động hơn và sự bình thường hóa của thị trường ô tô đã khiến các giá cả quan trọng như như ô tô và tiền thuê nhà, giảm xuống. Đồng thời, tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa và đẩy giá tăng mạnh bắt đầu từ năm 2021 đã dần được giải quyết, giúp chi phí của nhiều mặt hàng ngừng tăng hoặc thậm chí giảm nhẹ.

“Tôi không nghĩ họ (các quan chức Fed) hoàn toàn tin tưởng rằng lạm phát cơ bản đã chậm lại một cách bền vững. Dữ liệu lạm phát mới nhất đang bổ sung thêm một nền tảng khác để họ đạt được sự tự tin đó”, Omair Sharif, người sáng lập Công ty nghiên cứu Inflation Insights, bình luận.

Theo Reuters, NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới