(KTSG Online) - Tổng cục Thuế đã đề xuất tạm hoãn xuất cảnh hơn 2.400 trường hợp nợ thuế trong năm 2023 và hơn 6.500 trường hợp kể từ đầu năm tới nay. Việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được thực hiện sau khi xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế.
- Không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh
- 60 giám đốc, người đại diện pháp luật buộc tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế
Ngày 27-9, tại họp báo thường kỳ quí 3 của Bộ Tài chính, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế quy định tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong nhiều biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế, theo TTXVN.
Hiện nay, việc thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế được thực hiện sau khi đã rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế.
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp với người nộp thuế lập danh sách cá nhân thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Đồng thời, cơ quan thuế cũng gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Theo Tổng cục Thuế, năm 2023 đã đề xuất tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp nợ thuế và tạm hoãn xuất cảnh với hơn 6.500 trường hợp kể từ đầu năm tới nay.
Nợ thuế, cấm/ hoãn xuất cảnh. Ứng xử của ngành thuế luôn ở vị thế “cửa trên” đối với người nộp thuế. Nên chăng cần phải có “quy trình ứng xử” cho hợp pháp và hợp lý, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, tinh thần, công ăn việc làm bình thường của các tổ chức/ cá nhân. Như hệ thống ngân hàng, nếu khách hàng có nợ xấu/ khó đòi thì cũng chưa chắc cấm/ hoãn cho vay. Nếu không, khách hàng lâm vào thế đường cùng, tắc tử hết, ngân hàng chung sống với ai ? Nên nhớ, không có người nộp thuế thì không có ngành thuế. Chứ không phải là ngược lại.