Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chia phần kích cầu Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chia phần kích cầu Mỹ

Sanyo đã khởi công nhà máy sản xuất thỏi silicon tại bang Oregon, Mỹ để đón đầu cơ hội kinh doanh.

(TBKTSG) – Sớm nhất phải đến cuối tuần này, dự luật về gói kích thích kinh tế trị giá 838 tỉ đô la của Mỹ mới được trình lên tổng thống phê chuẩn và thực hiện. Nhưng vào lúc này, nhiều công ty nước ngoài đã lăm le chia phần trong gói tiền khổng lồ đó.

Ngoài việc giảm thuế cho công dân và doanh nghiệp, gói kích cầu của Mỹ có nội dung chính là đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng thay thế và nâng cấp mạng lưới công nghệ thông tin quốc gia.

Nội dung gây tranh cãi nhiều nhất là điều khoản “Mua hàng Mỹ” (Buy American), theo đó các dự án do nguồn vốn kích cầu này tài trợ phải sử dụng sắt thép, nguyên liệu và thiết bị do Mỹ sản xuất.

Theo giới phân tích, chưa đề cập đến nguy cơ “chủ nghĩa bảo hộ”, điều khoản này đã khó có thể thực hiện, đơn giản vì nước Mỹ không thể cung cấp đủ vật tư cần thiết cho các chương trình canh tân quy mô đó.

Với mặt hàng thép chẳng hạn, theo ông John Amstrong, phát ngôn viên tập đoàn US Steel, từ lâu Mỹ đã ngừng sản xuất thép xây dựng, thép làm cốt bê tông để tập trung vào các chủng loại thép cao cấp, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Nếu không được sử dụng thép xây dựng nhập khẩu, các dự án hạ tầng sẽ không có thép để thi công.

Chỗ thiếu của người Mỹ lại là mối lợi cho các công ty nước ngoài đang nỗ lực đón đầu một cơ hội kinh doanh mới. Các công ty Nhật, Đức, Pháp và Hàn Quốc… một mặt lớn tiếng phản đối “chủ nghĩa bảo hộ”, mặt khác lại đua nhau tuyển người, xây nhà máy ngay tại Mỹ để sản xuất các loại pin mặt trời, pin sạc lithium, turbine gió hoặc xe điện cao tốc… sẵn sàng cung ứng cho các dự án kích cầu của Chính phủ Mỹ.

Lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản chẳng hạn, cho rằng xây dựng nhà máy tại Mỹ là một chiến lược chung của họ, vừa để đưa sản xuất đến gần thị trường tiêu thụ, vừa tránh né những xung đột thương mại, mà thành công của ngành xe hơi Nhật trên đất Mỹ là một minh chứng.

Và vì vậy, ngay sau khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống, nhiều công ty nước ngoài đã quyết định gia tăng sự hiện diện tại Mỹ. Tập đoàn công nghiệp nặng Alstom của Pháp chẳng hạn, đã quyết định việc thêm xây nhà máy ở bang Tennessee. Alstom chuyên sản xuất turbine điện gió và xe điện cao tốc TGV –  những sản phẩm mà nhất định Mỹ sẽ cần tới trong kế hoạch kích cầu.

“Chúng tôi có mặt trong nhiều ngành công nghiệp Mỹ, và về phương diện đó, Alstom là một công ty Mỹ”, Pierre Gauthier, phụ trách hoạt động của Alstom tại Mỹ, nói. Ông Gauthier cho rằng, việc mở rộng kinh doanh sẽ tạo thêm việc làm cho công nhân Mỹ. Để được Chính phủ Mỹ cho đấu thầu các hợp đồng xây dựng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn cố thuyết minh rằng hoạt động của họ giúp cải thiện triển vọng kinh tế Mỹ trong thời buổi sức cạnh tranh gia tăng từ những quốc gia như Trung Quốc.

Kế hoạch kích cầu của chính quyền Obama dành 150 tỉ đô la trong 10 năm để nâng cấp hạ tầng năng lượng của Mỹ, và theo giới quan sát, sẽ biến Mỹ thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới về công nghệ xanh.

Đón đầu cơ hội, ngay từ tháng 10-2008, tập đoàn Sanyo (Nhật) đã khởi công nhà máy mới tại bang Oregon, chuyên sản xuất các thỏi silicon, nguyên liệu dùng để chế tạo pin mặt trời. Sanyo hy vọng, doanh số mặt hàng này tại Mỹ sẽ tăng gấp bốn lần trong vòng hai năm tới. “Nước Mỹ bỗng dưng khoái năng lượng mặt trời, nhưng khả năng sản xuất của họ không đủ đáp ứng yêu cầu”, ông Kenichiro Wakisaka, Giám đốc bộ phận pin mặt trời của Sanyo nhận xét.

Ngay trong viễn thông – lĩnh vực mà các công ty Mỹ có thế mạnh – cơ hội vẫn không thiếu. Bà Régine Coqueran, phát ngôn viên tập đoàn Alcatel-Lucent (Pháp), nói: “Thông qua nhánh nghiên cứu của mình tại Bell Labs, chúng tôi có vai trò rõ ràng khi người Mỹ trở lại quan tâm tới khoa học và công nghệ”. Bell Labs là cơ sở nghiên cứu phát triển của tập đoàn Lucent Technologies, đã bị sáp nhập vào Alcatel năm 2006 để hình thành tập đoàn Alcatel-Lucent.

Theo bà Coqueran, Alcatel-Lucent mong muốn đảm nhận một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao đến các gia đình Mỹ; ngành năng lượng và y tế Mỹ cũng là những khách hàng tiềm năng mua sắm các hệ thống viễn thông tân tiến của tập đoàn này.

Không chỉ các tập đoàn công nghiệp mà các công ty dịch vụ cũng nhanh chóng vào cuộc. Peter Morrison, Giám đốc Công ty thiết kế RMJM tại Anh, cho biết ngay sau khi nghe bài diễn văn đắc cử của ông Barack Obama – trong đó ông ta nói rất hùng hồn về công cuộc cải thiện cơ sở hạ tầng nước Mỹ – ông quyết định chuyển hướng hoạt động vào thị trường Mỹ.

“Tôi nhận ra rằng, Mỹ sẽ cần thêm nhiều nhà ga xe lửa, ga hàng không mới, ở quy mô rất lớn”. Ông Morrison quyết định điều động ngay đội ngũ kiến trúc sư của mình từ Hồng Kông sang New York để tìm cơ hội. Với chiến lược này, ông Morrison hy vọng sẽ nâng tỷ lệ doanh thu từ Mỹ trong tổng doanh thu của công ty từ mức 35% hiện nay lên 50%.

Bên cạnh các tập đoàn lớn, nhiều công ty nhỏ từ châu Á cũng đang tìm cách chia phần từ gói kích cầu của Mỹ. Đã có khoảng nửa tá doanh nghiệp nhỏ Đài Loan tham gia vào thị trường điện mặt trời, trong đó có những công ty mới thành lập như Gintech Energy – doanh nghiệp mới hoạt động hai năm song có tham vọng làm ra 1,5 gigawatt điện vào năm 2011.

Tại Nhật, hàng trăm công ty nhỏ, sản xuất từ vỏ bình điện đến tấm cách điện dùng trong các turbine gió, cũng lũ lượt lên đường sang Mỹ. Công ty Eurus Energy là một ví dụ. Là một doanh nghiệp nhỏ tại Tokyo nhưng Eurus chuyên xây dựng và vận hành các nhà máy sản xuất điện từ gió trên đất Mỹ, mới đây vừa hoàn tất một nhà máy như vậy tại bang Texas.

Ông Tetsuro Nagata, Tổng giám đốc của Eurus Energy, cho biết Mỹ là thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của công ty. “Nước Mỹ bỗng dưng quan tâm tới tình trạng ấm nóng toàn cầu; điều đó có nghĩa là chiếc bánh lớn bỗng lớn thêm lên. Sẽ có đủ phần cho mọi người, cho các công ty Mỹ và nước ngoài”, ông Nagata nói.

THÁI BÌNH (theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới