Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiếc áo mới của hộ kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiếc áo mới của hộ kinh doanh

Trần Thị Lệ Thu (*)

(TBKTSG) – Nghị định đầu tiên của năm 2021 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 4-1-2021, được Chính phủ dành nói về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có phần nội dung được nhiều người quan tâm liên quan đến các vấn đề về hộ kinh doanh – một chủ thể kinh doanh đã bị loại khỏi quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 trước đó.

Tiếp cận với các quy định mới cũng là lúc để nhìn lại chủ trương của Chính phủ chuyển đổi hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Chiếc áo mới của hộ kinh doanh
Sản xuất tại một cơ sở gia đình. Ảnh: HOÀNG TÂN

Các giai đoạn hộ kinh doanh

Mô hình hộ kinh doanh tồn tại lâu đời ở nước ta dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Trước năm 1986, hộ kinh doanh tồn tại dưới hình thức tổ chức tiểu sản xuất hàng hóa như các hoạt động của thợ thủ công, nông dân cá thể, người làm dịch vụ nhỏ.

Những tổ chức này được kinh doanh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy môn bài. Sau đó, giai đoạn từ năm 1986 đến trước khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và Luật Công ty năm 1990, hộ kinh doanh tồn tại dưới hình thức hộ cá thể và hộ tiểu công nghiệp.

Khi Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và Luật Công ty năm 1990 ra đời, hộ kinh doanh gồm các cá nhân và nhóm kinh doanh (có vốn thấp hơn vốn pháp định áp dụng cho doanh nghiệp), được gọi tên chung là “người kinh doanh”.

Tiếp đó, khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời, hộ kinh doanh tồn tại dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể. Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời, cái tên “hộ kinh doanh” được chính thức thừa nhận và ghi nhận trong cả Luật Doanh nghiệp năm 2014.

hộ kinh doanh không phải chịu sự kiểm tra, thanh tra nhiều từ cơ quan, cán bộ thuế, lao động, môi trường, an ninh… như các doanh nghiệp. Đây chính là lợi thế lớn làm cho chi phí tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh thấp hơn nhiều so với các loại hình doanh nghiệp.

Trong giai đoạn xây dựng dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 2020, rất nhiều ý kiến, tranh luận xoay quanh “số phận” của hộ kinh doanh, về việc có nên đưa vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp hay không. Và cuối cùng hộ kinh doanh đã bị đưa ra khỏi Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Để giải quyết khoảng trống pháp lý cho mô hình đang hoạt động trong thực tiễn này (mà vai trò của nó là không thể phủ nhận), Chính phủ đã gấp rút ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp để tiếp tục quy định về hoạt động của hộ kinh doanh. Theo đó, “hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ” (điều 79).

Hộ kinh doanh giờ… mặc áo gì?

Thứ nhất, theo Nghị định 01, hộ kinh doanh chỉ bao gồm cá nhân hoặc các thành viên của hộ gia đình đăng ký kinh doanh. Hay nói cách khác, theo quy định mới, sẽ không còn loại hình hộ kinh doanh do một nhóm người là công dân Việt Nam thành lập nữa. Nghị định cũng quy định rõ, “trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh” (điều 79).

Thứ hai, theo quy định trước đây, hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, còn sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong Nghị định 01 quy định này hoàn toàn không được đề cập đến. Như vậy có thể hiểu là hiện nay, việc hoạt động của hộ kinh doanh sẽ không bị giới hạn bởi số lượng lao động mà họ sử dụng, thuê mướn.

Thứ ba, Nghị định 01 bỏ giới hạn hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm. Cụ thể, điều 86 quy định: “Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại”.

Thứ tư, một điểm mới chưa từng được đề cập đến trước đây là “Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh” (điều 81). Đây là một quy định mở, hướng tới việc tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển tốt hơn khi chủ hộ kinh doanh là những người thực sự không có năng lực, kiến thức và kỹ năng về quản lý, điều hành hộ kinh doanh.

Thứ năm, hộ kinh doanh có quyền tạm ngừng hoạt động kinh doanh “vô thời hạn”. Tuy nhiên, “trong trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý” (điều 91). Hộ kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi “ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và cơ quan thuế” (điều 93).

Chuyển đổi sang thành lập doanh nghiệp có trở thành xu hướng?

Chuyển đổi hộ kinh doanh sang thành lập các loại hình doanh nghiệp từ Luật Doanh nghiệp 1999 và các quy định “mở đường” tại nhiều văn bản hướng dẫn là chủ trương đã có từ trước. Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 tiếp tục chủ trương này với việc đặt ra quy định cưỡng chế, buộc các hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cùng với đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 ra đời cũng nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, trong thực tế, số lượng hộ kinh doanh chuyển sang đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp… không như kỳ vọng của Chính phủ.

Nhìn tổng quan, có thể thấy rằng, hộ kinh doanh có nhiều bất lợi so với mô hình doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, hộ kinh doanh lại có không ít lợi thế hơn ở các khía cạnh như đối tượng thành lập có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình; hồ sơ, thủ tục thành lập đơn giản; luật không quy định chặt chẽ việc tổ chức quản lý; chế độ sổ sách kế toán, tài chính, kê khai nộp thuế đơn giản.

Ngoài ra, hộ kinh doanh không phải chịu sự kiểm tra, thanh tra nhiều từ cơ quan, cán bộ thuế, lao động, môi trường, an ninh… như các doanh nghiệp. Đây chính là lợi thế lớn làm cho chi phí tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh thấp hơn nhiều so với các loại hình doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, điểm quan trọng nhất từ trước đến nay buộc các chủ hộ kinh doanh cân nhắc khi họ lựa chọn thành lập hộ kinh doanh hay các loại hình doanh nghiệp là ở chỗ hộ kinh doanh không được sử dụng quá 10 lao động và chỉ được kinh doanh tại một địa điểm kinh doanh duy nhất. Do đó, khi Nghị định 01 gỡ bỏ hai quy định này cho hộ kinh doanh thì khả năng cá nhân quay trở lại xu hướng lựa chọn mô hình hộ kinh doanh sẽ là điều tất yếu.

Ngoài ra, khi quy định mới cho phép chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, như với một doanh nghiệp, làm cho những cá nhân có ý định thành lập hộ kinh doanh sẽ tự tin hơn trong việc lựa chọn và duy trì hoạt động loại hình kinh doanh này.

Với những thay đổi pháp luật hiện nay, mô hình hộ kinh doanh chắc chắn sẽ còn tồn tại, hoạt động bền vững và thậm chí phát triển mạnh mẽ trở lại. Khi đó, có thể “chiếc áo khoác” mang tên Nghị định 01 cũng sẽ trở nên… quá “chật” so với hình hài của hộ kinh doanh khi vốn dĩ nó đã không được coi là một loại hình doanh nghiệp để đưa vào Luật Doanh nghiệp.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới