(KTSG) - Đầu năm 2020, nữ nhà văn người Mỹ Jeanine Cummins cho ra mắt tiểu thuyết American Dirt, kể về chuyến vượt biên đầy bão táp của một phụ nữ người Mexico cùng con trai sang Mỹ. Trong khi tiểu thuyết của cô gây tiếng vang lớn vì thu hút đông đảo độc giả, thì cô cũng phải đối mặt với một cáo buộc khá “đặc biệt”: chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation hoặc cultural misappropriation).
- Gia Lai dành 16,4 tỉ đồng cho đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng
- Du lịch văn hóa tâm linh hút khách sau Tết Nguyên đán
Chiếm dụng văn hóa được hiểu như hành động sử dụng hay khai thác các yếu tố văn hóa hay bí quyết, phương thức thuộc về nhóm hay cộng đồng khác. Trong trường hợp của nhà văn Jeanine Cummins, có tới 140 nhà văn đã ký vào kiến nghị đề nghị tẩy chay tiểu thuyết American Dirt, vì tác giả là người da trắng gốc Ireland nhưng lại viết sách về chủ đề... nhập cư gốc Mễ.
Cáo buộc “chiếm dụng văn hóa” càng ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực ẩm thực, thời trang, thiết kế, nghệ thuật giải trí và đang lan dần ra nhiều lĩnh vực.
Ví dụ, mũ lông vũ kiểu thổ dân da đỏ Mỹ trong một buổi trình diễn thời trang của Victoria’s Secret, người da trắng mang kiểu tết tóc dreadlock (đặc trưng của người da đen), khăn đội đầu của Gucci giống kiểu khăn Sikh của Ấn Độ, người Pháp da trắng mở cửa hàng bán hummus (một đặc sản vùng Trung Đông)... là một vài ví dụ bị phản đối vì là hành vi chiếm dụng văn hóa.
Cách đây một thời gian, cộng đồng mạng Việt Nam cũng xôn xao vì ca sĩ Mỹ Kacey Musgraves mặc áo dài Việt Nam, và nhiều người không ngần ngại coi đây cũng là một hành vi chiếm dụng văn hóa.
Không khó để nhận thấy rằng, văn hóa phương Tây vốn đã được “toàn cầu hóa” thì hiếm khi là “nạn nhân” của chiếm dụng văn hóa. Ngược lại, việc sử dụng hoặc khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống mang tính “thiểu số”, không được phổ biến rộng rãi, bởi một cá nhân hay tổ chức không thuộc về nền văn hóa truyền thống đó, thì sẽ dễ rơi vào cáo buộc chiếm dụng văn hóa.
Phản ứng trước hành vi này khá đa dạng, từ phong trào phản đối, tẩy chay trên mạng xã hội, trên truyền thông cho đến các hoạt động chính thức của chính phủ, đặc biệt khi các thương hiệu quốc tế khai thác và trục lợi trên các yếu tố văn hóa truyền thống mà không có động thái hợp lý để thể hiện một sự công nhận nguồn gốc giá trị văn hóa đó.
Khi các yếu tố văn hóa truyền thống được cách điệu, làm mới để tạo ra các sáng tạo phái sinh khác, thì hoàn toàn có thể được bảo hộ. Chính vì thế, khuyến khích khôi phục văn hóa truyền thống làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cũng là một trong những giải pháp để bảo tồn và bảo vệ hiệu quả các tài sản trí tuệ truyền thống của các dân tộc.
Năm 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Mexico lên tiếng yêu cầu Zara và hai thương hiệu thời trang khác giải thích về việc sử dụng mô típ trang trí của một số dân tộc thiểu số ở Mexico trong các bộ sưu tập thời trang, và công nhận sự “vay mượn” tài sản văn hóa này. Tuy sự việc có gây tiếng vang trên truyền thông, nhưng các dân tộc thiểu số chủ sở hữu các mô típ trang trí nói trên cũng không nhận được bất cứ đền bù vật chất nào.
Trong một ví dụ khác, hãng thời trang MadHappy của Mỹ tung ra thị trường bộ sưu tập áo thun mang hình trang trí con dấu và vài biểu tượng khác của quốc gia da đỏ Navajo. Chỉ khi MadHappy được biết rằng các thiết kế nói trên đang được luật bản quyền bảo hộ thì công ty này mới dừng sản xuất và bán mặt hàng nói trên, cũng như đưa vào chương trình đào tạo nhân viên chủ đề nhạy cảm văn hóa.
Trừ một số trường hợp “lạm dụng” khái niệm chiếm dụng văn hóa dẫn đến những phản ứng thái quá và hạn chế sự tự do sáng tạo, thì chúng ta phải thừa nhận sự bất hợp lý khi các yếu tố văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số đã và đang bị các tập đoàn hùng mạnh và giàu có khai thác kinh tế một cách tự do và... miễn phí, trong khi chính các dân tộc sở hữu các yếu tố này lại không được hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của họ.
Không chỉ thế, trong một số trường hợp, yếu tố văn hóa được sử dụng một cách không hợp lý, hoặc thiếu sự tôn trọng cần có (như trường hợp ca sĩ Kacey Musgraves mặc áo dài Việt Nam một cách thô tục, hay như Jean Paul Gaultier sử dụng các hình xăm Tā moko của người Maori để quảng cáo các sản phẩm thời trang và kính mắt với khẩu hiệu phản cảm “I’ll eat your liver and look good doing it” (Tạm dịch: ta sẽ ăn gan tụi bây và nhìn vẫn đầy phong cách), dẫn đến nguy cơ thể hiện không chính xác, đầy đủ các giá trị văn hóa đó.
Ở thời điểm hiện tại, chiếm dụng văn hóa không phải là một khái niệm pháp lý. Không có luật quốc tế hay quốc gia nào quy định về hành vi này, và vì thế cũng không ai bị kiện ra tòa vì chiếm dụng văn hóa.
Nhìn ở khía cạnh Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì các yếu tố văn hóa truyền thống tồn tại từ lâu đời nên nay không còn mang tính mới và sáng tạo, vì thế không thể được bảo hộ bởi Luật SHTT. Tuy nhiên, khi các yếu tố này được cách điệu, làm mới để tạo ra các sáng tạo phái sinh khác, thì hoàn toàn có thể được bảo hộ.
Chính vì thế, khuyến khích khôi phục văn hóa truyền thống làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cũng là một trong những giải pháp để bảo tồn và bảo vệ hiệu quả các tài sản trí tuệ truyền thống của các dân tộc.
Cần phải bổ sung rằng, năm 1997, Ủy ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc đã ra Tuyên bố Mataatua về quyền SHTT và văn hóa của người bản địa, thừa nhận rằng hệ thống pháp lý hiện tại không đáp ứng được nhu cầu bảo vệ tài sản trí tuệ truyền thống, và sự cần thiết để xây dựng các quy phạm pháp luật mới phù hợp hơn. Năm 2003, gần 150 nước đã ký kết Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, với mục đích đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng. Đặc biệt, năm 2017, đại diện của 189 quốc gia đã đề nghị Tổ chức SHTT quốc tế (World Intellectual Property Organisation - WIPO) đưa khái niệm “chiếm dụng văn hóa” vào luật của WIPO, khi nhận thấy nguy cơ các yếu tố văn hóa truyền thống bị các thương hiệu nước ngoài khai thác một cách bất hợp lý.
Hiện nay, một số thương hiệu nổi tiếng cũng đã thay đổi chiến lược để tránh bị cáo buộc chiếm dụng văn hóa, như trực tiếp hợp tác với nghệ nhân địa phương để khai thác tài sản văn hóa truyền thống, góp phần bảo vệ và phát triển tài sản văn hóa địa phương. Có lẽ, điều quan trọng nhất chính là thiết lập một mối quan hệ dựa trên một sự tôn trọng và mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần truyền tải thông điệp văn hóa, chứ không phải chỉ là dựa trên nền tảng lợi ích kinh tế.
Chiếm dụng hay giao thoa ? Cũng là câu hỏi cần phải giải đáp đầy đủ. Bản chất của văn hóa là di sản tinh thần của một dân tộc/ quốc gia. Đặc điểm khác của văn hóa là tính lan tỏa và giao thoa. Nếu mất đi đặc tính này thì hiệu ứng văn hóa, sức mạnh mềm của một đất nước sẽ bị hạn chế hoặc khó có thể trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Biến tấu khôn ngoan nhất của văn hóa là luôn chủ động và tích cực trong tiến trình bảo tồn, pháp lý hóa, giới thiệu, quảng bá, truyền tải những giá trị hữu hình và vô hình, kể cả trong lĩnh vực thương mại hóa. Văn hóa không thể chỉ để nhìn, để nghe, mà cần phải hành động, phải thấm đẫm vào cuộc sống thực tiễn, thì mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.