Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến dịch ‘đả hổ’ của Trung Quốc lên cao trào

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc, hay còn gọi là chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, lên cao trào vào năm ngoái, với 45 quan chức cấp cao bị điều tra, theo thống kê của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

He Zehua, cựu Phó giám đốc Cục Quản lý độc quyền thuốc lá nhà nước Trung Quốc, nằm trong số 45 quan chức cấp cao của Trung Quốc bị CCDI điều tra hồi năm ngoái. Ảnh: Dimsum Daily

45 quan chức cấp cao bị điều tra là con số cao kỷ lục năm năm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố “thắng lợi vang dội” trong cuộc chiến chống quan tham mà ông phát động vào năm 2013. Số lượng các cuộc điều tra tăng lên cho thấy ông Tập Cận Bình không nương tay trong nỗ lực chống tham nhũng trong khi vẫn quyết liệt đốc thúc các quan chức thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội.

Số lượng cuộc điều tra nói trên tăng 40% so với năm 2022, khi Ủy ban Kiểm tra- Kỷ luật trung ương (CCDI), cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc, phát động 32 cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp cao.

Hầu hết các đối tượng bị điều tra, đôi khi được gọi là “hổ”, thuộc diện “cán bộ quản lý trung ương”, có nghĩa là họ có chức vụ từ cấp thứ trưởng trở lên. Một số ít hơn trong số họ giữ chức vụ thấp hơn một chút, nhưng lại nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng.

Không giống như các quan chức cấp dưới, được quản lý và giám sát bởi các chi bộ đảng và cơ quan kỷ luật của đảng ở địa phương, nhóm quan chức cấp cao chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cơ quan quản lý nhân sự cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu bị phát hiện bất kỳ hành vi sai trái nào, họ sẽ đối mặt với các cuộc điều tra cấp cao nhất từ CCDI.

Theo SCMP, trong số 45 cán bộ cấp cao bị CCDI giam giữ hồi năm ngoái, có 27 người đã nghỉ hưu khi họ phải đối mặt với cuộc điều tra.

Deng Yuwen, cựu Phó tổng biên tập của tờ Học tập thời báo (Study Times), tờ của Trường Đảng Trung ương, nơi đào tạo cán bộ cấp cao, cho biết thực tế là hầu hết các cuộc điều tra của CCDI tập trung vào các quan chức đã nghỉ hưu. Điều này báo hiệu rằng các cuộc điều tra sẽ phát hiện ra nhiều hành vi sai trái hơn của họ vào những năm trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, và rằng nghỉ hưu không đồng nghĩa với “hạ cánh an toàn”.

“Trong số các quan chức bị bắt những năm gần đây, không có nhiều người bị bắt vì các hành vi tham nhũng ở chức vụ hiện tại của họ. Hầu hết các sai phạm đều xảy ra trong vài năm trước đó, thậm chí 10, 20 năm về trước. CCDI không còn tuân theo quy tắc bất thành văn trước đây rằng các quan chức đã nghỉ hưu sẽ không bị điều tra”, Deng Yuwen bình luận.

Chẳng hạn, đầu năm ngoái, He Zehua, cựu Phó giám đốc Cục Quản lý độc quyền thuốc lá nhà nước Trung Quốc, bị CCDI điều tra tham nhũng gần 9 năm sau khi nghỉ hưu.

“Bây giờ, không còn quan tham nào an toàn. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo điều tra sâu hơn, nhiều sai phạm của quan chức tích tụ trong ba thập niên, do phát triển kinh tế nhanh chóng và kỷ luật đảng lỏng lẻo, sẽ bị phát hiện. Và không có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ ngừng truy xét sâu hơn”, Deng Yuwen nói thêm.

Theo thống kê của SCMP, tổng cộng 294 quan chức cấp cao đã bị CCDI sa thải trong 11 năm kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được phát động.

Tuy nhiên, con số này không bao gồm hầu hết các cuộc điều tra tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, vốn tiến hành thông qua các cuộc điều tra riêng của Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC), nơi ông Tập nắm chức vụ chủ tịch.

Bắc Kinh công bố những vụ điều tra tham nhũng trong quân đội một cách rất chọn lọc, giống như đã làm với các cuộc điều tra nhằm vào hai cựu phó chủ tịch CMC, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng trong nhiệm kỳ chủ tịch CMC đầu tiên của ông Tập. Họ là những sĩ quan cấp cao nhất trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành mục tiêu kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu.

Trước năm 2023, số lượng quan chức cấp cao bị CCDI điều tra cao nhất trong một năm là vào năm 2014, khi 38 cá nhân bị nhắm tới.

Năm 2020, 18 quan chức cấp cao bị điều tra. Nhưng kể từ đó, con số quan chức cấp cao bị thanh trừng hàng năm ngày càng tăng, với 25 quan chức cấp cao bị điều tra vào năm 2021 và con số này của năm 2022 là 32 người.

Hôm 29-12-2023, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc khóa 14 đã quyết định bãi nhiệm tư cách đại biểu của chín tướng lĩnh. Năm tướng lĩnh trong số đó đều là chỉ huy hàng đầu trong quá khứ hoặc hiện tại của Quân chủng tên lửa của PLA (PLARF), một phần chủ chốt của kho vũ khí hạt nhân đất nước. Họ bao gồm Thượng tướng Lý Ngọc Siêu ( Li Yuchao), tư lệnh của PLARF kể từ tháng 1 năm ngoái, cho đến khi bị thay thế vào tháng 7, và cấp phó cũ của ông, Zhang Zhenzhong.

Bắc Kinh chưa xác nhận liệu có ai trong số chín tướng lĩnh này đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng hay không, dù một số người được cho là đã bị điều tra vào đầu năm ngoái.

Một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Bắc Kinh cho biết, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến dịch “đả hổ” của Trung Quốc sẽ còn mở rộng hơn nữa vào năm 2024. “Chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc cách chức Ngoại trưởng Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Chúng ta cũng thấy Quốc hội Trung Quốc vừa chính thức bãi nhiệm chín tướng lĩnh PLA. Điều này cho thấy một cuộc điều tra sâu rộng trong quân đội đã có kết quả sơ bộ”, nhà nghiên cứu cho biết với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Không có lý do nào được đưa ra cho quyết định bãi nhiệm ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc. “Tôi cho rằng, chỉ một lượng nhỏ thông tin liên quan đến những trường hợp này sẽ được công bố ra công chúng, chỉ với những thủ tục tối thiểu”, nhà nghiên cứu nói.

Theo SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới