Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược ‘kiềng ba chân’ của Vingroup

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiến lược ‘kiềng ba chân’ của Vingroup

Hoàng Thắng

(KTSG Online) – Lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ là ba "chân kiềng" trong chiến lược phát triển của Vingroup những năm tới.

Chiến lược ‘kiềng ba chân’ của Vingroup
Bên cạnh các chương trình nghiên cứu công nghệ dài hạn, Vingroup đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng các thành quả công nghệ vào các sản phẩm phục vụ thị trường. Trong ảnh minh họa là hoạt động sản xuất tại nhà máy của VinSmart. Ảnh: TTXVN

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của Tập đoàn Vingroup, Hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính, gồm: công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, hướng tới mục tiêu tạo thế ‘kiềng ba chân’.

Với lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, VinFast dự kiến ra mắt năm mẫu xe máy điện và ba mẫu xe ô tô thông minh là VFe34, VF35 và VF36 trong năm 2021. Theo đó, HĐQT Vingroup kỳ vọng các mẫu xe mới giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa thương hiệu này ra thị trường quốc tế.

Còn VinSmart sẽ tập trung phát triển mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) và các tính năng thông tin - giải trí - dịch vụ (Infotainment) cho ô tô VinFast. Ngoài ra, hệ sinh thái thông minh với ba mũi nhọn, gồm: thành phố thông minh, nhà thông minh, dịch vụ thông minh cũng sẽ được Vingroup phát triển.

Bên cạnh các chương trình nghiên cứu công nghệ dài hạn, Vingroup đẩy mạnh ứng dụng các thành quả công nghệ vào các sản phẩm phục vụ thị trường.

Về nguồn vốn và đầu tư, HĐQT Vingroup cho biết sẽ triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước thông qua nhiều công cụ tài chính, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn của tập đoàn.

Về phương thức triển khai, Vingroup sẽ đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành dọc để đa dạng hóa các nguồn thu và khuyến khích khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong hệ sinh thái, theo HĐQT tập đoàn.

Ngoài ra, Vingroup sẽ áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động và mở rộng hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài. Bên cạnh đó, mô hình P&L cũng sẽ được tập đoàn duy trì tại các công ty con.

Với chiến lược trên, HĐQT Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2021 ở mức 170.000 tỉ đồng, tăng 53% so với mức thực hiện năm 2020. Còn lợi nhuận sau thuế ở 4.500 tỉ đồng, xấp xỉ mức thực hiện năm 2020.

Về cổ tức, HĐQT Vingroup dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 12,5% - cổ đông sở hữu mỗi 1.000 cổ phiếu sẽ nhận thêm 125 cổ phiếu. Tổng số cổ phần dự kiến phát hành thêm để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 422,8 triệu cổ phần.

Số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế quyền chuyển nhượng. Thời gian phát hành do Chủ tịch HĐQT Vingroup quyết định, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Vốn điều lệ của Vingroup sẽ đạt mức 38.052 tỉ đồng sau khi phát hành cổ phiếu.

Trước đó, Vingroup từng chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21% - cổ đông sở hữu mỗi 1.000 cổ phiếu nhận thêm 210 cổ phiếu.

Về kết quả kinh doanh năm 2020, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần ở mức 110.490 tỉ đồng, giảm 15% so với năm 2019. Lợi nhuận gộp cả năm 2020 đạt 17.313 tỉ đồng, giảm 54% so với năm 2019 do hầu hết các lĩnh vực hoạt động đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Còn tổng lợi nhuận kế toán trước và thuế lần lượt ở mức 13.943 tỉ đồng và 4.546 tỉ đồng, giảm lần lượt 11% và 41% so với năm 2019.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới