Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược quốc gia chống cô đơn và tách biệt

Vỹ Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong nhiều lĩnh vực, nước Mỹ có thể được xem là một trong những “người tạo khuynh hướng” (trend-setter) trên thế giới. Và trong vài năm gần đây, cứ hai người Mỹ thì một người cho rằng mình cô độc.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Vivek Murthy cho biết như vậy trong một thông báo đưa ra hôm thứ Ba tuần này đề cập đến vấn đề “dịch bệnh cô đơn và tách biệt” (epidemic of loneliness and isolation) đang tác động xấu đến xã hội Mỹ.

“Mà điều đó đã xảy ra trước khi đại dịch Covid-19 tách rời rất nhiều người trong chúng ta ra khỏi bạn bè, người thân và các nơi có thể giúp đỡ về vấn đề này”, ông Murthy phát biểu trong thông báo nói trên được website của CNN dẫn lại cùng ngày thứ Ba. Thông báo này phát họa những điểm chính của một chiến lược quốc gia nhằm tăng cường kết nối xã hội. Đây là một phần trong một nỗ lực lớn hơn của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến trạng thái tâm thần của người dân nước này.

Các nghiên cứu cho thấy cô đơn và tách biệt có mối quan hệ với nhiều rối loạn thể chất – như mất ngủ, viêm nhiễm và hệ miễn dịch trong lứa tuổi thanh niên. Đối với người cao tuổi, điều đó dẫn đến các triệu chứng điển hình, gồm đau đớn, mất ngủ, trầm cảm, lo lắng và giảm tuổi thọ. Ở tất cả các lứa tuổi, cô đơn và tách biệt nằm trong số những nguyên nhân khiến người ta mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, nghiện ngập, tự tử hay tự làm thương tổn, cũng như suy giảm trí nhớ.

Kết nối xã hội rất quan trọng trong đời người

Theo CNN, các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng tình bạn tốt và sức khỏe thể chất dồi dào có mối quan hệ qua lại mật thiết hơn chúng ta nghĩ. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, các trải nghiệm xã hội tích cực ảnh hưởng không những đến tình trạng căng thẳng (stress) và khả năng chống lại tình trạng đó của một người mà còn là một chỉ dấu về thể chất của người đó.

Có được các mối quan hệ tốt với người khác thường mang đến kết quả tốt hơn trong việc ứng phó với các tình huống, ít căng thẳng hơn, giảm huyết áp tâm thu, giảm nguy cơ tăng huyết áp vì căng thẳng.

Tuy vậy, nếu các mối quan hệ đó lại “nhảy cóc” giữa tốt và xấu thì tác động chưa hẳn là tích cực. Nói cách khác, nếu các mốt quan hệ tốt lẫn xấu cứ xen kẽ thường xuyên, tác động tiêu cực sẽ lấn át mặt tích cực.

Trải nghiệm tích cực và tiêu cực trong quan hệ (xã hội) trở thành một phần căng thẳng trong cuộc sống thường ngày, cũng như khả năng chống chọi và các quá trình sinh lý của con người. Không chỉ bức tranh tổng thể đó là có ý nghĩa, mà các thăng trầm trong đó cũng quan trọng không kém.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra biết bao căng thẳng, bất ổn và thay đổi trong quan hệ giữa con người. Do vậy, nó cũng gián tiếp làm thay đổi tình trạng căng thẳng, khả năng chống chọi và các quá trình sinh lý trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Dưới ngữ cảnh này, các mối quan hệ xã hội có thể trở thành một vùng đệm cho an toàn sức khỏe và tăng cường các liên kết xã hội, CNN trích dẫn thông báo từ văn phòng của Bộ trưởng Murthy.

Kết nối xã hội cũng đóng vai trò quan trọng không kém gì thực phẩm, nước hay nơi con người trú ngụ. Về mặt lịch sử, một người phải dựa vào người khác để tồn tại. Con người hiện đại cũng không thoát khỏi mối quan hệ đó vốn hình thành từ kết nối và sự gần gũi với người khác sống trong cộng đồng.

Trong thông báo nói trên, ông Murthy cho rằng khi nói đến tác hại của sự cô đơn và tách biệt, cần xem đây là một cơ hội, một nghĩa vụ để đầu tư vào nỗ lực kết nối xã hội, cần thiết không kém gì nỗ lực chống hút thuốc lá, béo phì hay nghiện ngập ma túy. “Chúng ta cần kêu gọi xây dựng một phong trào nhằm cải thiện mạng lưới xã hội của nước mình. Tất cả chúng ta – từ các cá nhân đến các gia đình, trường học, nơi làm việc, các hệ thống chăm sóc sức khỏe, các công ty công nghệ, các cơ quan công quyền, các tổ chức giúp gầy dựng niềm tin và các cộng đồng – hãy cùng nhau hợp tác nhằm giải mã sự cô đơn và làm thay đổi các đối sách văn hóa trong vấn đề này”, ông Murthy nói.

Chiến lược quốc gia nhằm tăng cường kết nối xã hội

Theo CNN, chiến lược này dựa trên sáu trụ cột.

Đầu tiên, đó là tăng cường cơ sở hạ tầng xã hội trong các cộng đồng, bao gồm tăng cường các chương trình như gia tăng hiệu quả của các tổ chức tình nguyện, các tổ chức tôn giáo; các chính sách giáo dục; các thư viện và công viên xanh.

Đầu tư vào các cộng đồng địa phương và hạ tầng xã hội sẽ không thành công nếu chỉ giới hạn vào một số nhóm người. Phải tạo ra được sự tiếp cận bình đẳng cho tất cả các tầng lớp xã hội, nhất là các nhóm người có nguy cơ cao bị tách rời khỏi kết nối xã hội.

Thứ hai, phải có các chính sách ủng hộ kết nối xã hội. Các cơ quan nhà nước và các định chế cần đưa ra hướng tiếp cận trong đó nhấn mạnh rằng một chính sách phải làm lợi chứ không ngăn cản kết nối và mọi tầng lớp người dân đều liên quan đến kết nối xã hội.

Trụ cột thứ ba dựa trên vai trò quan trọng của sức khỏe cộng đồng và các hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm tăng cường kết nối xã hội. Bộ trưởng Murthy kêu gọi đội ngũ những người chăm sóc sức khỏe được huấn luyện thêm về lợi ích thể chất và tinh thần của kết nối xã hội cũng như nguy cơ khi bị tách biệt. Nhu cầu của bệnh nhân phải được lưu ý và đáp ứng. Các tổ chức nên theo dõi tình trạng tách biệt trong cộng đồng và thực hiện các đối sách để giải quyết.

Đối với trụ cột thứ tư, đó là cải cách môi trường số liên quan đến “tác động vô hình” của công nghệ lên đời sống hàng ngày và kết nối của người Mỹ. Theo ông Murthy, công nghệ có thể khiến mọi người sao nhãng bằng cách chiếm hết đầu óc của họ, làm họ cảm thấy mình tệ hơn về chính mình, về các mối quan hệ của mình, và, do đó, giảm khả năng kết nối với người khác. Ông cho rằng một số công nghệ có khuynh hướng đẩy con người ra bên lề cuộc sống, đối xử phân biệt, dọa nạt hay ủng hộ các dạng tiêu cực xã hội nguy hiểm.

Vì thế, thông báo nói trên kêu gọi các công ty công nghệ đưa ra chính sách minh bạch hơn về dữ liệu, cũng như việc thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn an toàn, ví dụ các công cụ bảo vệ liên quan đến các lứa tuổi. Tương tự, thông báo ủng hộ việc phát triển công nghệ tăng cường kết nối nhằm đẩy mạnh kết nối xã hội lành mạnh, tạo ra môi trường thích hợp cho thảo luận xã hội và bảo vệ quyền lợi người dùng.

Thứ năm, gia tăng kiến thức, thúc đẩy các bên liên quan – như công chức, nhà hoạch định chính sách, người chăm sóc sức khỏe và các nhà nghiên cứu – hợp tác với nhau để có dữ liệu đầy đủ hơn. Nếu nắm được dữ liệu chính xác, chúng ta có thể hiểu tường tận hơn động cơ của kết nối và tách biệt. Nhờ vậy, việc đối phó sẽ hữu hiệu hơn, thông báo viết.

Cuối cùng, phải cũng cố nền văn hóa kết nối trong đó mọi người ý thức xây dựng các giá trị của sự tử tế, tôn trọng lẫn nhau, quan tâm và cam kết với nhau.

Trong kết nối xã hội, phụ huynh và người chăm sóc sức khỏe đóng vai trò rất quan trọng, theo thông báo này. Chúng ta có thể xây dựng kết nối xã hội lành mạnh bằng cách dành thời gian ở bên nhau, hòa nhập với nhau mà không dùng đến màn hình và tham gia giải quyết xung đột một cách xây dựng. Theo đó, cần xây dựng tình bạn giữa các cá nhân và tham gia hoạt động nhóm, cũng như nhận biết trẻ em lên mạng thế nào đồng thời cảnh giác với các dấu hiệu cô đơn và tách biệt.

(Nguồn: CNN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới