Thứ năm, 16/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược ‘zero Covid’ bị lung lay vì Omicron nhưng Trung Quốc chưa dám từ bỏ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với chiến lược “zero Covid”, trong gần hai năm qua, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày của Trung Quốc hiếm khi vượt quá ba con số và thậm chí có nhiều tuần trôi qua không có một ca bệnh nào. Giờ đây, khi làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron ập đến, với số ca nhiễm lên đến hàng ngàn mỗi ngày, tính bền vững của chiến lược này bắt đầu bị hoài nghi.

Nhưng các chuyên gia cho rằng Trung Quốc khó có thể chuyển sang “sống chung với virus” ngay lập tức vì như vậy có thể khiến số ca tử vong - đặc biệt trong nhóm người cao tuổi - tăng vọt vượt quá khả năng xử lý của hệ thống y tế.

Trung Quốc vẫn chưa thể từ bỏ chiến lược “zero Covid” với các biện pháp quyết liệt như xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa diện rộng, bắt buộc nhập viện và cách ly mọi ca nhiễm. Ảnh: Reuters

Omicron làm lung lay chiến lược “zero Covid”

Ngay cả khi thế giới chật vật chống chọi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, dễ lây lan hơn, Trung Quốc vẫn là một “ốc đảo” tương đối an toàn, với biên giới đóng chặt và phần lớn dân số không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tất cả đã thay đổi trong tháng này, khi nhiều cụm dịch bùng phát trên khắp đất nước, đẩy số ca nhiễm mới hàng ngày lên mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc ghi nhận đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán vào đầu năm 2020.

Khoảng 12.000 ca nhiễm mới đã được báo cáo chỉ trong ba ngày qua, ở Trung Quốc. Các quan chức y tế Trung Quốc cảnh báo hệ thống phòng thủ Covid-19 lần đầu tiên phải đối mặt với BA.2, biến thể phụ của Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Để đối phó, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp kiểm soát Covid-19 đã áp dụng thuần thục nhiều lần trước đây: phong tỏa hàng chục triệu dân, đóng cửa các nhà máy ở trung tâm công nghệ của Thâm Quyến, xây dựng các bệnh viện dã chiến để cách ly các ca nhiễm ở tỉnh Cát Lâm, tâm điểm của đợt bùng phát dịch hiện nay ở Trung Quốc, giám sát hoặc cách ly những người tiếp xúc gần ca nhiễm.

Nhưng cách tiếp cận này, hay còn gọi là chiến lược "zero-Covid," đang có dấu hiệu lung lay.

Giới chức trách đã tiến hành sửa đổi quy định bắt buộc tất cả các ca nhiễm nhập viện vì lo ngại biện pháp nghiêm ngặt này có thể nhanh chóng gây quá tải cho hệ thống y tế. Theo đó, các ca nhiễm có triệu chứng nhẹ có thể được đưa đến các khu cách ly tập trung để giảm tải cho các bệnh viện.

Và cũng có những dấu hiệu cho thấy sự kiên nhẫn chịu đựng của công chúng đang bắt đầu giảm dần. Dù vậy, hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc không có nhiều sự lựa chọn khác khi nhiều câu hỏi được đặt ra về tính bền vững của chiến lược "zero-Covid”.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn chưa chuẩn bị cho sự lựa chọn " sống chung với virus ". Bác sĩ Zhang Wenhong ở Thượng Hải, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nổi tiếng với phong cách nói chuyện thẳng thắn và những hiểu biết chuyên môn của mình - đã viết trên tạp chí kinh doanh Caixin hồi tuần trước: "Chúng ta chưa chuẩn bị bất cứ thứ gì mà chúng ta cần để chuẩn bị. Làm sao chúng ta có thể lơ là (và cho phép virus lây lan)?

Tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người già còn thấp

Trung Quốc đã thực hiện những nỗ lực to lớn để bảo vệ người dân của mình: phát triển vaccine Covid-19 với tốc độ kỷ lục, thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Trung Quốc đã sản xuất 2,8 tỉ liều vaccine.

Nhưng vẫn có những lỗ hổng nghiêm trọng trong nỗ lực tiêm chủng của Bắc Kinh. Dù các vaccine của Trung Quốc được cho là vẫn có hiệu quả ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong do biến thể Omicron, có nhiều câu hỏi chưa giải đáp được về hiệu quả của chúng đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

Điều này đặt ra những lo ngại đáng kể đối với bất kỳ quá trình chuyển tiếp nào để khỏi chiến lược “zero-Covid” đối với một quốc gia vốn đã quen với việc không có ca tử vong nào do Covid-19 gây ra.

Dù phần lớn các ca nhiễm ở Trung Quốc được xem là nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng nước này đã ghi nhận các ca tử vong do Covid-19 đầu tiên trong hơn một năm vào cuối tuần trước. Giới chức y tế cho biết đó là hai bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi ở tỉnh Cát Lâm, một người đã tiêm vaccine và một người chưa.

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ tình hình dịch bệnh xấu hơn hơn là điều mà Bắc Kinh có thể hình dung sau khi chứng kiến đợt bùng phát dịch nghiêm trọng ở Hong Kong, khiến hệ thống y tế quá tải, và hơn 5.500 ca tử vong vì Covid-19 trong năm nay, phần lớn là do tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi thấp.

Yanzhong Huang, học giả cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), nói: “Ở Trung Quốc, bạn có một tỷ lệ lớn dân số chưa tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 nhờ chính sách “zero Covid”, hoặc được tiêm các loại vaccine có hiệu quả thấp trong việc ngăn ngừa lây nhiễm”.

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 tổng thể của Trung Quốc đạt mức hơn 87% nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 80 tuổi, thấp hơn so với các nước như Mỹ hoặc Anh.

Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, có khoảng 40 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine. Trong khi khoảng 80% trong số 264 triệu người cao tuổi của Trung Quốc được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ đó chỉ đạt khoảng 50% đối với nhóm người trên 80 tuổi.

Jin Dongyan, giáo sư tại Trường Khoa học y sinh thuộc Đại học Hong Kong, nói: “Chúng tôi nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều này. Đây là là một bài học khó khăn không chỉ cho Hong Kong mà còn cho cả Trung Quốc”.

Bỏ lỡ cơ hội khi không phê duyệt vaccine công nghệ mRNA

Trung Quốc vẫn chưa phê duyệt vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA của phương Tây, có thể được sử dụng như liều tăng cường, dù đã đảm bảo quyền mua 100 triệu liều vaccine của BioNTech (Đức) vào cuối năm 2020.

"Không phê duyệt vaccine của BioNTech là một cơ hội bị bỏ lỡ đối với Trung Quốc", chuyên gia an ninh y tế Nicholas Thomas, Phó giáo sư tại Đại học thành phố Hong Kong, nói và cho biết đây là ví dụ rõ ràng về chủ nghĩa dân tộc đối với vaccine.

Ông nói thêm: “Nếu vaccine của BioNTech được phê duyệt vào năm ngoái, với nguồn lực ấn tượng mà Trung Quốc đã triển khai với chương trình tiêm chủng trước đó của họ, thì có thể giờ đây, nước này không phải đối mặt với mối đe dọa tương tự từ đợt bùng phát Omicron hiện nay”.

Các nghiên cứu cho thấy vaccine công nghệ mRNA có hiệu quả ngăn ngừa biến thể Omicron cao hơn. Trong khi một số loại vaccine mRNA “cây nhà lá vườn” đang được phát triển, với ít nhất một loại đang trong giai đoạn cuối của quy trình thử nghiệm lâm sàng, vẫn chưa rõ khi nào hoặc liệu những vaccine đó cuối cùng sẽ được phê duyệt hay không.

Rủi ro càng gia tăng khi nhiều người cao tuổi của Trung Quốc sống ở nông thôn, nơi hệ thống chăm sóc y tế yếu kém hơn đáng kể so với ở các thành phố. Khả năng xử lý các ca nhiễm nghiêm trọng của Trung Quốc cũng có thể bị cản trở bởi năng lực chăm sóc đặc biệt (ICU) của hệ thống bệnh viện nước này, thấp hơn nhiều so với nhiều nước phương Tây.

Những vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt không hẳn là riêng biệt vì nhiều nước trên thế giới cũng chật vật chống chọi Covid-19 với tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người già và hệ thống y tế yếu kém.

Nhưng tại Trung Quốc, vì các biện pháp chống dịch quyết liệt cho đến nay cho phép người dân tránh được những tác động tồi tệ nhất của Covid-19, các chuyên gia cho rằng việc nới lỏng các biện pháp đó có thể là một cú sốc.

"Áp lực duy trì chính sách “zero-Covid” không chỉ từ chính quyền trung ương mà còn của công chúng", Xi Chen, giáo sư tại Trường Y tế cộng đồng thuộc Đại học Yale (Mỹ), cho biết và chỉ ra rằng người dân Trung Quốc đã rất ủng hộ các biện pháp của chính phủ trong hai năm qua.

Dù có những dấu hiệu cho thấy người dân và các chuyên gia ở Trung Quốc đang bắt đầu cởi mở hơn với các chính sách "sống chung với virus", nhưng điều này có thể đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể đối với thông điệp chính thức vốn xoáy sâu vào mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng sức khỏe bên ngoài biên giới của Trung Quốc do đại dịch Covid-19.

"Vấn đề là nếu bạn tiếp tục nhấn mạnh sự nguy hiểm của căn bệnh này và chỉ ra những hậu quả đáng sợ do nỗ lực ứng phó với đại dịch không đầy đủ của các nước khác, thì điều đó có nghĩa là nỗi sợ hãi trong công chúng sẽ không biến mất, khiến việc rời bỏ chiến lược “zero-Covid” trở nên khó khăn”, học giả Yanzhong Huang nhận định.

Hồi đầu tuần này, trả lời Đài truyền trung ương Trung Quốc (CCTV), Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia ứng phó Covid-19 của Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc chỉ xem xét điều chỉnh chiến lược “zero Covid” khi các điều kiện tổng thể thay đổi ở trong nước lẫn nước ngoài, chẳng hạn có nhiều công cụ tốt hơn để chống dịch, Omicron đột biến thành chủng ít độc lực hơn và lây lan kém hơn.

Liang, 60 tuổi, là người có công lao trong việc giúp ngăn chặn đợt bùng phát của dịch SARS ở Bắc Kinh vào năm 2003 và làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán vào đầu năm 2020.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới