(KTSG Online) – Sự xuất hiện của biến thể Omicron buộc chính quyền đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) siết chặt chiến lược “zero Covid” bằng cách triển khai các biện pháp giãn cách xã hội mới. Động thái này không chỉ gây tổn thất cho các nhà bán lẻ và nhà hàng mà còn làm giảm mạnh số chuyến bay chở hàng ngàn tấn hàng hóa từ trái cherry cho đến thịt bò Wagyu đến Hong Kong .
- Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy ngày càng trầm trọng
- Trung Quốc đóng cửa một phần cảng container lớn thứ 3 thế giới vì 1 ca nhiễm Covid-19
Hàng trăm chuyến bay bị hủy
Các ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại Hồng Kông được phát hiện vào cuối năm ngoái, phá tan thành quả 3 tháng không có ca nhiễm lây lan trong cộng đồng.
Các ca nhiễm này có tiếp xúc với một số thành viên phi hành đoàn của hãng bay Cathay Pacific Airways, đã được xác định dương tính với biến thể này. Kể từ đó, số ca nhiễm ở Hong Kong tăng nhanh so với trước dù vẫn ở mức vài chục ca mỗi ngày, thấp hơn rất nhiều so với các nơi khác trên thế giới.
Một báo cáo nghiên cứu của Đại học Trung văn Hương Cảng cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 ở Hồng Kông sẽ tăng thêm 250.000, bao gồm 15.000 ca nặng trong vòng 6 tháng tới nếu chính quyền không siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội.
Chính quyền đang chạy đua ngăn chặn Omicron bằng một loạt hạn chế mới vì lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ 5 sẽ nhấn chìm hệ thống y tế.
Vì theo đuổi chiến lược “Zero Covid” tương tự như Trung Quốc, Hong Kong đã thông báo đóng cửa các quán bar, phòng gym, rạp chiếu phim, hồ bơi và các tụ điểm giải trí, thể thao khác trong vòng 2 tuần bắt đầu từ ngày 7-1. Các nhà hàng chỉ được phép phục vụ đến 6 giờ tối. Giới chức trách cũng cấm các chuyến bay từ 8 nước gồm Úc, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ từ ngày 8 đến ngày 21-1. Hôm 11-1, Hong Kong cũng đã cấm thêm các chuyến bay quá cảnh từ 150 nước và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao trong thời gian từ 15-1 đến 14-2.
Cathay Pacific Airways, hãng hàng không có mạng lưới bay quốc tế lớn nhất của Hong Kong, đã phải hủy hàng trăm chuyến bay. Chi phí kho vận cho hàng hóa nhập khẩu dự kiến phát sinh thêm 40% trong vòng ba tuần tới. Các nhà nhập khẩu ở Hong Kong cảnh báo giá trái cây sẽ tăng 10%.
Đồng thời, chuỗi cung ứng, vốn đã bị rạn nứt đối với một thành phố nhập khẩu hầu hết hàng hóa, đã đạt đến điểm đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp bị giao hàng trễ, bao gồm các mặt hàng chủ lực như quả mọng, sữa chua cũng như hải sản và pho mát cao cấp.
Nguy cơ về một đợt tăng ca nhiễm Covid-19 do đà lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã đặt Hong Kong vào tình trạng báo động khi tỷ lệ tiêm chủng ở đặc khu này thuộc hàng thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Giới chức trách đang giám sát ít nhất ba chuỗi lây nhiễm.
Do lo ngại Omicron, giới chức trách đã bãi bỏ quy định miễn trừ cách ly đối với phi hành đoàn, buộc Cathay Pacific Airways phải cắt giảm mạnh số chuyến bay chở hàng. Hãng sẽ chỉ hoạt động khoảng 20% công suất chở hàng của trước đại dịch trong tháng này do thiếu nhân lực. Quyết định cấm các chuyến bay chở khách từ 8 nước nói trên càng làm giảm thêm công suất chở hàng từ khoang bụng của máy bay.
Gary Lau, Chủ tịch Hiệp hội giao nhận và kho vận Hồng Kông, cho biết hai đòn giáng trên dẫn đến “sự thiếu hụt nghiêm trọng về không gian vận chuyển hàng hóa”.
Trả giá đắt cho chiến lược quét sạch Covid
Các quy định phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt của Hong Kong phần lớn dựa theo các quy tắc của Trung Quốc đại lục, nơi vẫn duy trì mục tiêu dập tắt các ổ lây nhiễm ngay sau khi phát hiện. Tuy nhiên, thành phố này phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu để duy trì nguồn cung thực phẩm cho 7,4 triệu dân. Sự phụ thuộc đó làm dấy lên lo ngại rằng chiến lược “zero Covid” sẽ không bền vững.
Nhiều doanh nghiệp Hong Kong, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đang phải gánh chịu hậu quả của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Các nhà cung cấp đối mặt với sự thiếu hụt mọi thứ, từ cà tím đến tôm hùm. Hoa nhập khẩu từ châu Âu để phục dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng có thể bị thiếu hụt, cũng như trái cây và rau được vận chuyển bằng đường hàng không từ những nơi như Vương quốc Anh và Hà Lan.
Lĩnh vực bán lẻ và nhà hàng của Hong Kong, mới bắt đầu phục hồi sau nhiều tháng bị hạn chế trước đó, có thể cũng sẽ bỏ lỡ mùa kinh doanh cao điểm trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Doanh thu từ cả hai lĩnh vực này đạt 326 tỉ đô la Hồng Kông (42 tỉ đô la Mỹ) trong ba quý đầu năm ngoái sau khi chính quyền nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Con số đó vẫn thấp hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhiều doanh nghiệp đang trải qua cơn ác mộng chuỗi cung cứng. Richard Poon, Giám đốc điều hành công ty nhập khẩu hải sản On Kee Dry Seafood, cho biết các đơn đặt hàng bào ngư đóng hộp và ốc xà cừ đã bị kẹt ở Úc. 30% nguồn cung của công ty ông hiện phụ thuộc vào đường vận chuyển hàng không. Ông cho biết thêm trong tháng 11 năm ngoái, các cửa hàng ở Hong Kong đã tăng đơn đặt hàng giao bằng máy để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ. Ông nói: "Nguồn cung bây giờ thậm chí còn thắt chặt hơn. Chúng tôi lo ngại không còn hàng để bán cho khách".
Jacques Derreumaux, người đồng sáng lập Công ty Cheese Club & WHAT’sIN, nhà cung cấp pho mát Pháp, trái cây và rau quả tươi, cảnh báo tình trạng gián đoạn hàng không, nếu kéo dài, sẽ “trở thành vấn đề rất lớn đối với tất cả các nhà nhập khẩu”.
Michael Li, Phó thư ký danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu và nhập khẩu Trung Quốc tại Hong Kong, cho biết các biện pháp hạn chế đi lại rốt cục sẽ khiến giá bán lẻ tăng đột biến. Ông dự đoán thời gian giao hàng sẽ lâu hơn và chi phí vận chuyển có thể tăng khoảng 30%.
Chẳng hạn, người tiêu dùng có thể chứng kiến giá hoa tươi tăng từ 20% đến 30% vì chúng thường được vận chuyển từ châu Âu đến Hong Kong bằng đường hàng không. Giá cả cũng có thể tăng tại các nhà hàng Nhật Bản, nơi sử dụng nguyên liệu hải sản cao cấp, cũng như các nhà hàng Trung Quốc, nơi cung cấp các bữa tiệc hải sản trong các kỳ nghỉ lễ.
Gary Lau, Chủ tịch Hiệp hội giao nhận và kho vận Hong Kong, cho biết đã có nhiều dấu hiệu cho thấy "chuỗi cung ứng hàng không đang sụp đổ". Ông nói: “Chừng nào giới chức trách còn chưa nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chúng tôi tin rằng tình hình sẽ không thay đổi trong ngắn hạn”.
Theo Bloomberg