(KTSG Online) - Bốn năm sau cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đánh mất đáng kể thị phần xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin (IT) và điện tử tiêu dùng sang Mỹ. Mexico và Đài Loan thay thế phần lớn khoảng trống thị phần mà Trung Quốc để lại.
- Chính sách trợ cấp xe điện của Mỹ có thể thổi bùng chiến tranh thương mại toàn cầu
- Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu để cắt đứt nguồn chip cao cấp sang Trung Quốc
Năm 2018, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với các máy chủ, modem, bộ định tuyến, tai nghe không dây và đồng hồ thông minh do Trung Quốc sản xuất khi ông tung đòn đầu tiên trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.
Kể từ đó, nhập khẩu các thiết bị phần cứng IT và sản phẩm điện tử tiêu dùng của Mỹ từ Trung Quốc giảm 62%, trong khi, nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới tăng thêm hơn 60%, theo một báo cáo nghiên cứu công bố hôm 20-10.của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), có trụ sở ở Washington.
Theo PIIE, thị phần nhập khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm này từ Trung Quốc giảm gần 2/3, từ 38% xuống còn 13% trong 4 năm qua. Trong cùng kỳ, Mexico và Đài Loan vươn lên trở thành các nhà cung cấp lớn đối với Mỹ trong lĩnh vực IT và điện tử tiêu dùng.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn sự mất mát nhập khẩu các sản phẩm chip cấp thấp của Trung Quốc. PIIE cho biết Trung Quốc chiếm 47% lượng chip nhập khẩu của Mỹ trước tháng 7-2018, nhưng thị phần của nước này đã giảm xuống còn 39% ngay sau khi thuế quan được áp dụng.
Các nhà máy bán dẫn của Trung Quốc sản xuất một lượng lớn chip cơ bản, còn được gọi là chip truyền thống , có tỷ suất lợi nhuận thấp. PIIE cho biết những sản phẩm này không còn hấp dẫn đối với những gã khổng lồ sản xuất chip như TSMC của Đài Loan hay Samsung của Hàn Quốc, những công ty đang chú trọng sản xuất những con chip cao cấp hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn.
“Khi những sản phẩm chip truyền thống này không còn biên lợi nhuận cao để khuyến khích sản xuất, và nếu Mỹ không muốn nhập khẩu chúng từ Trung Quốc, thì ai sẽ sản xuất chúng? Đó là câu hỏi mà người tiêu dùng công nghiệp của Mỹ, như lĩnh vực ô tô, phải đối mặt vì họ vẫn cần một lượng lớn loại chip này”, PIIE cho biết.
Ngành ô tô đang phải cắt giảm quy mô sản xuất do tình trạng thiếu chip toàn cầu. Nguồn cung chip bắt đầu giảm vào thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19 do hàng loạt nhà máy sản xuất chip đóng cửa. Doanh số bán các thiết bị điện tử tăng vọt sau đó, do các công ty chuyển sang hình thức làm việc từ xa, dẫn đến tình trạng thiếu chip ngày càng trầm trọng.
Báo cáo của PIIE cho biết, bất chấp mức thuế cao, nhập khẩu thiết bị tập thể dục và pin lithium của Mỹ từ Trung Quốc vẫn tăng đáng kể. Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% thị phần nhập khẩu của Mỹ cho cả hai sản phẩm này, nhờ nhu cầu tăng cao đối với máy chạy bộ, máy tập chèo thuyền và xe điện của người tiêu dùng Mỹ.
Các sản phẩm của Trung Quốc được Mỹ miễn thuế, bao gồm máy tính xách tay, màn hình máy tính, điện thoại, máy chơi game và đồ chơi, hiện chiếm 27% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, tăng từ 21% trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.
Tuy nhiên, PIIE cho biết dữ liệu chỉ phản ánh những thay đổi về nơi lắp ráp hàng hóa nhập khẩu chứ không phản ánh bất kỳ thay đổi nào đối với hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Theo PIIE, có một số bằng chứng về sự tách rời thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ và điều này gây tổn thất cho các doanh nghiệp Mỹ lẫn Trung Quốc. Báo cáo của PIIE cho biết: “Các quyết định chính sách được đưa ra ngày hôm nay nhằm giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động sâu sắc đối với cả hai nền kinh tế, và cả hai bên đều không thoát khỏi sự tổn thương”.
Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ cân nhắc việc rút lại một số mức thuế quan áp vào hàng hóa dưới thời Tổng thống Trump để hỗ trợ giảm lạm phát nhập khẩu. Nhưng hồi tháng 9, Nhà Trắng đã trì hoãn quyết định này.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ đã hết hạn vào cuối năm ngoái. Một báo cáo trước đây của PIIE gọi đó là một “thất bại lịch sử” vì Trung Quốc chỉ mua 57% trong tổng giá trị hàng hóa của Mỹ mà nước này đã cam kết mua hàng năm.
Theo SCMP