Thứ năm, 8/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến tranh thương mại làm “chuyển hướng” dòng vốn FDI

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiến tranh thương mại làm “chuyển hướng" dòng vốn FDI

Thùy Dung

(TBKTSG Online) - Chiến tranh thương mại sẽ làm chuyển hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ các nước như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc vào các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt nguồn vốn này với các nước trong khu vực.

Chiến tranh thương mại làm “chuyển hướng
Dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển do chiến tranh thương mại - Ảnh minh họa: TD

FDI có thể tăng nhờ chiến tranh thương mại

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đã đặt ra cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam trong việc thu hút và sử dụng FDI trong giai đoạn tới.

“Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc có khả năng tác động làm điều chỉnh dòng đầu tư của Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc vào các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn trước áp lực cạnh tranh với một số nước trong khu vực trong việc thu hút nguồn vốn này", ông Dũng nói tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 4-10 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho hay thương mại toàn cầu đang ở “giao điểm”. Rào cản và thuế ngày càng trở nên phổ biến, Mỹ và Trung Quốc đang áp đặt hàng tỉ đô la tiền thuế lên hàng nghìn sản phẩm từ phụ tùng máy móc tới nguyên liệu thực phẩm. Song, thực tế đã chứng minh rằng chủ nghĩa bảo hộ có tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm tăng chi phí thương mại khiến hàng hoá và dịch vụ đắt đỏ hơn.

Vì vậy, để thu hút thêm nhiều FDI trong tương lai, Việt Nam cần nắm bắt xu thế thương mại tự do và mở cửa thị trường. Hiện nay, lượng lớn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo cơ hội cho Việt Nam tiến xa hơn, ví dụ như FTA giữa EU và Việt Nam, dự kiến sẽ được ký năm 2019. Hiệp định này sẽ càng thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU và giúp thu hút dòng vốn FDI từ các nước châu Âu.

Đồng qua điểm, ông Kitagawa Hironobu, Trưởng văn phòng đại diện, Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho hay trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng trên thế giới, Việt Nam và Nhật Bản đang tích cực nhằm đưa Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn được coi là bước đột phá trong trong thúc đẩy thương mại tự do đi vào hiện thực. Việc hiện thực hóa những hiệp định thương mại như vậy sẽ giúp gia tăng sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực, tự động hóa có xu hướng thay thế lao động giản đơn, yếu tố hiện vẫn đang là lợi thế thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam.

Theo ông Kitagawa Hironobu, một trong những vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam gặp phải là “tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện của Việt Nam còn thấp”. Kết quả khảo sát của JETRO cho thấy tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh phụ kiện trong ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Thái Lan hay một số quốc gia lân cận. Đây được coi là vấn đề tồn tại trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhưng cũng là tiềm năng chưa khai thác hết của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực rất quan trọng, xây dựng hệ thống đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề ngay từ các cấp bậc đào tạo như đại học là điều cần thiết. Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), cho hay dù muốn chuyển giao công nghệ nhưng nếu Việt Nam thiếu các kỹ sư có thể nhận bàn giao thì có thể coi đây là việc không dễ dàng.

Thay đổi để thu hút FDI thế hệ mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng nhìn nhận lại những bất cập trong việc thu hút nguồn vốn FDI cũng như tìm ra giải pháp thu hút nguồn vốn FDI “thế hệ mới". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay về cơ bản, các doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ trung bình, hoặc trung bình tiên tiến trong khu vực, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn ít.

Liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng, chủ yếu gia công, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng không cao. Một số dự án nước ngoài tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI còn biểu hiện báo lỗ, chuyển giá, đầu tư chui, không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Theo nghiên cứu của ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên trường chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, vấn đề lớn nhất đối với FDI trong 30 năm qua nhìn từ góc độ của Việt Nam là hầu hết các doanh nghiệp hay ngành sản xuất đều như các “ốc đảo”. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.

“Do vậy, Việt Nam vẫn chưa thể bước lên được các nấc thang giá trị cao hơn, trong khi ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI”, ông Du nói.

Để thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng, khắc phục được những bất cập từ nguồn vốn đầu tư FDI trong thời gian qua, theo ông Du, việc đầu tiên cần làm là xây dựng được một hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đào tạo đại học để có đội ngũ nhân sự trình độ cao với khả năng đổi mới sáng tạo tốt.

Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Giải pháp này phải gắn chặt với giải pháp thứ nhất, đó là giáo dục đào tạo. Ngoài ra, cần đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ được thực thi và giảm thiểu tình trạng xâm phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Thêm vào đó, một vấn đề quan trọng không kém là giảm thiểu tình trạng cạnh tranh xuống đáy giữa các địa phương. Việt Nam cần xem xét chính sách chỉ ưu đãi một lần đối với các doanh nghiệp FDI chứ không nên duy trì tình trạng đã được ưu đãi ở các địa phương này, nhưng sang các địa phương khác lại được ưu đãi như đầu tư mới.

Mời đọc thêm:

Đại biểu Quốc hội: “Cần một chiến lược thu hút FDI mới”

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới