Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hạ nhiệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hạ nhiệt

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, hôm 15-1, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chính thức đặt bút ký thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, giúp hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 18 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt
Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung sau khi ký kết. Ảnh: New York Times

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký kết. Một phần của thỏa thuận là Mỹ đồng ý cắt giảm 50% mức thuế 15% đã áp vào 120 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc hồi đầu tháng 9. Các mức áp thuế mà Mỹ áp vào hàng trăm tỉ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên.

Theo hãng tin Bloomberg, nội dung của toàn văn thỏa thuận dài gần 100 trang, tập trung vào 5 trọng điểm.

Tài sản sở hữu trí tuệ

Nội dụng thỏa thuận nêu rõ: “Mỹ ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ (IP). Trung Quốc ghi nhận tầm quan trọng của việc thiết lập và triển khai hệ thống pháp lý toàn diện về bảo vệ IP và tính thực thi khi Trung Quốc chuyển từ một nước sử dụng IP lớn sang một nước sản xuất IP lớn. Trung Quốc tin rằng nâng cao bảo vệ IP và thực thi các quy định bảo vệ IP là có lợi cho việc xây dựng một đất nước sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp được thúc đẩy bởi sáng tạo cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng cao”.

Theo thỏa thuận, hai bên nhất trí cải thiện các quy trình kiện tụng dân sự và hình sự chống lại các hành vi ăn cắp bí mật thương mại, vi phạm bản quyền IP.

Vấn đề bảo vệ IP là trọng tâm của cuộc điều tra của Văn phòng Đại diện Thương mại (USTR) về các thực hành IP của Trung Quốc hồi năm 2017. Cuộc điều tra kết luận Trung Quốc cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, xâm nhập mạng lưới máy tính Mỹ để ăn cắp bí mật kinh doanh, gây thiệt hại cho các công ty Mỹ. Đó là cơ sở để Mỹ phát động cuộc chiến thuế chống Trung Quốc.

Tăng mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ

“Trong vòng 2 năm tính từ 1-1-2020 đến 31-12-2021, Trung Quốc đảm bảo mua và nhập khẩu hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng cũng như các dịch vụ của Mỹ được nêu trong Phụ lục 6.1 của thỏa thuận với mức mua tăng thêm so với năm 2017 không dưới 200 tỉ đô Mỹ”, thỏa thuận cho hay.

200 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ Mỹ này sẽ bao gồm 32 tỉ đô la nông sản. Đây là tin vui cho nông dân và các nhà sản xuất khác của Mỹ vốn đang chịu tổn thương nặng nề vì thuế trả đũa Trung Quốc áp vào hàng hóa của họ trong gần hai năm qua.

Chuyển giao công nghệ

Về vấn đề này, thỏa thuận Mỹ-Trung nhấn mạnh: “Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm rằng chuyển giao công nghệ phải diễn ra trên cơ sở tự nguyện và theo cơ chế thị trường đồng thời ghi nhận rằng cưỡng ép chuyển giao công nghệ là mối lo ngại lớn. Hai bên cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc tiến hành các bước đi để giải quyết các vấn đề này trong bối cảnh công nghệ và những thay đổi công nghệ đang tác động sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới”.

Hai bên cũng cam kết không ép buộc doanh nghiệp của mỗi bên chuyển giao công nghệ thông qua thâu tóm, liên doanh và các giao dịch đầu tư khác.

Cưỡng ép chuyển giao công nghệ là một trong bức xúc của giới doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc. Từ lâu, họ cáo buộc Trung Quốc ép họ phải chuyển giao công nghệ cho đối tác liên doanh của Trung Quốc như là điều kiện để kinh doanh tại nước này.

Tỷ giá hối đoái

Cũng theo thỏa thuận Mỹ-Trung,  các vấn đề liên quan đến chính sách hoặc tính minh bạch của tỷ giá hối đoái phải được nêu ra bởi bộ trưởng Tài chính Mỹ hoặc thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) để giải quyết theo Thỏa thuận giải quyết tranh chấp và đánh giá song phương (BEDRA) ở Chương 7 của thỏa thuận.

Nếu hai bên không giải quyết được các vấn đề trên theo BEDRA, bộ trưởng Tài chính Mỹ hoặc thống đốc PBoC cũng có thể đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiến hành giám sát chặt chẽ chính sách tỉ giá và vĩ mô. Đồng thời tính minh bạch dữ liệu và chính sách của bên được yêu cầu hoặc khởi động các cuộc tham vấn chính thức và cung cấp dữ liệu phù hợp.

Mới đây, Mỹ quyết định gỡ nhãn thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. Từ lâu, Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tỉ giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ các công ty xuất khẩu của Trung Quốc tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, gây tổn hại cho các công ty Mỹ.

Điều khoản trên cung cấp cho Mỹ một phương án khác để thực thị các nguyên tắc thị trường đối với chính sách tỷ giá của Trung Quốc

Dịch vụ tài chính

Nội dung thỏa thuận cho biết Trung Quốc sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Mỹ xin giấy phép kinh doanh ở hạng mục công ty quản lý tài chính, cho phép họ mua các tài sản xấu từ các ngân hàng Trung Quốc. Trung Quốc sẽ cấp giấy phép cấp tỉnh trước rồi sau đó, mở rông ra cấp quốc gia. Trung Quốc cam kết đối xử công bằng với các nhà cung cấp tài chính Mỹ, bao gồm trong quy trình cấp giấy phép.

“Muộn nhất là đến ngày 1-4-2020, Trung Quộc sẽ gỡ bỏ mức trần cổ phần mà nước ngoài được phép nắm giữ trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, lương hưu và nhân thọ của Trung Quốc. Đồng thời cho phép các công ty bảo hiểm 100% vốn của Mỹ tham gia kinh doanh những lĩnh vực này.” Thỏa thuận nêu rõ.

Trung Quốc khẳng định không có giới hạn nào đặt ra với việc các công ty bảo hiểm Mỹ được thành lập ở Trung Quốc được quyền sở hữu hoàn toàn các công ty quản lý tài sản bảo hiểm ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cam kết chậm nhất là đến ngày 1-4 tới đây, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ trần sở hữu cổ phần của nước ngoài ở các lĩnh vực chứng khoán, hợp đồng tương lai, quản lý quỹ. Trung Quốc cũng cho phép các nhà cung cấp dịch vụ xếp hạng tín dụng 100% vốn Mỹ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu của Trung Quốc bán cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Theo Bloomberg

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới