(KTSG Online) - Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ có những tác động gì lên nền kinh tế thế giới? Trước mắt hàng loạt ngành nghề từ lương thực, phân bón đến chế tạo máy bay, xe ô tô sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù nhắc đến Nga người ta chỉ nghĩ đến chuyện nước này xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt nhưng thật ra, cùng với Ukraine, cả hai hiện đang xuất khẩu đến gần một phần ba lượng lúa mì của thế giới. Hai nước này còn xuất khẩu lúa mạch, dầu hạt hướng dương và bắp. Nếu lượng xuất khẩu này bị tắt nghẽn, kèm với giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến giá cả lương thực biến động kèm theo bất ổn xã hội ở nhiều nơi. Theo IMF, giá lúa mì đã tăng đến 80% trong giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 12-2021 do đại dịch và tắt nghẽn phương tiện vận tải. Các nước đang phụ thuộc vào lúa mì của Ukraine và Nga như vùng Bắc Phi và Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn cả.
Nga còn là nguồn cung cấp một số kim loại dùng trong sản xuất công nghiệp như niken, titan, palladium và nhôm. Titan dùng nhiều trong sản xuất máy bay và động cơ máy bay còn palladium được dùng trong các bộ lọc khí thải, điện cực và đồ điện tử. Xung đột kéo dài cộng với các lệnh cấm vận có thể gây ra tình trạng khan hiếm các kim loại này như từng xảy ra trong năm đầu đại dịch. Nga đang chiếm 14% sản lượng nhôm toàn cầu. Một nhà phân tích của JPMorgan nói trên tờ Financial Times rằng rủi ro gián đoạn nguồn cung platium của Nga là lớn vì nước này đang chiếm đến 40% lượng cung platium toàn cầu.
Tác động rõ nhất là khí đốt và dầu thô; cả hai đều đang tăng mạnh trước viễn cảnh nguồn cung bị gián đoạn. Hiện nay Nga là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba trên thế giới, mỗi ngày bơm được chừng 10 triệu thùng dầu thô. Hãng BP và TotalEnergies là hai hãng sản xuất dầu thô châu Âu có liên quan đến Nga nhiều nhất. BP đang sở hữu gần 20% cổ phần Rosneft, một trong những hãng dầu khí lớn nhất của Nga. Năm ngoái số cổ phần này đem lại 2,4 tỉ đô la lợi nhuận cho BP và đã được chia 640 triệu đô la cổ tức. Riêng với khí đốt thì Nga đang cung cấp đến 40% lượng khí đốt châu Âu đang tiêu thụ.
Nga và Ukraine là nguồn cung chủ yếu các loại khí hóa chất C4F6 và neon dùng trong sản xuất bán dẫn. Một số ít công ty ở Ukraine chuyên về neon là một phụ phẩm từ quá trình sản xuất thép ở Nga; neon được dùng trong các tia laser dùng để khắc lên các con chip bán dẫn. Ukraine hiện chiếm một phần tư lượng neon thế giới sản xuất; giá neon lại tăng gấp ba trong vòng sáu tháng qua khi các nhà máy sản xuất thép ở Trung Quốc cung ứng loại khí này như một phụ phẩm lại đóng cửa để Trung Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông. Nguồn cung xenon và krypton, cũng rất cần thiết trong sản xuất bán dẫn, đang suy giảm.
Ukraine là nơi mở nhà máy linh kiện xe hơi của một số hãng, chủ yếu làm linh kiện trong một chuỗi cung ứng gồm nhiều quốc gia, kể cả Nga và châu Âu. Hãng Bosch và Aptiv có nhà máy ở miền tây Ukraine, dọc theo biên giới với Ba Lan vì đây là một trung tâm sản xuất linh kiện xe hơi lớn. Nhà máy của Bosch chỉ cung cấp linh kiện cho thị trường phụ tùng thay thế chứ không trực tiếp cung ứng cho các nhà máy sản xuất ô tô. Nhều nhà máy khác chuyên sản xuất dây điện để tận dụng nhân công rẻ.
Một số hãng ô tô có nhà máy đặt ở Nga như Renault, Stellantis, Toyota, Kia và Nissan. Trong đó Renault đang sở hữu hãng sản xuất xe lớn nhất Nga là Avtovaz. Hãng này đang chiếm gần một phần ba thị trường xe bán ở đây. Hãng Stellantis với những thương hiệu như Fiat hay Jeep là hãng duy nhất có cơ sở sản xuất ở Nga để xuất khẩu đi nước khác. Tất cả đều đang phải lên kế hoạch đối phó với tình hình có chiến tranh.
Mondelez, nhà sản xuất sô-cô-la Cadbury và bánh Oreo cho biết đã tạm ngưng hoạt động của hai nhà máy tại Ukraine. Carlsberg, nhà sản xuất bia lớn thứ ba thế giới cũng tạm đóng cửa ba nhà máy bia ở Ukraine, cho công nhân về nhà. Nesle cũng đã cho 5.800 nhân viên ở Ukraine về nhà sau khi chiến sự nổ ra. Hãng này cho biết đã tạm đóng cửa ba nhà máy và trung tâm dịch vụ ở Ukraine.
Lịch sử loài người, chiến tranh và kinh tế luôn là một cặp phạm trù, cho dù mục tiêu của mỗi thứ có thể khác nhau theo từng thời kỳ. Chiến tranh thế giới 1/ 2 thực chất cũng là sự phân chia lại quyền lực kinh tế theo lãnh thổ địa chính trị. Chiến tranh cục bộ xảy ra nơi này nơi khác, thực chất cũng là một dạng phân bổ lại trạng thái quyền lực của nhóm cầm quyền, và rốt cuộc đàng sau đó là lợi ích kinh tế nhóm và đại nhóm. Chắc khó mà chía tách khỏi chiến tranh và kinh tế, trừ khi thế giới này là đại đồng.
chỉ toàn vụn vặt thôi, trẫm tính hết rồi