Chính khí mạnh đẩy lùi tà khí
BS Lê Hùng (*)
![]() |
minh họa: Khều. |
(TBKTSG) - Môi trường sống ô nhiễm, các loại thực phẩm, đồ uống nhiễm độc… là những tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Để phòng tránh, chúng ta cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
“Chính khí mạnh thì tà khí lui” là nguyên tắc phòng bệnh của người xưa. Khi cơ thể khỏe mạnh về cả tinh thần lẫn thể chất, những tác nhân gây bệnh không thể thâm nhập để gây hại. Trên thực tế lâm sàng, điều này luôn đúng.
Trong một nhóm người cùng chịu một loại stress (một tác nhân gây bệnh) có cùng tính chất và cường độ như nhau, nhưng hậu quả tác động của nó rất khác nhau. Một số người mắc bệnh nặng, có thể tử vong; một số mắc bệnh vừa hoặc nhẹ, có thể phục hồi nhanh chóng; còn số khác thì vẫn khỏe mạnh, gần như không bị tác động. Những người chỉ bị bệnh nhẹ hoặc không bị bệnh gì cả phụ thuộc vào chính khí hay sức đề kháng của cơ thể.
Theo y học hiện đại, sức đề kháng của cơ thể là khả năng chống lại những tác nhân gây bệnh xâm hại cơ thể. Những tác nhân này có thể tấn công từ bên ngoài hoặc ngay bên trong cơ thể. Nhìn chung sức đề kháng bao gồm hai loại là đề kháng không đặc hiệu và đề kháng đặc hiệu.
Đề kháng không đặc hiệu, hay còn gọi là khả năng phòng vệ không đặc hiệu của cơ thể, bao gồm những chức năng sau: kích thích trung khu điều nhiệt tạo nên phản ứng sốt, phản ứng viêm tại chỗ, co mạch hay giãn mạch để điều hòa lưu lượng máu đến vùng bị bệnh; kích thích các tuyến nội tiết, tiết ra các nội tiết tố phù hợp để hóa giải tác nhân gây bệnh; bao vây và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh thông qua hoạt động của các loại bạch cầu, tiểu cầu, và một số yếu tố khác (yếu tố đông máu, bổ thể, các kinin…). Một số chất đặc biệt của tế bào được tiết ra để ngăn ngừa và hóa giải các tác nhân gây bệnh (cytokin, interleukin)…
Đề kháng đặc hiệu, hay còn gọi là phòng vệ đặc hiệu, bao gồm: sự hình thành và hoàn chỉnh hệ miễn dịch của cơ thể, quá trình nhận biết kháng nguyên (vi trùng, virus, các chất lạ…) thâm nhập cơ thể, hình thành kháng thể đặc hiệu để chống lại và tiêu hủy những kháng nguyên gây bệnh; quá trình hoạt động của kháng thể để loại bỏ những kháng nguyên đặc hiệu…
Như vậy, để có thể bảo vệ cơ thể tránh được những tác nhân xâm hại từ bên trong cũng như bên ngoài, cá nhân đó phải có một hệ miễn dịch được phát triển mạnh mẽ và hoàn chỉnh.
Theo y học cổ truyền, sức đề kháng của cơ thể bao gồm nguyên khí và thận tinh. Đây là hai nguồn năng lượng chính của cơ thể.
Nguyên khí là nguồn khí lực chung của cơ thể và được cho là nằm ở vùng đan điền (vùng dưới rốn khoảng 2-3 cen ti mét), còn thận tinh nằm ở vùng thắt lưng. Cả hai đều sẵn sàng hỗ trợ các dạng khí khác khi cần. Có hai loại khí tiêu biểu cho sức đề kháng của cơ thể là dinh khí và vệ khí.
Dinh khí có tác dụng nuôi dưỡng cơ thể. Nếu dinh khí suy, cơ thể sẽ suy yếu do không được nuôi dưỡng tốt, vì thế khả năng đề kháng sẽ kém. Vệ khí có tác dụng bảo vệ, làm ấm, làm nhu nhuận phần ngoài (gân, cơ, da thịt…), bảo vệ và duy trì nhiệt độ phù hợp cho các cơ quan, tạng phủ của cơ thể. Nếu vệ khí yếu, sức chống đỡ của cơ thể sẽ suy giảm. Lúc này, cơ thể rất dễ mắc các loại bệnh tật. Khi nguyên nhân gây bệnh là những tác nhân bên ngoài bao gồm sáu loại tà khí: gió (phong) - lạnh (hàn) - nóng (thử) - ẩm thấp (thấp) - khô (táo) - nhiệt (hỏa) tác động, cơ thể sẽ huy động nội lực để chống lại.
Đầu tiên, khi tà khí còn nhẹ hay chỉ mới tác động vào phần nông bên ngoài cơ thể (phần biểu), thì sẽ bị vệ khí ngăn chặn, đánh đuổi để loại bỏ tà khí ra khỏi cơ thể. Trong trường hợp tà khí mạnh, đi sâu hơn vào bên trong cơ thể (phần lý), cơ thể phải huy động đến dinh khí, khí của các cơ quan tạng phủ và nguyên khí của cơ thể để chống lại. Cuộc chiến ở giai đoạn này rất khốc liệt, đôi khi phải cần sự trợ giúp thêm của thuốc mới có thể chiến thắng tà khí và đẩy lùi bệnh tật. Chính vì vậy, người xưa luôn đề cao vấn đề phòng bệnh, chữa bệnh thật sớm khi tác nhân gây bệnh mới chỉ ở phần nông.
Như vậy, sức đề kháng của cơ thể rất quan trọng trong vấn đề phòng bệnh và điều trị bệnh. Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay luôn bị bủa vây bởi rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Đó là môi trường ô nhiễm nặng nề. Thức ăn không hợp vệ sinh, bị tẩm các loại hóa chất bảo quản, bị nhiễm độc bởi các loại thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, tăng trưởng, thuốc trừ sâu… Rồi vấn đề ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn…
Những tác nhân gây bệnh này đã làm tổn hại sức đề kháng, làm cho các loại bệnh thông thường, nhẹ như cảm cúm cũng có thể đột biến thành những bệnh rất nặng như cúm gia cầm (H5N1), các bệnh thông thường cũng trở thành bệnh nặng, còn những bệnh nặng thì trở nặng hơn, nguy kịch hơn. Những chứng bệnh nan y trước đây không nhiều thì hiện nay xuất hiện nhiều, đặc biệt là ung thư.
Như đã đề cập ở trên, thức ăn, thức uống nhiễm độc nhưng chúng ta không thể không ăn, không uống. Không khí ô nhiễm nhưng chúng ta không thể không thở. Tiếng ồn khủng khiếp suốt ngày đêm nhưng chúng ta không thể không nghe… Chúng ta cũng không thể ngồi lo âu, trách móc hay than khóc mà phải tự tìm cách cứu mình. Đó là cần nâng cao sức đề kháng để có thể chống lại và hóa giải những tác nhân gây bệnh. Nếu có được một sức đề kháng mạnh mẽ, chúng ta có thể tồn tại, khỏe mạnh và vui hưởng hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Vấn đề làm sao có được “chính khí đủ mạnh để đẩy lùi tà khí”. Chúng tôi xin được trình bày đề tài trong bài viết kế tiếp.
_________
(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM