Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ báo cáo Quốc hội về “quản trị quốc gia”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ báo cáo Quốc hội về “quản trị quốc gia”

Lan Nhi

Chính phủ báo cáo Quốc hội về
Việc quyết liệt tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém là một điểm sáng trong nhiệm kỳ Chính phủ bốn năm qua – Ảnh: TL

(TBKTSG Online)-  Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức chất vấn theo hình thức chất vấn lại về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội ở tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội đã được đặt ra và yêu cầu giải quyết từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hôm 15-11, đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay tại Hội trường. Báo cáo này, theo nhận định của Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng, là “như một báo cáo quản trị quốc gia, đề cập đến mọi vấn đề của đời sống kinh tế-xã hội”. Ông cũng cho rằng, kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội ở từng ngành, từng lĩnh vực sẽ tác động rất nhiều đến việc bầu cử, tác động đến lá phiếu của cử tri và đại biểu Quốc hội ở nhiệm kỳ Chính phủ khóa tới.

Theo báo cáo của Chính phủ, một trong các nội dung giám sát mà Quốc hội đề ra là việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công (vốn từ ngân sách, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ…). Chính phủ thừa nhận việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở nhiều nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư; tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm; và hiệu quả đầu tư công chưa cao. Mặt khác, thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư phát triển chưa thật hiệu quả. Chính phủ cho rằng nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA và ưu đãi còn hạn hẹp.

Việc tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mặt khác, việc sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) DNNN ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có sắp xếp, đổi mới nông lâm trường, công ty nông lâm nghiệp chưa đạt tiến độ đề ra. Tỉ lệ vốn được CPH còn thấp.

Trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ tập trung vào viêc thực hiện các giải pháp đảm bảo thu thuế đúng, kịp thời vào ngân sách nhà nước, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá. Về thủ tục thuế, đã cắt giảm 420 giờ nộp thuế, trên 98% các doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng, 80% các doanh nghiệp đã nộp thuế theo phương thức điện tử và 98% kim ngạch xuất khẩu đã được thông quan điện tử.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, đầu tư công kém hiệu quả và các chinh sách tài chính còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp với sự thay đổi của nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo trong khi nhu cầu tăng chi ngân sách, chi thường xuyên quá lớn nên bội chi ngân sách giai đoạn 2011-2015 là 5,3% và đã giảm xuống mức 5% ở năm 2015.

Chính phủ cũng thừa nhận bốn năm qua, cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyện lớn, bội chi còn cao, quản lý và sử dụng ngân sách ở một số bộ ngành địa phương còn chưa chặt chẽ, tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN chưa được kiểm soát thực sự hiệu quả. Do đó nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp.

Các nội dung chất vấn về lĩnh vực ngân hàng trong nhiệm kỳ này tập trung vào chính sách tiền tệ, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, quản lý kinh doanh vàng và ngoại tệ, đặc biệt là việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.

Chính phủ nhận định rằng tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn. Biến động của giá vàng đến nay đã không ảnh hưởng nhiều đến ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã cơ bản chuyển sang quan hệ mua bán. Nhờ đó tỉ giá được ổn định, không gây tác động xấu đến doanh nghiệp như những năm trước.

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ tập trung thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Tình trạng sở hữu chéo, nhiều ngân hàng do cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng cũng đã diễn ra làm giảm đi 17 tổ chức tín dụng. Hai chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý. Kết quả là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã có đánh giá tích cực việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.

Nhờ một số những biện pháp quyết liệt, nợ xấu đã được kiểm soát. Đến tháng 9-2015, nợ xấu chỉ còn 2,93% so với mức nợ xấu rất cao 3 năm trước đó có thể gây đổ vỡ một số ngân hàng. Nhờ vậy năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng được nâng lên khiến hệ thống ngân hàng an toàn hơn.

Song Chính phủ cũng dè dặt khi tổng kết rằng, việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn và chưa giải quyết triệt để. Tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó tiếp cận, chất lượng tín dụng cũng chưa thật tốt. Nhưng sau mấy năm tái cơ cấu quyết liệt, đến nay bộ mặt các tổ chức tín dụng cũng dần đổi khác.

Chính phủ cũng chờ đợi sự đánh giá, nhận xét của đại biểu Quốc hội  về các vấn đề nêu trên.

Mời xem thêm:

Điều gì làm cho nợ công trở nên rủi ro?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới