Thứ năm, 15/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ cam kết hỗ trợ kinh phí cho dự án “mắt thần”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ cam kết hỗ trợ kinh phí cho dự án "mắt thần"

Vân Ly

Chính phủ cam kết hỗ trợ kinh phí cho dự án
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các nhà khoa học trẻ. Ảnh: chinhphu.vn

(TBKTSG Online) - Tại buổi gặp mặt lần đầu tiên hơn 70 nhà khoa học trẻ (có tuổi đời dưới 35), vào sáng nay 11-9, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết Chính phủ sẽ chi ngân sách mua "mắt thần" cho người mù, một sản phẩm do tiến sĩ Nguyễn Bá Hải sáng chế.

Trong hàng chục ý kiến phát biểu và góp ý của các nhà khoa học trẻ tại buổi gặp, phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên và Đào tạo nhân lực công nghệ cao, ĐH sư phạm kỹ thuật TPHCM được Thủ tướng quan tâm hơn cả.

Tại buổi gặp, tiến sĩ Hải đã trình bày về các dự án nghiên cứu máy chế biến cà phê; dự án nghiên cứu phát triển robot bưng bê phục vụ, robot dạy tiếng Anh và dự án “mắt thần” dành cho người khiếm thị (là kính đeo mắt có thể rung lên khi người khiếm thị sắp đụng phải vật chắn). Trong đó dự án mắt thần được hoạt động dưới dạng phi lợi nhuận, kêu gọi doanh nghiệp tài trợ tiền để sản xuất kính tặng cho người khiếm thị.

Ông Hải cho biết, dự án của ông đã kêu gọi tài trợ để sản xuất 2.000 sản phẩm (mỗi sản phẩm giá 2 triệu đồng). Tuy nhiên, ông cho biết hiện Việt Nam có 1,2 triệu người khiếm thị, trong đó có khoảng 300.000 người mù. Do đó ông mong muốn được Chính phủ hỗ trợ ngân sách thực hiện dự án này để có nhiều người mù hơn được giúp đỡ tạo điều kiện hội nhập cuộc sống dễ dàng hơn.

Sau khi nghe trình bày của tiến sĩ Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói Chính phủ đồng ý hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho dự án và giao Bộ Khoa học và Công nghệ nhanh chóng tạo điều kiện để sớm triển khai.

Với nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Nam, Giám đốc Công ty VP9, thì ông cho rằng Việt Nam có thể phát triển thành trung tâm internet để cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp đặt máy chủ hoặc thành trung tâm trung chuyển internet. Bởi những doanh nghiệp như Google, Facebook muốn vào Trung Quốc nhưng không được, họ có thể thuê chỗ đặt máy chủ ở Việt Nam. Như vậy, Việt Nam có thể nâng cấp trung tâm trung chuyển internet quốc gia (hiện chỉ phục vụ nhu cầu trong nước) thành trung tâm phục vụ cả khu vực.

Thủ tướng đã hỏi nhiều về đề xuất nói trên, và ông Nam cho biết nếu Chính phủ quan tâm, ông có thể tham gia cùng các cơ quan chức năng hình thành dự án nâng cấp trung tâm trung chuyển internet quốc gia.

Nên tạo niềm tin cho nhà khoa học

Cũng phát biểu tại cuộc gặp, tiến sĩ Phạm Văn Phúc thuộc Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng có sự khủng hoảng niềm tin ở các nhà khoa học trẻ. Các nhà quản lý không tin tưởng các nhà khoa học trẻ làm cho họ chán nản và rời khỏi đơn vị đang công tác để ra ngoài nghiên cứu hoặc ra nước ngoài làm việc.

“Đất nước đang thiếu những nhà khoa học đầu ngành, vậy chúng ta cần làm gì, không nên để thiếu mãi.” ông Phúc nói.

Còn tiến sĩ Phạm Phương Chi, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng chính sách lương và chính sách đãi ngộ cho các nhà khoa học hiện thấp, không khuyến khích được tinh thần nghiên cứu...

Sau khi nghe các nhà khoa học trẻ phát biểu, kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ cam kết hỗ trợ, khuyến khích hoạt động cho các nhà khoa học trẻ. Thủ tướng kêu gọi các nhà khoa học trẻ có đề tài thì đăng ký, nếu hay thì chính phủ sẵn sàng đầu tư dưới dạng vốn đầu tư mạo hiểm.

Thủ tướng nói: “Việt Nam muốn nâng cao năng lực quốc gia, tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, tăng năng suất lao động, không có cách nào khác là đầu tư cho khoa học công nghệ.”

“Tuy nhiên, lĩnh vực khoa học công nghệ rộng lớn, các nhà khoa học trẻ nên chọn những dự án có khả năng và lợi thế. Thêm nữa cần lưu ý rằng thị trường quyết định sản xuất. Các nhà khoa học trẻ cần chỉ ra Việt Nam cần làm gì để vươn lên vị trí số 1 trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi và cần phải có chính sách gì... ” Thủ tướng nói.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, những năm qua, thành tựu Việt Nam đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên, những người làm khoa học ở Việt Nam còn gặp khó khăn, phương tiện, thiết bị nghiên cứu lạc hậu, kinh phí hạn hẹp, chế độ tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống để có thể chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học...

Chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ còn chưa tương xứng với yêu cầu. Đặc biệt thiếu nghiêm trọng cán bộ khoa học đầu ngành, các cán bộ khoa học có trình độ quốc tế. Số lượng nhà khoa học đầu ngành ngày càng giảm, hầu hết đã cao tuổi, trong khi nhân lực kế cận ngày càng thiếu hụt. Hiện tượng chảy máu chất xám ngày càng gia tăng, cán bộ khoa học trẻ không theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu mà chuyển sang làm việc tại những khu vực có mức thu nhập hấp dẫn hơn. Một số nhà khoa học giỏi sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài đã không về nước...

Nguyên nhân của tình trạng nói trên, theo bộ trưởng là do chưa thực sự tháo gỡ được các vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách tạo nguồn lực và động lực cho khoa học và công nghệ phát triển...

Liên quan:

>>> Thủ tướng khuyến khích người dân tham gia nghiên cứu, sáng tạo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới