Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm nay hiện vẫn được giữ nguyên, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân.

Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được xem là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN.

Thông tin Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Thông báo kết luận nêu rõ, hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Trong đó cũng lưu ý rằng Chính phủ chưa xem xét, đề xuất việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, đã được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW ngày 18-10-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.

Theo đó, GDP dự kiến tăng khoảng 6,8%, còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới mức 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tương ứng với khoảng 33-34%.

* Tăng trưởng GDP năm 2020 dự kiến theo kịch bản 2 của Bộ KHĐT (%). Nguồn: TCTK.

Vào giữa tháng 2, Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa dự báo về tăng trưởng GDP dựa trên 2 kịch bản kiểm soát dịch Covid-19.

Theo đó, ở kịch bản 1, nếu dịch khống chế được trong quí 1 thì mức tăng GDP năm nay ở 6,25%.  Còn ở kịch bản 2, dịch được khống chế trong quí 2 thì GDP năm nay dự kiến đạt 5,96%. Tương ứng với cách kịch bản tăng trưởng đưa ra, lạm phát năm 2020 sẽ ở mức tăng 3,96% hoặc 4,86%.

Tuy nhiên với tình hình hiện nay thì đến thời điểm quí 1, Việt Nam mới thực sự bước vào “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, hiện đang lên cao trào và được các cấp quản lý dồn toàn lực.

Ảnh hưởng của Covid-19 trên thực tế cũng đã thể hiện khá rõ trong tháng 2. Theo báo cáo của BVSC về tình hình vĩ mô trong tháng 2 vừa qua, hầu hết tăng trưởng các ngành đều chậm lại do dịch Covid-19. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,7% và 9,2% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Còn ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (động lực chính của sản xuất công nghiệp) cũng chỉ tăng 7,4% (cùng kỳ là 11,4%). Tương tự, số liệu của Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) cũng cho thấy xu hướng giảm.

Bình luận trong báo cáo ngày 16-3, Công ty chứng khoán SSI cho rằng Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6.8%.

Với kịch bản cơ sở là dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quí 2-2020 và các chỉ báo vĩ mô như tỷ giá hay làm phát vẫn được giữ vững. “Các nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh. Tăng trưởng sẽ được bù đắp từ cuối 2020 và năm 2021, khi hàng loạt các dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế”, báo cáo SSI nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới