(KTSG Online) - Sáng nay (17-12), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án hợp nhất, sáp nhập một số bộ, cơ quan, Chính phủ dự kiến còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc.
- Bộ Công Thương đề xuất tinh gọn bộ máy, giảm năm đầu mối
- Hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau 5 năm
Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng dự kiến giảm 12/13 tổng cục, 500 cục, 177 vụ và 190 đơn vị sự nghiệp công lập. Con số này cao hơn so với định hướng Trung ương đặt ra, TTXVN đưa tin.
Sau quá trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các đề án, Bộ Nội vụ đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 18. Việc sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy đã được triển khai đồng bộ, cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo trong quản lý.
Hiện tại, Bộ Nội vụ đang tập trung cao độ để hoàn thiện toàn bộ báo cáo và đề án trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương vào ngày 25-12. Việc đảm bảo đời sống ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy là ưu tiên hàng đầu.
Cơ quan này cũng đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo nghị định quy định chế độ, chính sách đối với người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy với nguyên tắc "làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng". Dự thảo này đã được trình lên cấp có thẩm quyền để xem xét, phê duyệt.
Mục tiêu cuối cùng của các chính sách trên nhằm ổn định cuộc sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, không để ai bị thiệt thòi trong quá trình chuyển đổi.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sẽ trực tiếp tham gia vào việc đánh giá, lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức phù hợp để tinh giản biên chế, xây dựng một đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đồng thời giữ chân những người tài năng.
Theo bà, cuộc cải cách tổ chức bộ máy không chỉ dừng lại ở việc tinh gọn mà còn là một cuộc cách mạng tư duy sâu rộng, nhằm xây dựng một hệ thống chính trị năng động, sáng tạo, sẵn sàng đối mặt với những thách thức mới, đưa đất nước phát triển bền vững.
Bên cạnh tinh gọn toàn bộ hệ thống, việc rất quan trọng là phải đồng thời tinh gọn bên trong bộ máy của từng bộ, ngành nói riêng. Cụ thể, mô hình của Bộ Tư pháp, đề nghị hợp nhất chức năng của cơ quan công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong thủ tục giao dịch quan hệ tín dụng với ngân hàng. Việc hợp nhất này cho phép triển khai dịch vụ công chứng kết hợp với đăng ký giao dịch bảo đảm đảm bảo tinh gọn thủ tục pháp lý, giảm chi phí và thời gian, phù hợp với quá trình số hóa dịch vụ công đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Xã hội hóa dịch vụ công cũng là cách hiệu quả để nâng cao chât lượng bộ máy công quyền, qua đó tăng cường chất lượng phục vụ vụ, giảm chi ngân sách, giảm tải bộ máy quản lý tốt hơn.
Phải căn cứ tiêu chí quan trọng nhất, đó là việc gì liên quan trực tiếp đến dân/ doanh nghiệp/ hoạt động kinh tế – xã hội… mà giải quyết thông suốt/ nhanh gọn/ hiệu quả, thì lúc đó mới có thể đánh giá là chủ trương tinh gọn bộ máy đã đạt yêu cầu đề ra, đúng với mong đợi của dư luận toàn xã hội. Nếu không, việc sắp xếp – tinh gọn hệ thống, chỉ mang tính hình thức, đâu lại vào đấy ?
Bên cạnh việc tinh giản các Bộ/ngành thì Chính phủ cũng phải tính đến việc tinh giảm bộ máy các Tập đoàn/Tổng công ty làm ăn không hiệu quả.