(KTSG Online) - Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
- Huy động hơn 110.400 tỉ đồng qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ
- Phân công công tác các thành viên Chính phủ

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 ngày 10-4-2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, TTXVN đưa tin.
Nghị quyết nêu tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo; xung đột quân sự tại một số khu vực vẫn tiếp diễn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu...
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi; tình hình thời tiết cực đoan tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất, cung ứng điện; những yếu tố mới, khó lường ở bên trong, bên ngoài nền kinh tế tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp không chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được nhưng cũng không bi quan, dao động trước diễn biến phức tạp và khó khăn, tác động từ bên ngoài.
Các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
Cùng với đó, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, chất lượng cao; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu và chuỗi cung ứng; khai thác tối đa thị trường trong nước, thúc đẩy du lịch; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia toàn diện; cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và chất lượng nguồn nhân lực.