Thứ sáu, 21/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật: cho ý kiến 7 dự án luật

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm nay (20-2), Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2-2025 để thảo luận và cho ý kiến đối với 7 dự án luật. Phó thủ tướng Lê Thành Long điều hành phiên họp.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2-2025. Ảnh: TTXVN

Các luật này gồm Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đường sắt sửa đổi; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, TTXVN đưa tin.

Sau khi nghe các bộ, cơ quan trình bày tờ trình tóm tắt về các dự án luật; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định về các dự án luật, các thành viên Chính phủ thảo luận về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án luật; nội dung chính sách cơ bản của các dự án luật…

Trong đó, tại dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các đại biểu thảo luận nội dung chính sách liên quan đến quy định về đổi mới việc xác định sản phẩm hàng hóa và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; hội nhập quốc tế và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế; phân cấp quản lý để phù hợp tình hình thực tế.

Đối với dự án Luật Đường sắt sửa đổi, Chính phủ thảo luận về kết cấu hạ tầng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; về kinh doanh đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt…

Đặc biệt, nhiều thành viên đề nghị hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách phát triển đường sắt đảm bảo phát huy vai trò giao thông vận tải đường sắt, đáp ứng yêu cầu hiện đại, đồng bộ. Đồng thời đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế; mục tiêu, lợi ích, giá trị, nguồn lực phát triển đường sắt; phát triển kết cấu hạ tầng, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt; tăng cường công tác phân quyền, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt…

Đối với dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, việc hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự đáp ứng tình hình mới của Việt Nam và quốc tế là cần thiết. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự; hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự…

Các đại biểu cho rằng, việc việc xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, để tạo cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Tại đây, đại biểu đã thảo luận về nguyên tắc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; áp dụng nguyên tắc có đi có lại; các trường hợp đặc biệt khi xem xét điều kiện về thời hạn chưa chấp hành án phạt tù; điều kiện hợp lệ của hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù…

Kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, tạo ra không gian mới phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; bảo vệ dữ liệu cá nhân; góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tương thích với pháp luật quốc tế…

Ông yêu cầu những bộ chủ trì các dự án luật tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các dự án luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5-2025.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới