Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Mỹ có nguy đóng cửa một phần vào cuối tháng 9, nếu ngân sách mới không được thông qua. Kịch bản này có thể làm tăng thêm lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong ngắn hạn.

Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa một phần nếu Quốc hội Mỹ không thông qua được các dự luật chi tiêu vào cuối tháng 9 trước khi bắt đầu năm tài khóa mới. Ảnh: iStock

Các nguồn tài trợ hiện tại cho hầu hết các chương trình của chính phủ Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 30-9. Nếu các nhà lập pháp ở Điện Capitol không thể thông qua ngân sách mới vào thời điểm đó trước khi bước vào năm tài khóa tiếp theo từ ngày 1-10, nhiều cơ quan chính quyền liên bang sẽ đóng cửa. Các nhà chiến lược của ngân hàng Goldman Sachs ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ tổn thất 0,2% cho mỗi tuần chính phủ đóng cửa.

Việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần sẽ không ảnh hưởng các hoạt động thiết yếu như quốc phòng hoặc thanh toán an sinh xã hội. Viễn cảnh này không được coi là gây tổn thất lớn cho nền kinh tế giống như việc không tăng được trần nợ công của chính phủ Mỹ, điều mà các nhà lập pháp đã tránh được trong gang tấc vào đầu năm nay.

Tác động của các lần chính phủ đóng cửa trước đây đối với chứng khoán Mỹ là rất nhẹ, với chỉ số S&P 500 giảm trung bình 0,4% trong tuần trước khi đóng cửa và tăng tổng cộng 0,1% trong suốt thời gian đóng cửa kể từ năm 1976, theo dữ liệu nghiên cứu của CFRA.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể nhạy cảm hơn nếu chính phủ Mỹ đóng cửa lần này. Việc không thông qua ngân sách mới sẽ làm nổi bật tình trạng bế tắc và bất ổn chính trị ở Mỹ mà cơ quan xếp hạng tín nhiệm nợ quốc tế Fitch viện dẫn như là lý do để hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ hồi tháng 8, một động thái khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh.

Đồng thời, các nhà phân tích cho lo ngại, việc chính phủ đóng cửa có thể dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu, làm suy giảm nền kinh tế vào thời điểm các yếu tố khác, bao gồm chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) và việc nối lại thanh toán các khoản vay sinh viên của hàng chục triệu người Mỹ, đang là mối đe dọa đối với tăng trưởng.

Jamie Cox, đối tác quản lý của Harris Financial Group, nhận định một số khoản chi tiêu của chính phủ sẽ bị cắt giảm vì đó là cách duy nhất ngân sách mới được thông qua. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn ở Hạ viện Mỹ tuyên bố họ sẽ không ủng hộ các dự luật chi tiêu cần thiết để tài trợ cho hoạt động của chính phủ trong năm tài khóa tiếp theo, nếu chính phủ không cắt giảm chi tiêu tùy ý xuống còn 1,47 nghìn tỉ đô la. Con số này thấp hơn 120 tỉ đô la so với mức mà Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Joe Biden đã nhất trí. Goldman Sachs ước tính, mức giảm như vậy sẽ tương đương với mức giảm 0,6% so với GDP hiện tại của Mỹ.

Chỉ còn vài tuần nữa là đến thời hạn cuối nhưng Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát mới, chỉ thông qua một trong 12 dự luật chi tiêu đó. Các dự luật chi tiêu và thuế thường được thương lượng và bỏ phiếu ở Hạ viện trước khi chuyển đến Thượng viện Mỹ.

Nếu Hạ viện không phê duyệt các dự luật chi tiêu, chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa lần thứ tư trong thập niên qua. Điều này sẽ khiến khoảng 3 trong số 5 nhân viên dân sự liên bang phải nghỉ việc tạm thời.

Theo Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ, các lần đóng cửa trước đây thường được giải quyết trong vài ngày. Chỉ lần đóng cửa năm 2018 kéo dài 35 ngày và làm giảm lần lượt 0,1% và 0,2% GDP thực tế của Mỹ trong quí 4-2018 và quí 1-2019.

Paul Christopher, người đứng đầu chiến lược đầu tư toàn cầu của Viện Đầu tư Wells Fargo, tin rằng bất kỳ đợt đóng cửa trong lần này cũng có thể sẽ kéo dài trong bối cảnh đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm tới.

Christopher cho biết, một thỏa thuận chi tiêu không giúp cắt giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể đẩy lợi suất nợ chính phủ lên cao hơn, có khả năng kéo dài cơn biến động của chứng khoán Mỹ trong những tuần gần đây.

Ông đang chuyển hướng đầu tư vào cổ phiếu ở các lĩnh vực khác của thị trường như vật liệu và công nghiệp, vì cho rằng các lĩnh vực tăng trưởng mạnh như công nghệ đã đến lúc phải điều chỉnh.

Tháng trước, Nhà Trắng cho biết đang làm việc với Quốc hội để thông qua các dự luật chi tiêu ngắn hạn nhằm tránh việc đóng cửa trong khi các cuộc đàm phán về chi tiêu dài hạn vẫn tiếp tục.

Theo các nhà phân tích của Ned Davis Research, kịch bản chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

“Khả năng Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn, việc khởi động lại các khoản thanh toán khoản vay sinh viên, tình trạng chính phủ đóng cửa và các điều chỉnh chi tiêu tiêu dùng xuống mức thấp hơn vào năm 2024 có thể kết hợp lại để tạo ra chính sách kém thân thiện hơn cho thị trường tài chính”, họ viết trong một báo cáo.

 Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới